Mới đây, những đoạn clip ghi lại các buổi học bơi của một em bé còn khá nhỏ tuổi được cư dân mạng chia sẻ rất nhiều và nhận được không ít ý kiến trái chiều.
Có lẽ sẽ chẳng có gì để tranh luận bởi học bơi là một trong những kỹ năng vô cùng quan trọng cần phải được trang bị cho trẻ để tránh tình trạng đuối nước ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên trong những clip đó, mọi người nhìn thấy hình ảnh thầy giáo dậy bơi đẩy bé xuống bể và thấy em bé liên tục gào thét trong quá trình học nên không khỏi xót xa.
2 video ghi lại buổi học bơi của Tin gây nhiều ý kiến trái chiều.
Không ít người cho rằng đây là một phương pháp dạy bơi đáng sợ, tàn nhẫn, là hành động ép buộc bé phải học bơi chứ hoàn toàn không tôn trọng mong muốn của trẻ. Việc em bé gào khóc được cho là do bé sợ hãi, không muốn xuống bể bơi. Đồng thời cũng có những người đánh giá mẹ em bé vô tâm khi chứng kiến con sợ hãi, liên tục tìm mẹ để cầu cứu nhưng mẹ không hề có phản ứng gì.
Nhiều người cũng tỏ ra lo ngại cho vấn đề sức khoẻ, sợ em bé dễ bị sặc nước, thậm chí có khả năng gặp phải tình trạng đuối cạn vì vừa khóc vừa bị đẩy xuống nước.
Bác sĩ nói gì?
Chia sẻ về vấn đề này, TS.BS Nguyễn Hữu Trung – Giảng viên Đại học Y Dược TP. HCM cho biết, các clip về việc đẩy đứa bé xuống nước trong khi trẻ khóc thét như vậy gây nguy hiểm cho trẻ.
“Xem xong các clip bà mẹ trẻ quăng đứa nhỏ xuống nước cho trẻ tập bơi, tôi thấy quả là bà mẹ can đảm.
Đúng là trẻ nhỏ đã có phản xạ cử động tay chân mà không cần phải dạy. Phản xạ này đã có từ trong bụng mẹ. Tuy nhiên, nếu ai nói rằng trẻ trong bụng mẹ đã biết bơi nên ra ngoài, trẻ có thể bơi mà không cần dạy dỗ gì là một sai lầm. Cái khó của bơi không phải là quậy tay chân mà là khả năng hít thở cho hợp lý. Khả năng hít thở của bé dưới nước hoàn toàn không có trong bụng mẹ vì khi đó, việc trao đổi khí Oxy- Carbonic được thực hiện qua bánh nhau, dây rốn chứ không phải qua đường hô hấp như sau khi chào đời”, bác sĩ Trung cho biết.
Bác sĩ cũng khuyên các bà mẹ không nên làm như vậy để tránh những hậu quả không lường trước được.
Thầy giáo dạy bơi lên tiếng lý giải
Trước những ý kiến trái chiều và phản đối của nhiều người, anh Trương Thanh Tùng - thầy giáo dạy bơi trong đoạn clip trên đã có những chia sẻ rõ hơn về phương pháp dạy bơi của mình.
Anh Trương Thanh Tùng cho biết, anh có bằng Cử nhân Y học của trường Đại học Thể dục Thể thao Hà Nội và đã dạy bơi được khoảng 5-6 năm. Anh cũng là người sáng lập ra Trung tâm dạy bơi Le Ping, chuyên dạy bơi cho trẻ từ 0-5 tuổi được 2 năm nay.
Phương pháp dạy bơi của anh có tên là "Phương pháp giáo dục đặc thù từng cá nhân". Phương pháp này do anh tự nghiên cứu từ sách nước ngoài. Sau đó học thêm và soạn giáo án của riêng mình.
Anh Tùng dạy bơi cho các bé.
Nói về clip mọi người đang được mọi người chia sẻ và có những ý kiến trái chiều, anh Tùng cho biết, bé Tin được mẹ đăng ký học bơi lúc 16 tháng và mẹ bé hoàn toàn hiểu tính cách và tâm lý của bé. Bé Tin thuộc dòng phản ứng nên bé có phản ứng lại bằng cách khóc rất to, vì vậy việc mẹ bé càng lại gần bồng bế, yêu thương bé sẽ không học được. Anh và mẹ bé đã thống nhất phương pháp dạy dựa trên tính cách đặc thù này của bé là mẹ sẽ điềm tĩnh đứng từ xa động viên con bơi lại.
Trong clip là buổi học thứ 7 của Tin chứ không phải buổi đầu tiên như nhiều người lầm tưởng. Bé đang học bài cuối cùng là “Mô phỏng ngã từ trên cao xuống nước".
