Theo khảo sát của Viện nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người IPD, trẻ Việt Nam dành hơn 3 giờ mỗi ngày để ngồi xem tivi, chơi điện tử.
Dịp lễ 30/4 - 1/5 này, cha mẹ và các con được nghỉ đến 4 ngày liên tiếp. Chắc chắn ba mẹ không muốn con mình chỉ ngồi lì trong nhà và làm bạn với TV, máy tính, điện thoại.
Nếu cha mẹ vẫn chưa có dự định gì cùng gia đình, hãy để con “thoát khỏi” những thiết bị điện tử với 7 thí nghiệm khoa học vô cùng đơn giản nhưng lại cực thú vị dưới đây. Chắc chắn, các bé sẽ thích mê!
Tạo đám mây từ kem cạo râu
Chuẩn bị:
- Kem cạo râu màu trắng
- Màu thực phẩm.
- Nước.
- Một chiếc thìa.
Cha mẹ cần chuẩn bị một số vật liệu đơn giản như màu thực phẩm, nước, kem cạo râu,…
Tiến hành:
Bước 1: Đổ nước đầy khoảng 2/3 ly vào một cốc thủy tinh trong.
Bước 2: Cho một lượng kem cạo râu lên trên.
Bước 3: Sử dụng ống nhỏ mắt (hoặc ống tiêm, hoặc thìa đong 1/4 muỗng cà phê) để nhỏ các màu nước khác nhau lên đám mây kem cạo râu. Khi xịt nước càng gần mép thì kem cạo râu càng nhanh và chảy xuống như mưa.
Với thí nghiệm này, cha mẹ có thể giải thích với trẻ rằng nước giống như không khí, và kem cạo râu giống như mây. Và khi mây bão hòa với nước, chúng tạo ra mưa.
Với các bé nhỏ hơn, dù chưa hiểu nguyên lý của thí nghiệm này nhưng chỉ cần nhìn những dải cầu vồng đầy màu sắc đã đủ làm các bé thích thú.
Những quả nho “nhảy múa”
Chuẩn bị:
- Một ly thủy tinh trong
- Vài quả nho khô
- Baking soda + giấm hoặc nước soda (nước ngọt có ga)
Thí nghiệm này sẽ dạy các bé về khí Cacbonic trong soda.
Thực hiện
Bước 1: Đổ 1 ít nước vào một cốc thủy tinh trong rồi cho vài quả nho khô vào.
Bước 2: Hòa tan baking soda vào nước rồi cho giấm vào và chờ đợi màn “nhảy múa” của những quả nho.
Trong trường hợp sử dụng nước có ga, cha mẹ chỉ cần đổ nước soda ra ly rồi cho nho khô vào, đợi vài giây, những quả nho khô cũng sẽ bắt đầu “nhảy múa”.
Thí nghiệm này sẽ dạy các bé về khí Cacbonic trong soda. Lúc đầu, khi thả nho khô vào soda, chúng sẽ chìm xuống đáy ly vì chúng đặc hơn soda. Nhưng soda có ga giải phóng các bong bóng khí cacbonic và những bong bóng này bám vào bề mặt thô ráp của nho khô. Chúng hoạt động giống như những chiếc phao nhỏ giúp nâng quả nho khô lên mặt nước. Điều này là do sự gia tăng sức nổi.
Túi Nước Chu Kỳ
Chuẩn bị:
- Một chiếc túi zip
- Nước
- Màu thực phẩm (tạo màu cho nước thêm xanh)
- Băng keo
Cha mẹ chỉ cần chuẩn bị một chiếc túi zip, nước, màu,…
Tiến hành:
Bước 1: Cho nước vào túi zip, để thêm phần bắt mắt, cha mẹ có thể nhỏ thêm vài giọt màu thực phẩm cho nước thêm xanh.
Bước 2: Dán túi nước lên cửa sổ và chờ đợi quá trình tuần hoàn nước xảy ra. Nước sẽ bay hơi và ngưng tụ thành những hạt nước li ti ở phía trên, rồi lại chảy xuống như những hạt mưa. Đó là vòng tuần hoàn của nước. T
Thí nghiệm này có thể mất một vài ngày mới có thể thành công, nhưng điều đó chỉ làm cho quá trình khoa học chậm rãi này trở nên thú vị hơn với các bé.
Với hầu hết người lớn, quá trình này quá đơn giản và quen thuộc. Tuy nhiên, với trẻ nhỏ, thí nghiệm này sẽ giúp các con dễ dàng hình dung vòng tuần hoàn của nước hơn. Trẻ sẽ có thể hiểu được mây hình thành từ đâu, tại sao lại có mưa,...?
