Lấy chồng có điều kiện khá giả, từ khi mang bầu cho đến lúc sinh con tôi đều không quá nhọc nhằn vì có sự hỗ trợ của bảo mẫu. Chị ấy đã đồng hành cùng tôi nuôi dạy con trai đến nay đã được hơn 4 năm. Với ngần ấy thời gian, tôi nghĩ mối quan hệ giữa chúng tôi không còn là chủ tớ nữa mà tôi đã xem chị giống như một người thân trong nhà.
Chị ấy hơn tôi 5 tuổi nhưng lại vô cùng già dặn. Tôi không cần nói thì nhiều người cũng đoán được chị là một người có tính cách, và kỹ năng làm việc tốt. Chính vì thế tôi mới giữ chị bên cạnh lâu như thế, chứ nếu không thì ngay từ thời điểm đầu tôi đã không nhận.
Không riêng tôi, mà chị còn chiếm được cảm tình và sự tin tưởng cao từ chồng, những người thân trong gia đình và đặc biệt là con trai tôi. Thằng bé gắn bó với chị từ nhỏ nên có sự thân thiết cũng là điều dễ hiểu. Nhiều lúc tôi còn nói trêu rằng, "trông chị ra dáng mẹ cu Bin (tên con trai) hơn em nữa". Tôi nào có ngờ lời nói bông đùa của mình lúc đó hoá ra lại thành thật lúc nào không hay.
Ảnh minh hoạ
Mọi chuyện sẽ vẫn diễn ra bình thường, cho đến khi thời gian dạo gần đây, con trai được nghỉ hè và ở nhà nhiều hơn. Dĩ nhiên dù con nghỉ hè nhưng tôi và ông xã vẫn đi làm, còn chị bảo mẫu sẽ là người chăm sóc thằng bé mỗi ngày. Chính vì như thế mà qua camera giám sát được lắp đặt trong nhà, tôi thường xuyên trông thấy những hành động, cử chỉ bất thường mà bảo mẫu dành cho con trai mình.
Hai người dường như cực kỳ thân thiết, nếu là người ngoài nhìn vào thì không khéo họ lại tưởng chị ấy mới chính là mẹ của con tôi. Con trai tôi cũng rất bám bảo mẫu, nhưng tôi hoàn toàn hiểu tâm lý này. Bởi trẻ nhỏ mà, người nào thương nó thì nó cũng sẽ đáp trả lại tình cảm giống y như thế. Tuy nhiên có những chuyện vì con còn quá nhỏ nên con sẽ không hiểu, dù sao thì con trai tôi cũng chỉ mới 3 tuổi thôi.
Đỉnh điểm của câu chuyện, và sự thật kinh hoàng đằng sau về người bảo mẫu cuối cùng cũng được "vén màn" vào một ngày tôi bất ngờ tan làm về giữa trưa. Thời điểm này bảo mẫu đang cho con trai tôi ăn nên hoàn toàn không biết cô chủ về. Cũng nhờ vậy mà tôi tình cờ nghe lén được cuộc trò chuyện giữa chị ta với con trai.
Cụ thể đoạn hội thoại đó với nội dung như sau:
- Bin à, con có thích cô không, có thương cô nhiều không?
- Dạ có ạ, con thương cô L (giấu tên) lắm! Con thích được ở với cô L ạ!
- Vậy giữa mẹ và cô L thì Bin thương ai nhiều hơn?
- Cô L ạ, vì cô L lúc nào cũng ở bên chơi với con còn mẹ thì đi suốt nên con rất buồn, con giận mẹ!
- Thế nếu giờ cô L làm mẹ của Bin thì Bin thấy sao?
- Sao cô L lại làm mẹ của Bin ạ! Bin có mẹ rồi cơ mà, các bạn nói với Bin mỗi người chỉ được có một mẹ sinh ra thôi ạ! Nhưng con không muốn cô L trở thành mẹ đâu, như vậy thì cô L sẽ như mẹ con đấy, toàn làm con buồn thôi!
- Cô L rất thương Bin, cô L rất muốn Bin làm con của cô L. Sau này nếu không có bố mẹ ở nhà, chỉ có cô L và Bin thì Bin hãy gọi cô L là mẹ nhé, có được không?
- Dạ vâng ạ!
Ảnh minh hoạ
Nghe rõ mồn một từng câu từng chữ mà bảo mẫu nói với con trai, tôi vừa đau đớn, vừa tức giận đến run cả người. Tôi tự trách mình vì đã bỏ bê con, để giờ con phụ thuộc bảo mẫu. Càng tự trách vì bản thân đã tin tưởng nhầm người nên sự việc ngày hôm nay mới xảy ra.
Sau lần này, cộng với những hình ảnh tôi quan sát được qua camera giám sát, sự thật đã rõ như ban ngày nên dù có muốn tự nguỵ biện để trấn an bản thân thì cũng không thể. Tôi phải đuổi việc bảo mẫu ngay trước khi câu chuyện đi quá xa, và càng thêm khó giải quyết vì càng lâu thì mối quan hệ giữa chị ta và con trai chắc chắn sẽ càng được củng cố.
Mọi sự là do bản thân tôi mà ra, tôi không thể để nó gây tổn thương cho chính đứa trẻ của mình. Bởi tôi hiểu trong hoàn cảnh này, thằng bé hoàn toàn không làm gì sai cả. Tôi kể câu chuyện của mình ở đây để các bà mẹ khác có ai cũng đang có ý định thuê bảo mẫu, giúp việc hỗ trợ chăm con thì hãy nhìn tôi mà rút ra bài học cho chính mình. Đừng để quá muộn...
Tâm sự từ độc giả [email protected]
Dưới đây là những lưu ý dành cho các bậc bố mẹ khi lựa chọn bảo mẫu:
- Kinh nghiệm và trình độ chuyên môn: Bảo mẫu nên có kinh nghiệm làm việc và trình độ chuyên môn phù hợp. Họ đã từng chăm sóc trẻ em trong quá khứ và có kiến thức, kỹ năng cần thiết để đáp ứng các nhu cầu của trẻ một cách thành thạo nhất.
- Đánh giá sự phù hợp với gia đình: Bảo mẫu cần phù hợp với giá trị và phương pháp giáo dục của gia đình. Họ nên có định hướng giáo dục tương tự, và có thể hỗ trợ trong việc nuôi dưỡng và giáo dục trẻ.
- Kiểm tra lý lịch và tham khảo ý kiến: Yêu cầu bảo mẫu cung cấp thông tin về lý lịch và tham khảo ý kiến từ các gia đình đã từng sử dụng dịch vụ của họ. Điều này giúp bố mẹ có cái nhìn tổng quan về độ tin cậy, đạo đức và năng lực làm việc của bảo mẫu.
- Kỹ năng chăm sóc trẻ: Bảo mẫu nên có kỹ năng chăm sóc trẻ, là một người không chỉ có tâm mà còn có tầm nhìn. Có thể chăm sóc sức khỏe toàn diện và an toàn cho trẻ, thành thạo kỹ năng xử lý tình huống khẩn cấp và tạo môi trường học tập, cũng như vui chơi lành mạnh, phù hợp cho trẻ.
- Giao tiếp và tương tác: Bố mẹ nên dành thời gian để quan sát cách bảo mẫu tương tác với con trẻ, và kiểm tra khả năng giao tiếp của họ. Bảo mẫu nên có năng lực lắng nghe, hiểu cũng như đáp ứng các nhu cầu, mong muốn và tình cảm của trẻ một cách tốt nhất.