Hiện nay, bé Tin đã 25 tháng tuổi, mẹ bé cũng có mua một hồ bơi phao cho bé tập bơi tại nhà và mỗi tuần cho bé đi bơi ở hồ bơi lớn, bé Tin rất thích thú, hoàn toàn tin tưởng vào mẹ mình.
Video Tin thích thú khi bơi với mẹ ở nhà.
Chia sẻ thêm, anh Tùng cho biết, ngay khi còn ở trong bụng mẹ trẻ đã biết bơi do sống trong môi trường nước và ngay trong mã gen của loài người là động vật có vú nên biết bơi ngay từ khi còn ở trong bụng mẹ. Các bé có những phản xạ tự nhiên khi chúng tiếp xúc với nước. Điều đặc biệt là các bé có thể tự đóng mở thành miệng và nắp thanh quản trong lúc bơi để ngăn không cho nước không tràn vào phổi và có những phản xạ đập tay đập chân để không bị chìm trong nước. Các phản xạ bẩm sinh này sẽ mất đi khi trẻ lên 18 tháng do đó có nhiều bố mẹ đã cho con đi học bơi từ sớm.
Tuy nhiên, các phản xạ tự nhiên này chỉ giúp trẻ không bị nước tràn vào phổi, để trẻ ngoi đầu lên được khỏi mặt nước, thổi hết nước trong miệng ra và hít được không khí. Đây là yếu tố quan trọng để trẻ sống sót khi ở trong môi trường nước.
Vì vậy, người giáo viên dạy bơi sẽ dạy cho trẻ những kĩ năng sinh tồn như:
- Dạy bé cách thổi nước trong miệng ra- Dạy bé cách ngoi đầu lên khỏi mặt nước để lấy không khí
- Dạy bé cách khi bị ngã úp xuống nước thì bé quẫy chân tay để bơi ngửa lên lấy không khí.
- Dạy bé cách khi bị ngã bất ngờ xuống nước thì bé đạp chân để bơi ngoi lên được mặt nước.
“Tôi khẳng định những kĩ năng này không nằm trong kĩ năng tự nhiên của trẻ và trẻ phải được sự hướng dẫn của giáo viên mới hình thành nên các kỹ năng bơi lội này”, anh Tùng nhấn mạnh.
Phản bác ý kiến trẻ sẽ sang chấn tâm lý khi học bơi bằng cách đẩy xuống nước, sẽ sợ bơi trong thời gian dài và mất niềm tin ở mẹ, anh Tùng khẳng định, tất cả các trẻ sơ sinh từ 0-18 tuổi đều chưa phát triển hết não bộ, đặc biệt là cơ quan hồi hải mã và thùy trán trước, cho nên các ký ức khi trẻ khóc trong lúc học bơi sẽ không thể ghi nhớ dài hạn được. Các ký ức, tâm lý của trẻ sẽ được thanh đổi nhanh chóng khi trẻ biết bơi giỏi hơn.
Chia sẻ về giáo án trung tâm mình, anh Tùng cho hay, anh đã nâng cấp giáo án này lên cấp độ 2 là Lập trình ngôn ngữ tư duy. Thời gian trẻ biết bơi từ 20 buổi rút ngày xuống còn 10 buổi, giúp các phụ huynh đỡ tốn thời gian và tiền bạc hơn. Các bé dưới 15 tháng sẽ hiểu được lời giáo viên nói gì và làm theo đúng như vậy.
Đồng thời, anh tiếp tục nghiên cứu và nâng cấp lên giáo án cấp độ 3 (Sinh Trắc Vân Tay) tạm chia các bé ra hai dạng là phản ứng và cảm xúc. Với các bé thuộc dòng cảm xúc, giáo viên chỉ hát với đọc truyện cho nghe là các bé biết bơi. Cả buổi học rất nhẹ nhàng vui vẻ tràn đầy cảm xúc và các mẹ càng hát hay trò truyện tràn đầy tình cảm thì các bé các biết bơi nhanh.
“Còn các bé thuộc dòng phản ứng như bé Tin, miệng gào thét chân tay đập liên hồi, não bộ như vậy nên sinh ra những phản ứng phản kháng như vậy. Với các bạn dòng "Phản ứng" như thế này, nếu có bố mẹ ở bên mà thể hiện các hành động tình cảm là các bé càng phản ứng dữ dội.
Vì vậy giáo viên và phụ huynh của bé phải lờ đi những phản ứng của bé và không được phản ứng lại thì bé sẽ biết bơi.
