Mang thai và sinh con là điều hầu như mọi phụ nữ đều trải qua. Song với mỗi người khoảnh khắc và cảm giác khi đó lại khác nhau. Có những chị em sinh nở dễ dàng, nhanh chóng nhưng có những người lại rơi vào nguy kịch do gặp bệnh lý thai kỳ. Với bà mẹ trẻ Nguyễn Ưu Tú (sinh năm 1996) cư ngụ tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An thì hành trình “vượt cạn” là kỷ niệm khiến cô không bao giờ quên.
Hàng chục bác sĩ vây quanh cấp cứu sản phụ sa dây rốn
Đã hơn một tuần sau ngày đi đẻ đáng nhớ, Ưu Tú vẫn nhớ y nguyên cảm xúc và nỗi lo lắng khi được bác sĩ thông báo phải mổ cấp cứu do cả mẹ và bé rơi vào trạng thái nguy hiểm. Vừa ôm em bé trong tay cô vừa nhớ lại ngày mà mình đối mặt với ranh giới mỏng manh giữa sinh và tử trong quá trình cô chuyển dạ.
Tú nói: “Ngày 28/5 vừa qua, mình đến Bệnh viện Hùng Vương (TP Hồ Chí Minh) thăm khám, siêu âm. Vì thai đã quá ngày dự sinh (40 tuần 5 ngày) nên bác sĩ cho nhập viện luôn. Đến sáng hôm sau, sau khi ăn sáng ở căng tin của bệnh viện, mình cảm giác có cơn đau nhẹ, đi vệ sinh thì phát hiện có 1 chút máu sẫm màu. Sau khi hỏi bác sĩ, mình được biết đó là dấu hiệu sắp sinh. Bác sĩ cho đo máy kiểm tra các cơn gò, thông báo cổ tử cung đã mở 2 phân”.
Sau cuộc "vượt cạn" nguy kịch, bé trai nặng 3,6 đã cất tiếng khóc to chào đời đến với gia đình.
Tại bệnh viện cô được bác sĩ truyền thuốc và đo tim thai và độ gò tử cung. Mỗi lúc các cơn gò xuất hiện nhiều hơn. Khi kiểm tra biểu đồ các cơn gò, y tá phát hiện thai nhi có vấn đề, một bác sĩ khác vào khám trong, lại thấy bất thường nên mời một người chuyên môn cao hơn vào kiểm tra giúp. Vừa đưa tay vào khám âm đạo, bác sĩ đã hét lên: "Sa dây rốn rồi, đưa băng ca vào nhanh lên. Sắp không kịp rồi". Lúc này Tú giật mình và hoảng sợ, cô không hiểu chuyện gì đang xảy ra.
“Lúc đó có một nữ hộ sinh khác hỏi tiếp em là muốn mổ thường hay mổ dịch vụ, chưa kịp trả lời thì bác sĩ lại hét lên: "Giờ là mổ cấp cứu, không thường hay dịch vụ gì nữa hết". Nằm trên băng ca mình vẫn không biết bản thân và em bé đang nguy cấp đến mức nào vì chưa bao giờ mình biết đến khái niệm "sa dây rốn" là gì. Hôm đó, dường như gần hết các bác sĩ và y tá trong kíp trực đẩy băng ca đưa mình đi cấp cứu, họ đẩy rất nhanh, hô hoán cấp cứu rất to. Bác sĩ khám trong cho mình lúc trước vẫn giữ nguyên tay trong âm đạo của mình để giữ nhau của con. Vừa giữ, bác sĩ vừa động viên mình phải thật bình tĩnh” – mẹ 9X kể.
Em bé chào đời ở tuần thứ 40 của thai kỳ.
Rất nhanh chóng cô đã được đẩy vào phòng phẫu thuật. Những người trong phòng quay ra hỏi "Ca nào đây, chưa chuẩn bị gì hết mà". Lại một lần nữa chính bác sĩ khám trong lúc nãy hô lên: "Mổ cấp cứu, sa dây rốn rồi, nhanh lên, phải cứu đứa bé". Đến tận lúc này, cô mới biết mình suýt mất con.
Tú được đưa lên bàn mổ. Cả khoa sản như chấn động, người cắt áo, người trói tay, người thoa thuốc khử trùng, người tiêm thuốc mê, người chụp oxi, người lấy dụng cụ... “Mình nghe ai đó nói rạch đi, rạch nhanh lên. Lúc đó, mình vẫn chưa mê nên bắt đầu hoảng, mình vội hét lên “Thuốc mê chưa ngấm mà". Bác sĩ quay sang bảo "Em cố gắng đi, sắp không kịp rồi". Họ bắt đầu rạch, mình cảm nhận rõ: Đau, rất đau. Nhưng nhìn bác sĩ đang vội vã như vậy, mình cắn răng chịu đựng và bắt đầu đi vào cơn mê. Đến khi tỉnh lại, mình vẫn vô cùng hoảng loạn, la hét trong mê man, không quên sờ tay lên bụng, quay sang hỏi y tá "Con em đâu?" và được y tá nói em bé an toàn mình mới yên tâm thiếp đi 1 lúc nữa” – Tú chia sẻ.
Sinh con vỏn vẹn trong 5 phút
Kể từ lúc phát hiện dấu hiệu bất thường đến khi em bé chào đời diễn ra vỏn vẹn trong 5 phút, bé trai nặng 3,6kg chào đời trong niềm hạnh phúc vô bờ của gia đình và toàn bộ những người có mặt tại ca mổ.
Trải qua cuộc vượt cạn thập tử nhất sinh, Tú tâm sự: "Chắc là mình sẽ không bao giờ quên được ngày con đã vượt giông bão như thế nào để đến bên mẹ và gia đình mình. Tạ ơn trời phật, cảm ơn đội ngũ bác sĩ khoa sản Bệnh viện Hùng Vương đã giúp con chào đời trong thời khắc nguy hiểm nhất".
Em bé chào đời khỏe mạnh là niềm hạnh phúc vô bờ bến của gia đình.
Được biết, đây là bé thứ 2 của gia đình cô. Trong thai kỳ, 3 tháng đầu Tú bị ốm nghén nặng. Hễ ăn vào là ói ra sạch, kèm theo triệu chứng đau lưng. Ngồi khom lưng là đau, cô không thể nằm thẳng. Hết tam cá nguyệt đầu tiên sức khỏe cô bắt đầu ổn định. Chỉ đến khi chuẩn bị bước vào tháng thứ 7 mẹ bầu bắt đầu đau lưng trở lại. Quá trình theo dõi thai kỳ cho thấy nhau bám mặt trước, ngôi thai đầu và tăng cân đều đặn vào 2 tháng cuối.
Từ câu chuyện của bản thân, mẹ Long An muốn khuyên các mẹ, nhất là các mẹ giai đoạn cuối thai kỳ cần thực sự tỉnh táo, dù sinh lần đầu, lần 2 hay lần 3 thì cũng hết sức chú ý, mỗi lần mang thai là một lần cơ thể thay đổi, không nên đánh đồng giống lần trước hoặc nghĩ chủ quan theo kiểu “chắc không sao”.
Cần phải để ý đến tất cả các biểu hiện, triệu chứng dù là nhỏ nhất, phải theo dõi bản thân và chú ý lắng nghe để kịp biết con muốn gì, con đang như thế nào. Mọi sự cố đều có thể xảy ra bất ngờ mà bản thân mẹ bầu không đoán trước được. Rất cần sự cẩn trọng để có thể can thiệp kịp thời, tránh xảy ra chuyện không may.