Mỗi người mẹ đều mong muốn mang đến điều tốt nhất cho con cái, đặc biệt là trong việc chăm sóc dinh dưỡng. Bữa sáng, được coi là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày, thường được các bậc phụ huynh xem như là "ưu tiên hàng đầu" trong chế độ ăn uống của trẻ.
Tuy nhiên, trong cuộc sống bận rộn, nhiều khi bố mẹ lại có xu hướng chuẩn bị bữa sáng một cách vội vàng, thiếu sự chú ý đến sức khỏe của con. Chính sự bất cẩn này có thể dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến dinh dưỡng và sức khỏe của trẻ. Thay vì tạo ra những bữa ăn bổ dưỡng, một số phụ huynh có thể vô tình làm hại con mà không nhận ra.
Chu Nhược (Trung Quốc) là mẹ của một bé trai 5 tuổi. Giống như hầu hết các bậc cha mẹ khác, cô rất coi trọng dinh dưỡng bữa sáng của con mình. Mỗi ngày, cô đều cẩn thận chuẩn bị bữa sáng thịnh soạn để đảm bảo các con có đủ năng lượng, và dinh dưỡng trước khi đến trường.
Tuy nhiên, một buổi sáng nọ, Chu Nhược ngủ quên vì đêm hôm trước cô phải làm thêm giờ. Khi thức dậy, thời gian còn lại không còn nhiều nữa nên cô vội vã chạy vào bếp, cố gắng làm gì đó cho con trai càng sớm càng tốt để bé đi học. Thấy trong tủ lạnh còn sắn và gạo, cô nghĩ đến việc dùng máy làm sữa đậu nành để nấu cháo cho con. Chu Nhược mua sắn cách đây vài ngày, và nghe nói sắn rất bổ dưỡng nhưng chưa tìm hiểu kỹ cách chế biến.
Cô gọt vỏ và cắt sắn thành từng miếng, cho vào máy làm sữa đậu nành cùng với gạo rồi ấn công tắc. Vài phút sau, cháo đã chín, cô múc một bát đưa cho con trai. Như thường lệ, đứa trẻ ngoan ngoãn ăn hết cháo, đeo cặp vào và đến trường. Chu Nhược thở phào nhẹ nhõm, nghĩ rằng ít nhất cô đã không làm chậm trễ việc học của con mình.
Tuy nhiên, không lâu sau đó, điện thoại di động của cô reo. Người ở đầu dây bên kia là cô giáo của con trai, cô ấy nói với giọng lo lắng: "Chu Nhược, chị hãy đến trường sớm nhé. Con trai chị đột nhiên cảm thấy không khỏe, trông xanh xao và toàn thân đổ mồ hôi, tình hình có vẻ rất nghiêm trọng”.
Tim Chu Nhược đột nhiên thắt lại, cô lấy áo khoác, vội vã ra khỏi nhà và đi thẳng đến trường. Khi cô chạy đến lớp học, cô thấy con trai mình đang ngồi trên ghế, khuôn mặt tái nhợt, trán đầy mồ hôi lạnh, môi hơi tím tái. Đứa trẻ thở gấp và ôm chặt bụng bằng hai tay, rõ ràng là đang rất đau đớn. Thậm chí, thằng bé còn nôn ra một chất nhầy màu trắng kỳ lạ.
Chu Nhược bế con trai, vội vã ra khỏi trường, gọi taxi và chạy đến bệnh viện. Trên đường đến bệnh viện, tình trạng của đứa trẻ trở nên tồi tệ hơn. Nhóc tỳ bắt đầu nôn liên tục, cơ thể hơi giật giật, ý thức dần dần trở nên mơ hồ.
Chu Nhược ôm chặt con trai, nước mắt chảy dài. Cô liên tục giục tài xế lái xe nhanh hơn. Tuy nhiên, trước khi xe dừng lại trước cổng bệnh viện, hơi thở của đứa trẻ đã dần yếu ớt. Các bác sĩ ngay sau đó đã nhanh chóng tiến hành cấp cứu, nhưng đã quá muộn. Sau khi chẩn đoán, bác sĩ phát hiện cậu bé bị suy đa cơ quan do ngộ độc thực phẩm. Bác sĩ hỏi Chu Nhược về chế độ ăn của con, và cuối cùng chỉ ra lý do đến từ bát cháo lúc sáng cô nấu cho con.
Hoá ra, Chu Nhược đã không nấu chín sắn, nhưng trong sắn lại chứa các chất độc hại gọi là glycosides cyanogenic, nếu không được đun nóng, nấu chín, khi đi vào cơ thể con người sẽ chuyển hóa thành hydro xyanua, một chất cực độc ức chế quá trình hô hấp của tế bào, dẫn đến ngộ độc hoặc thậm chí tử vong.
Chỉ đến lúc này, Chu Nhược mới nhận ra rằng sự bất cẩn nhất thời của cô đã dẫn đến một thảm kịch không thể khắc phục được.
Ngoài sắn, còn có nhiều nguyên liệu phổ biến khác có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ nếu không được nấu chín đúng cách. Dưới đây là 3 loại thực phẩm bố mẹ cần hết sức chú ý.
1) Đậu (như đậu xanh và đậu lăng)
Đậu xanh và đậu lăng là những thực phẩm phổ biến trên bàn ăn của nhiều gia đình, nhưng chúng chứa một loại độc tố tự nhiên gọi là "saponin". Nếu không được nấu chín hoàn toàn, các chất độc này có thể gây ra các triệu chứng ngộ độc như buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy.
Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), hàng năm vẫn có những trường hợp ngộ độc thực phẩm do ăn đậu nấu chưa chín. Do đó, khi nấu đậu, hãy luôn đảm bảo đậu chín hoàn toàn, có màu chuyển từ xanh tươi sang xanh đậm và kết cấu trở nên mềm.
2) Thịt (như thịt gà, thịt lợn)
Thịt có thể chứa vi khuẩn gây bệnh như Salmonella và E. coli, thậm chí có thể mang ký sinh trùng. Nếu không được nấu chín hoàn toàn, những vi khuẩn và ký sinh trùng này có thể xâm nhập vào cơ thể con người và gây ngộ độc thực phẩm hoặc nhiễm ký sinh trùng.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã từng đưa ra báo cáo nêu rõ, thịt nấu chưa chín là một trong những nguyên nhân chính gây ngộ độc thực phẩm ở trẻ em. Do đó, khi nấu thịt, hãy đảm bảo nhiệt độ bên trong đạt tiêu chuẩn an toàn (ví dụ: thịt gà cần đạt trên 74°C).
3) Trứng
Trứng là thực phẩm chính trong bữa sáng của nhiều trẻ em, nhưng trứng sống hoặc nấu chưa chín có thể chứa vi khuẩn salmonella. Loại vi khuẩn này có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng ở đường tiêu hóa, và thậm chí là nhiễm trùng huyết.
Theo nghiên cứu trong cuốn sách “An toàn thực phẩm và Dinh dưỡng”, nhiễm khuẩn salmonella thường xảy ra ở trẻ em nhiều hơn, chủ yếu là do hệ thống miễn dịch của trẻ chưa phát triển đầy đủ.
Vì vậy, trứng cho trẻ ăn phải được nấu chín kỹ, tránh ăn trứng luộc lòng đào hoặc trứng sống.