Đại Dương Trong Chai
Chuẩn bị:
- Nước
- Dầu ăn
- Màu thực phẩm (xanh)
- Chai nhựa
- Vỏ sò, ốc, kim tuyến,.... để trang trí thêm
Tiến hành:
Bước 1: Đổ nước vào khoảng 1/3 chai của bạn.
Bước 2: Thêm vài giọt màu thực phẩm vào nước rồi lắc đều để hòa tan màu.
Bước 3: Tiếp tục đổ dầu vào.
Bước 4: Cha mẹ có thể cùng con làm cho đại dương trong chai thêm sống động với và chiếc vỏ sỏ, vỏ ốc, vài chú cá nhỏ hay một ít kim tuyến lấp lánh,...
Bước 5: Đóng nắp chai và bắt đầu khám phá “đại dương” thôi!.
Chỉ với vài nguyên liệu đơn giản, cha mẹ đã có thể tạo ra cả một “đại dương” cho con. Trẻ sẽ vô cùng thích thú với món đồ chơi mới này. Với thí nghiệm này, cha mẹ cũng có thể dạy cho các bé lớn rằng dầu không tan trong nước.
Tổ chim
Chuẩn bị:
- Hộp giấy
- Dụng cụ đào đất
- Một ít lá khô, cành cây khô
Tiến hành:
Bước 1: Đào một ít đất rồi trộn đều với nước thành hỗn hợp bùn.
Bước 2: Tiếp tục cho phần lá cây, cành khô đã thu nhặt được vào phần bùn.
Bước 3: Cho hỗn hợp đã tạo vào một chiếc hộp và tạo thành hình tổ chim.
Bước 4: Để qua đêm cho đến khi phần tổ chim đã cứng lại.
Thông qua thí nghiệm này, cha mẹ có thể giúp các con hiểu rõ hơn về thế giới xung quanh cũng như khơi dậy cho con tình yêu và ý thức bảo vệ môi trường tự nhiên.
Hoạt động này sẽ cho phép trẻ có cơ hội vui chơi thỏa thích với việc đào đất, thu nhặt lá, cành cây khô.
Bong Bóng Khổng Lồ
Chuẩn bị:
- Nước
- Nước rửa chén/ xà phòng
- Bột bắp (ngô)
- Bột nở
- Glycerin
- Móc quần áo
Cha mẹ nên hòa tan bột bắp với nước trước để bột hoàn tan dễ hơn.
Tiến hành:
Bước 1: Hòa trộn dung dịch theo thành phần sau:
6 cốc nước (chưng cất là tốt nhất nhưng nước máy cũng được).
1/2 chén chất tẩy rửa bát đĩa.
1/2 chén tinh bột ngô.
1 muỗng canh bột nở.
1 muỗng canh Glycerine.
Lưu ý: Cha mẹ nên hòa tan bột bắp với nước trước để bột hoàn tan dễ hơn.
Bước 2: Để hỗn hợp hòa tan và lắng xuống trong ít nhất một giờ trước khi sử dụng, thỉnh thoảng, cha mẹ nên khuấy nhẹ hỗn hợp lên.
Bước 3: Dùng móc quần áo tạo thành một hình chữ nhật để làm khung thổi bóng.
Bước 4: Bắt đầu tạo thành những bong bóng khổng lồ thôi!
Nếu cha mẹ đang tìm kiếm một trò gì đó thú vị để chơi cùng các con ở sân nhà. Thí nghiệm này sẽ là một trong những hoạt động tuyệt vời khiến trẻ vô cùng thích thú!
Đĩa Cầu Vồng
Chuẩn bị:
- Đĩa nhựa
- Nước ấm
- Kẹo trái cây nhiều màu
Tiến hành:
Bước 1: Xếp những viên kẹo thành một vòng tròn xung quanh mép đĩa. Để làm tăng độ thú vị cho cuộc thí nghiệm. cha mẹ có thể cho con xếp kẹo thành các hình dạng khác nhau.
Bước 2: Nhẹ nhàng đổ nước vào giữa đĩa, cho đến khi nước chạm đến mép dĩa.
Bước 3: Chờ đợi màu kẹo tan ra và tạo thành những vệt cầu vồng đầy màu sắc.
Thí nghiệm đĩa cầu vồng là một trong những thí nghiệm đơn giản nhất cho cha mẹ và các bé có thể tiến hành ngay tại nhà.
Thí nghiệm này không những dạy các bé về phản ứng hóa học của các chất với nước mà còn có thể là một trò chơi vô cùng lý thú cho các con trong một ngày nghỉ.