Đặc điểm của các bậc phụ huynh của các dòng phản ứng ở đây đều rất diềm tĩnh và họ không hề phản ứng lại hay tiếp nhận những phản ứng của con vì họ biết con mình như nào và phải giáo dục như nào là tốt nhất cho con. Mẹ của bạn Tin cũng làm như vậy, vì thấu hiểu được tính cách của con”, anh Tùng chia sẻ.
Video giáo viên chỉ hát với đọc truyện cho nghe là các bé biết bơi.
Anh nói thêm, ở trên thế giới một đứa trẻ biết bơi sẽ mất khoảng từ 30 – 40 buổi học. Trẻ được bố mẹ tập làm quen với nước và các kỹ năng cơ bản ngay khi tròn 1 tháng tuổi tại nhà và tập ở trong các bồn tắm trước khi đến các trung tâm học bơi.
Còn ở Việt Nam, các bậc phụ huynh đưa con đến các trung tâm và bắt đầu tập những kỹ năng đầu tiên. Mọi người có thể hoàn toàn lựa chọn những giáo án ngắn hạn 10 buổi hay giáo án dài hạn 20 -30 buổi như ở trên thế giới.
Mẹ bé Tin đã lựa chọn giáo án ngắn hạn 10 buổi và lựa chọn phương pháp giáo dục phản ứng vì mẹ bé hiểu rất rõ tính cách của con mình. Sau 10 buổi, bé Tin biết bơi, mẹ bé thường xuyên cho bé luyện tập với mẹ ở các bể bơi lớn để cải thiện tâm lý tự tin, vui vẻ khi ở trong môi trường nước và tiếp tục rèn luyện kĩ năng bơi sinh tồn.
Giải thích việc trẻ vừa khóc vừa phải nhảy xuống nước có khiến nước sặc vào phổi không, anh Tùng cho biết, trẻ hoàn toàn không bị sặc nước vào phổi vì các bé được học cách ngậm miệng lại khi được đếm đến 3. Đây là 1 phản xạ tự nhiên dành cho bé, kể cả khi nước chảy vào khoang miệng. Bản năng sinh tồn tự nhiên của bé sẽ đóng nắp thanh quản lại và sẽ ngậm nước trong miệng rồi phun ra ngoài.
“Nước chỉ chảy vào phổi bé khi bé sắp chết đuối và chấp nhận hít nước vào phổi. Điều đó không bao giờ xảy ra bởi vì các bé được luyện tập thời gian nín thở trong nước. Ngưỡng nín thở tối đa trong nước khi bé thở bong bóng ra nên lúc này phụ huynh hay giáo viên sẽ bế bé lên”, anh Tùng cho hay.
Giải thích thêm về việc thả bé từ trên cao xuống mặt nước, bé tiếp xúc bằng mặt hay ngực có an toàn, anh Tùng lý giải, đây là giáo án mô phỏng lại các tình huống thực tế bé bị tai nạn, trong thực tế bé có thể bị ngã từ độ cao hơn rất nhiều, vì vậy giáo viên và phụ huynh cần phải chuẩn bị cho bé trước những tâm lý bé có thể gặp phải trong cuộc đời. Đây cũng là ý nghĩa cốt lõi của các kỹ năng sinh tồn.
Anh cũng khẳng định mọi người không phải lo lắng khi trẻ sơ sinh đi học bơi mà chưa biết nói bởi bản năng sinh tồn tự nhiên của trẻ sẽ tự đóng nắp thanh quản khi ở trong môi trường nước. Ngoài ra, trẻ sẽ được học cách ngậm môi lại khi ở trong môi trường nước. Trẻ sẽ được học kĩ năng khi nước ở trong khoang miệng thì lập tức thổi ra. Đồng thời, phụ huynh được trang bị kiến thức về y học và các biểu hiện lâm sang của chết đuối cạn thì không cần phải lo lắng gì cả.
“Ngoài quy trình an toàn thời gian tối đa bé có thể nín thở trong nước thì sau mỗi buổi học bé sẽ được ở lại trung tâm 30 phút để kiểm tra sức khỏe trước khi về như kiểm tra như sức khỏe đã hồi phục chưa; nhịp tim đã đập như mức bình thường; môi và da bé đã hồng hảo trở lại; sờ vào khoang ngực của bé để kiểm tra ngực của bé vẫn xẹp xuống và nở lên bình thường.
Bé thở bình thường, không gặp khó khăn trong việc thở và bắt đầu nghịch ngợm trở lại thì được giáo viên cho phụ huynh đưa bé về nhà.
Về nhà phụ huynh với những kiến thức y học được trang bị và kiến thức chết đuối cạn thứ cấp tiếp tục theo dõi cho bé, bé nghịch ngợm trở lại, ăn uống nhiều hơn thì là hoàn toàn bình thường, tuyệt đối an toàn”, anh cho hay.