Năm 2019, một bộ ảnh bố mẹ chụp cùng con trai mới sinh đã thu hút hàng triệu người xem và chia sẻ. Bởi điều đặc biệt trong bức ảnh là bé sơ sinh chào đời với một vết sẹo chằng chịt trên lưng và phía sau đó là một câu chuyện kì diệu.
Bức ảnh em bé sơ sinh có vết sẹo trên lưng từng gây "sốt" mạng xã hội.
Cậu bé trong bức ảnh tên Parker, con trai của bà mẹ tên Jessica Trinkle (sống tại Florida, Mỹ). Khi Jessica mang thai bé được 23 tuần, kết quả siêu âm phát hiện trên lưng bé xuất hiện một "chiếc túi" lạ. Đây là biểu hiện của thai bị tật nứt đốt sống bẩm sinh. Nếu không xử lý khuyết tật bẩm sinh này, em bé sinh ra sẽ bị hở một phần của tủy sống nên không thể đi lại được, trường hợp xấu nhất là cả đời gắn với chiếc xe lăn.
Cầm kết quả kiểm tra trên tay, Jessica khóc cạn nước mắt. Cô tìm hiểu khắp nơi để tìm ra phương án xử lý tốt nhất cho con. Cuối cùng cô tình cờ tìm được một nhóm trên mạng xã hội, nơi các bà mẹ có con bị tật đốt sống trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm. Trong đó, một người cho biết cô ấy từng chữa cho con ngay từ trong bụng mẹ bằng phương pháp phẫu thuật thai nhi. Jessica lập tức liên lạc, hỏi han và kết quả đã tìm được chuyên gia phẫu thuật đã tiến hành ca mổ từ trong thai cho bé.
"Tôi chấp nhận mọi phương pháp miễn cứu được con", Jessica chia sẻ. Ca phẫu thuật thai nhi của cô chỉ có 9 ngày để chuẩn bị. Chi phí được hơn 300 người trên mạng xã hội quyên góp trong vòng 1 ngày. Sau đó, Jessica cùng thai nhi phải trải qua hàng loạt xét nghiệm và kiểm tra chuyên sâu trước khi phẫu thuật. Tất cả đều phải diễn ra trước tuần thứ 25 thai kỳ.
Các bác sĩ đã phẫu thuật cho Parker rồi đặt bé trở lại bụng mẹ.
Ngày 13/11/2018, ca phẫu thuật thai nhi diễn ra với sự tham gia của 13 bác sĩ và y tá. Parker được đưa ra ngoài và phẫu thuật sửa lại cột sống rồi đặt trở lại bụng mẹ. Đây là cặp mẹ và bé thứ tư trải qua phẫu thuật thai nhi ở bang Florida. May mắn ca phẫu thuật thành công tốt đẹp.
Quá trình phục hồi sau mổ của thai nhi diễn ra tốt nhờ tình yêu thương của gia đình và sự hỗ trợ tận tình của đội ngũ y bác sĩ. Jessica đã mang thai đến 37 tuần mà không có biến chứng. Ngày 6/2/2019, bé trai Parker chào đời khỏe mạnh, nặng 2,5 kg. Giây phút đó, vợ chồng Jessica đã ôm nhau khóc vì hạnh phúc. Họ biết rằng con trai có một vết sẹo xấu xí trên lưng nhưng đó lại là dấu vết của hành trình kì diệu giúp cứu con họ khỏi cuộc đời sống chung với xe lăn. Vợ chồng Jessica không biết phải nói gì để cảm ơn các bác sĩ đã mang lại điều kì diệu cho gia đình họ.
Parker hiện tại hơn 3 tuổi, tuy phát triển về vận động chậm hơn các bạn cùng lứa nhưng cậu bé vẫn khỏe mạnh và hoạt bát.
Đến nay, Parker đã hơn 3 tuổi. Cậu bé có sở thích tô màu, bơi lội và chơi với khủng long đồ chơi. Jesica cho biết nếu không có cuộc phẫu thuật trước khi sinh, con trai cô có thể sẽ bị liệt từ bụng trở xuống. Thực tế, hiện tại Parker có thể kiểm soát 80% cơ chân của mình từ đầu gối trở lên. Năm 2 tuổi, Parker đã có những bước đi đầu tiên thành công với sự hỗ trợ của nẹp chân.
“Thằng bé thực sự trở nên mạnh mẽ hơn mỗi ngày. Con không có bất kỳ sự chậm trễ nào về nhận thức cả. Con đã đạt được tất cả các cột mốc phát triển quan trọng của mình, ngoại trừ các kỹ năng vận động thô nhưng chúng tôi chỉ cần kiên nhẫn chờ đợi", Jessica tâm sự.
Tật nứt đốt sống ở thai nhi là gì?
Tật nứt đốt sống xảy ra khi cái gọi là ống thần kinh, một cấu trúc rỗng bắt đầu hình thành vào khoảng tuần thứ ba của thai kỳ, không phát triển đúng cách và về cơ bản kết thúc bằng một lỗ trên đó.
Ống thần kinh sau này dẫn đến não và tủy sống của em bé , vì vậy một lỗ hổng trên cấu trúc có thể gây tổn thương dây thần kinh từ nhẹ đến nặng và dẫn đến khuyết tật về thể chất và trí tuệ.
Phẫu thuật cho thai nhi được thử nghiệm lâm sàng từ năm 2011 và đến nay đã có nhiều ca thành công. (Ảnh minh họa)
Rất may, từ năm 2011, các chuyên gia đã bắt tay vào nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng phương pháp phẫu thuật cho thai nhi trong bụng mẹ để có thể giúp chúng tránh khỏi những tác hại của tật nứt đốt sống.
So với những đứa trẻ bị nứt đốt sống được phẫu thuật sau khi sinh, những đứa trẻ được phẫu thuật trong bụng mẹ có khả năng đi lại mà không cần sự trợ giúp khi lên 2 tuổi với tỉ lệ cao gấp đôi và ít mắc các vấn đề về thần kinh hơn.
Phẫu thuật mở thai mang lại một số rủi ro, vì nó phần nào làm tăng nguy cơ sinh non và đòi hỏi các bà mẹ phải sinh mổ, nếu không có nguy cơ bị vỡ tử cung.