Đẻ mổ, đẻ thường, đẻ nào đau hơn? Là câu hỏi của rất nhiều người. Tuy nhiên ai đã trải qua cả cơn đau sinh thường và đau sinh mổ mới biết được sinh bằng cách nào cũng đau, mỗi phương pháp lại có một cách đau riêng biệt bởi “cửa sinh, cửa tử”.
Nếu như phương pháp sinh thường, người mẹ phải chịu cơn đau “chết đi sống lại” khi chuyển dạ thì phương pháp sinh mổ, mẹ lại chịu cơn đau vết mổ không thua kém gì, đặc biệt cảm giác nằm trong phòng hồi sức sau sinh, không có người thân, không có con bên cạnh, một mình chịu đựng cơn đau khiến cho các sản phụ sinh mổ nào cũng phải ám ảnh. Đối với họ chưa bao giờ thời gian lại trôi chậm như vậy.
Bức ảnh được cho là căn phòng hồi sức sau sinh mổ khiến chị em ám ảnh.
Mới đây, trong một hội nhóm chia sẻ hình ảnh về căn phòng hồi sức sau sinh dành cho các sản phụ sinh mổ của tài khoản N.V.H. thu hút sự quan tâm chú ý của đông đảo mọi người.
Kèm theo đó, là dòng chia sẻ khiến về “Căn phòng khiến chị em toát mồ hôi hột khi nhắc đến” khiến ai cũng cảm phục sự hy sinh của những người phụ nữ, người mẹ để có thể chào đón được thiên thần nhí đáng yêu, mang lại niềm hạnh phúc cho mỗi gia đình: “Đây là hình ảnh của phòng hồi sức sau sinh dành cho các sản phụ sinh mổ, mỗi người một cảm giác khi trở ra từ căn phòng này, người bảo bình thường, người bảo hơi lạnh nhưng đa phần chị em feedback là rét run cầm cập, 2 hàm răng đập vào nhau kêu cành cạch, đã thế người còn ngứa ngáy mún điêng lun.
Để đẻ ra một em bé vợ đã vất vả thật đấy, yêu chiều vợ thật nhiều vào anh em nhé!”
Được biết, phương pháp sinh mổ bệnh nhân sẽ được ưu tiên gây tê tủy sống để phẫu thuật (bệnh nhân vẫn tỉnh nhưng không có cảm giác đau). Tuy nhiên trong một số trường hợp cần thiết vì bệnh lý, có thể cần gây mê toàn thân. Thời gian mổ lấy thai trung bình là 45-60 phút. Một số trường hợp có bệnh lý phức tạp đi kèm, cuộc phẫu thuật có thể kéo dài hơn.
Sau khi mổ xong, bệnh nhân sẽ được nằm theo dõi tại phòng hồi sức trong 4-6 giờ. Với một số trường hợp bệnh lý phức tạp, thời gian nằm theo dõi có thể kéo dài hơn. Trong thời gian này bệnh nhân được sử dụng thuốc và dịch truyền để chống nhiễm trùng, giảm đau, bù dịch và cung cấp năng lượng cho cơ thể. Khi bệnh nhân ổn thì mẹ và bé sẽ chuyển lên phòng nằm ở khu hậu phẫu.
Tuy nhiên, trong khoảng thời gian nằm phòng hồi sức sau phẫu thuật, nhiều mẹ cảm thấy choáng váng, buồn nôn và cơn buồn nôn có thể kéo dài 48 tiếng hoặc nhiều mẹ cảm thấy ngứa toàn thân hoặc lạnh run người vì những phản ứng phụ của thuốc gây tê màng cứng hoặc tủy sống.
Nhiều người bị phản ứng phụ của thuốc tê sau sinh mổ nên lạnh, ngứa hoặc buồn nôn.
Mặc dù chưa thể xác thực bức ảnh được đăng tải có đúng là phòng hậu phẫu dành cho các mẹ sau sinh mổ hay không nhưng hội chị em cũng xôn xao bàn tán và nhiều người đã từng sinh mổ cũng chia sẻ cảm xúc của mình khi nằm trong căn phòng “toát mồ hôi hột” này.
“Cảm giác nằm trong phòng 20 sản phụ, 18 người đẻ con trai, 2 người đẻ gái, 1 trong 2 người đó là mình. 4 tiếng khó quên trong cuộc đời vừa ngứa nhưng lại không có sức gãi, rét run đắp 2 chăn xong lại còn nóng lòng muốn gặp mặt con”, chị Mai Anh chia sẻ.
