Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển toàn diện về thể chất cho trẻ ở lứa tuổi học đường. Chính vì thế chị Mễ (ở Trung Quốc) khi lựa chọn trường học để gửi gắm cô con gái 8 tuổi rất quan tâm đến vấn đề bữa ăn nội trú buổi trưa ở trường của bé.
Chị tìm được một trường tiểu học có mức phí ăn trưa khá đắt khoảng hơn 30.000 nhân dân tệ (hơn 100 triệu đồng) mỗi một năm học. Tuy nhiên nhiều phụ huynh đánh giá cao ngôi trường học này, thậm chí một số còn cho rằng đây là ngôi trường "quý tộc". Chính vì thế chị Mễ cũng quyết định cho con theo học tại ngôi trường này một thời gian xem thế nào.
Mỗi ngày đi học về chị đều hỏi con gái xem hôm nay ở trường thế nào, trưa nay con ăn gì? Con gái 8 tuổi của chị đều trả lời rằng "cơm ở trường ngon lắm mẹ ạ" hoặc "con thích ăn cơm trưa ở trường" nên chị rất yên tâm. Thế nhưng vào một ngày nọ, chị vô tình phát hiện trong balo của con gái có 1 số cọng rau gần như bị khô héo. Hỏi con gái, chị Mễ chỉ nhận được câu trả lời rằng "chắc rác bạn nào vứt vào cặp con".
Thế nhưng chuyện này không chỉ xảy ra một lần mà còn rất nhiều lần, chiều nào đi học về chị cũng thấy có rau ở trong cặp con gái, thậm chí có khi còn có miếng thịt, mẩu cà chua. Chị nghi ngờ về lời nói của con gái và chắc chắn có liên quan đến bữa ăn trưa ở trường. Chính vì thế vào một ngày nọ, lấy lý do đến đưa cho con gái một số món đồ đúng giờ ăn trưa, chị Mễ vào khu nhà ăn của con gái thì cũng vô cùng ấn tượng bởi nhà ăn sạch đẹp, khang trang và các cô giáo hướng dẫn học sinh ăn rất có nề nếp.
Mỗi em học sinh sẽ xếp thành hàng, tự lấy bát đũa sau đó đi dọc quầy đồ ăn để cô giáo múc cơm vào khay cho mình. Các bé học sinh tỏ ra vô cùng thích thú với hoạt động tự lập này. Tuy nhiên điều khiến chị Mễ chú ý chính là thực phẩm của bữa ăn ngày hôm đó bao gồm thịt kho, rau xào, cá khô và trái cây tráng miệng. Theo chị thức ăn có vẻ hơi nghèo nàn nhưng một người nấu bếp khẳng định các món ăn sẽ thay đổi theo từng ngày nhằm mục đích cân bằng dinh dưỡng cho các bé.
Tuy nhiên theo chị Mễ, số tiền mà chị bỏ ra vào mỗi năm học là không hề nhỏ nhưng chất lượng bữa ăn thì chưa thực sự tốt, cần phải cải thiện hơn nữa. Nếu so với cơm nhà chị nấu thì những đồ ăn này nhìn cũng không được ngon bằng, chị sẽ không lựa chọn ăn chúng nhưng con gái chị sao lại luôn miệng khen ngon.
Khi được gặng hỏi về những thứ đồ có trong cặp, con gái chị Mễ mới thành thật trả lời rằng đó là những món bé không thích ăn nhưng sợ cô giáo mắng nên con đã lén giấu vào trong cặp và mang về nhà vứt đi. Cô bé cảm thấy ăn ở trường rất thích vì được ăn những thứ mình muốn, thứ gì không muốn có thể bỏ đi còn ăn trưa ở nhà mẹ thường nấu nhiều và bắt phải ăn hết, "không thể gian lận".
Chị Mễ dường như hiểu ra vấn đề và căn dặn con gái cần phải tập ăn thích nghi với tất cả các món ăn ở trường nếu không con sẽ bị đói. Công bằng mà nói những món ăn ở trường không hợp khẩu vị của chị Mễ một chút nào nhưng sự thật là các bé học sinh đều ăn rất ngon và hết suất.
Trên thực tế mỗi trẻ khi đi học thường rất thích cơm ở trường và ăn hết suất xuất phát từ việc nhà trường thường:
Chế biến món ăn theo khẩu vị của trẻ
Thức ăn ở nhà được mẹ nấu kỹ càng nhưng thực ra lại được thêm rất nhiều gia vị, hợp với khẩu vị của người lớn. Nhưng đối với trẻ con, khẩu vị của trẻ khá nhạt nên khi ăn con có thể không thấy ngon miệng. Ngoài việc chế biến món ăn theo khẩu vị của trẻ, cha mẹ cũng nên kết hợp nhiều loại thực phẩm để con ăn không bị ngán, ngoài ra kết hợp trang trí bắt mắt để kích thích vị giác của trẻ.
Ăn uống kết hợp vận động thích hợp
Ở trường, các hoạt động học và chơi khiến trẻ tiêu tốn nhiều năng lượng, dẫn đến trẻ ăn rất ngon vào các bữa ăn. Bố mẹ cũng nên khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động thể dục thể thao phù hợp để bé phát triển chiều cao và cân nặng một cách tốt nhất. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trẻ độ tuổi mầm non cần hoạt động thể lực cường độ vừa trở lên bằng các môn thể thao như bơi lội, đi bộ, chạy, chơi đuổi bắt… ít nhất 60 phút/ngày. Phụ huynh có thể chia nhỏ hoạt động trong nhiều khoảng thời gian khác nhau, mỗi lần ít nhất 10 phút.
Tạo bầu không khí cho bữa ăn của con
Ở trường, trẻ ăn thành nhóm, ngồi chung bàn với nhau, vừa ăn vừa “ganh đua” nhau rất tích cực. Do đó, những bữa ăn ở trường của con rất vui và ngon miệng, không “áp lực” như khi ăn ở nhà. Cha mẹ thường ép con ăn khiến trẻ không thích thú, đặc biệt là không khí của bữa ăn cũng trở nên căng thẳng hơn hẳn khiến con không cảm thấy ngon miệng.Không ăn vặt, ăn nhẹ
Trước khi trẻ đi học, giáo viên sẽ kiểm tra xem có đồ ăn nhẹ trong cặp và không được phép mang vào. Bởi vì giữa giờ học của trẻ ở trường sẽ có những bữa ăn phụ là trái cây hoặc các loại bánh, đồ ăn vặt tốt cho sức khỏe và được ăn với một khẩu phần nhất định, tránh làm trẻ quá no hoặc quá đói. Việc cha mẹ cho con ăn vặt trong ngày có thể làm con bị quá no, không thể nạp thêm đồ ăn vào các bữa ăn chính. Ngoài ra, trên thị trường còn có rất nhiều loại đồ ăn vặt nhiều dầu mỡ, chất bảo quản… không tốt cho sức khỏe của trẻ.