“Mình sinh mổ lần một thì ra khỏi phòng mổ không run nhưng nôn thốc nôn tháo, không ngồi lên được, nên bẩn hết cả mặt cả cổ. Mặt tái mét, chồng ngồi bên khóc huhu. Mổ lần 2 nó đau gấp mấy lần lần 1, không nôn nữa mà chuyển qua run như sốt rét rừng, run mà chân tay va đập rung ầm ầm như bị động kinh kèm cơn ngứa điên cuồng khắp người mà không biết gãi ở đâu mới được.
Cơn đau sau hết tê thì chục năm sau vẫn không quên được. Kèm combo tắc tia sữa- sốt nữa nên thôi rồi luôn. Cái phòng hồi sức sau sinh đúng là ám ảnh. Giờ có cho mình trăm tỉ cũng không bao giờ đẻ nữa đâu”, chị Nhữ Thảo kể lại.
“Căn phòng lạnh lẽo, im lặng đến đáng sợ, nghe mỗi tiếng thi thoảng bác sĩ gọi nhau, tiếng máy kêu tít tít ớn lạnh, nói chung là sợ”, chị Huyền Trân bày tỏ.
“Tác dụng phụ của thuốc gây tê tủy sống rét như âm mấy chục độ, người thì ngứa như nổi mề đay nằm 6 tiếng mà cứ như 6 năm trôi qua”, chị Mai Hương thổ lộ.
Chia sẻ của mọi người về trải nghiệm của mình trong căn phòng này.
Chị Trâm Nguyễn cũng nhớ lại về kỷ niệm ám ảnh ở căn phòng này: “Nằm nhìn chằm chằm vào cái đồng hồ trên tường mong sao nó chạy nhanh để hết giờ hậu phẫu, để còn nhanh ra gặp con, thi thoảng 1 vài người giường bên cứ run cầm cập như co giật, rồi nôn oẹ. Có 1 chị mổ sinh đôi trước mình 1 lượt, thấy cứ lịm đi, y tá gọi không thấy thưa, mở chăn ra bạn ấy máu chảy đầy băng ca, đã như không còn tỉnh táo. nháo nhào bác sĩ chạy vào, bảo băng huyết. Một bác sĩ thọc thẳng tay vào trong ngoáy ngoáy xem có sót rau, hay tìm chỗ chảy máu. Hình như 1 lúc sau được truyền máu bạn ấy cũng khá hơn. Còn mình, gây tê tuỷ sống, chân chả cảm giác gì, hết giờ được đẩy ra, gặp chồng cứ thế nức nở, sợ hãi thật sự. Căn phòng cô độc, lạnh lẽo….”
Giống như chị Trâm Nguyễn, chị T. Thảo cũng có những kỷ niệm vô cùng ám ảnh: “Bây giờ nghĩ đến lúc đó mà tôi thấy sợ toát mồ hôi. Cái cảm giác lạnh mà đắp chắn rồi vẫn run cầm cập, 2 hàm răng va vào nhau cách cách, lạnh quá không thể ôm nổi con bên cạnh, chao ôi đời tôi chưa thấy bao giờ cảm thấy lạnh như thế. Thế mà mổ 2 lần cách nhau năm rưỡi. Ám ảnh”.
Dù đẻ thường nhưng trải nghiệm sau sinh của chị Trang Dương cũng không kém đẻ mổ: “Đẻ thường cũng lạnh run mà từ phòng sinh y tá đẩy ra, trong lúc đợi người nhà đón mà chân tay, toàn thân cứ run bần bật một cách vô thức do mất máu khi sinh. Run rẩy đến mức gọi y tá còn ko thành tiếng, phải trùm thêm 2 cái chăn dày hự lên người mới cảm thấy đỡ run bao nhiêu…Trần đời chắc không bao giờ quên được cảm giác ấm áp lúc đó”.
Bên cạnh những chia sẻ của các mẹ bỉm sữa về trải nghiệm sinh mổ đã qua của mình, nhiều các ông bố cũng thấu hiểu những khó khăn mà vợ đã trải qua để có thể chào đón được con yêu. “Thế nên là yêu thương vợ nhiều hơn các ông nhé”, anh Minh Nguyễn nhắn gửi.
Thế nhưng sau tất cả những cảm giác đó, khi nhìn con, chăm con người mẹ nào cũng quên hết cảm giác sợ hãi hay đau đớn trong căn phòng hãi hùng này bởi mỗi ngày bên con là một ngày hạnh phúc. Và khi được hỏi có hối hận không? chắc chắn bà mẹ nào cũng sẽ trả lời “Mẹ không hề hối hận” và mọi hy sinh ấy đều là xứng đáng.