Từ xưa đến nay, nhiều người vẫn truyền tai nhau câu nói: “Mấy đời bánh đúc có xương/Mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng”, để diễn giải cho mối quan hệ giữa mẹ kế và con riêng của chồng. Tuy nhiên trong thực tế, điều này không mang tính tuyệt đối, bởi có nhiều hoàn cảnh dù không cùng chung một dòng máu, nhưng mối quan hệ giữa mẹ kế và con riêng vẫn rất tốt. Đơn cử như câu chuyện mới đây xảy ra ở một bệnh viện Trung Quốc, được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội khiến ai xem cũng xúc động đến mức bật khóc.
Theo Đài truyền hình An Huy, vào ngày 15/7 vừa qua tại Thượng Hải, một cậu bé có biệt danh là Hanhan được phẫu thuật xương hông. Trước khi lên bàn mổ, khác với tâm lý của đa số trẻ nhỏ sẽ vô cùng lo sợ và hồi hộp vì bản thân đang đứng trước ranh giới giữa sự sống và cái chết, chỉ biết cầu nguyện cho mình có thể vượt qua được bệnh tật, Hanhan lại phản ứng hoàn toàn trái ngược.
Cậu bé chỉ nghĩ cho người mẹ kế của mình, nói trong nước mắt giàn giụa: “Nếu con không qua khỏi được lần phẫu thuật này và mất trên bàn mổ thì mẹ cũng đừng buồn. Nhất định phải có thêm một đứa con để bảo vệ cuộc sống của mẹ thật tốt”. Những lời này khiến mẹ kế bật khóc, bà không ngờ trong hoàn cảnh như vậy mà cậu con trai riêng vẫn quan tâm đến mình.
Mẹ kế sau đó đã liên tục động viên con trai, may mắn là trải qua khoảng thời gian kéo dài 6 tiếng đồng hồ, ca phẫu thuật của Hanhan đã thành công và cậu bé đang hồi phục tốt. Câu chuyện giữa Hanhan và mẹ kế khiến cả bác sĩ, y tá chứng kiến và thực hiện ca phẫu thuật, hay cộng đồng mạng xem qua đoạn video được bệnh viện quay lại cũng không khỏi xúc động trước sự hiểu chuyện đến mức đau lòng của Hanhan.
Chỉ với tình huống này, ai cũng có thể cảm nhận được tình cảm sâu sắc mà cậu bé dành cho người mẹ kế của mình. Chắc chắn suốt mấy năm nay khi bố Hanhan bước vào cuộc hôn nhân với người vợ mới, mối quan hệ giữa con riêng và mẹ kế cực kỳ thân thiết, gắn bó. Chính vì yêu và được yêu nên Hanhan ngay cả lúc tính mạng đang “ngàn cân treo sợi tóc” vẫn hết lòng nghĩ cho mẹ kế của mình.
Trên thực tế, mối quan hệ giữa mẹ kế và con chồng vẫn luôn là chủ đề được nhiều người quan tâm, bàn tán từ lâu. Có những mối quan hệ được xây dựng tích cực, nhưng cũng có những mối quan hệ tiêu cực. Vậy những gia đình trong hoàn cảnh này, có những cách nào để giúp gia tăng mối quan hệ gắn kết giữa mẹ kế và con riêng?
Tạo cơ hội cho mẹ con gần gũi và hiểu nhau hơn
Việc tổ chức những bữa ăn gia đình thường xuyên là một cách hiệu quả để mẹ kế và con riêng có thể gần gũi và hiểu nhau hơn. Trong bầu không khí ấm cúng, thân mật của gia đình, họ sẽ có cơ hội trò chuyện, chia sẻ về cuộc sống hằng ngày, về sở thích, mối quan tâm của mỗi người. Từ đó, họ có thể tìm hiểu nhau sâu sắc hơn, phát triển sự cảm thông và xây dựng mối quan hệ gắn bó.
Ngoài ra, tham gia vào những hoạt động vui chơi, du lịch cùng nhau cũng là một cách để họ có thể gắn kết, tạo ra những kỷ niệm đẹp, từ đó cải thiện mối quan hệ. Khi được dành thời gian riêng tư, như đi chơi, đi mua sắm hoặc làm những hoạt động mà cả hai cùng thích, mẹ kế và con riêng có thể tìm hiểu, chia sẻ với nhau nhiều hơn, từ đó xây dựng được sự gần gũi, hiểu biết lẫn nhau.
Xây dựng sự tin tưởng và tôn trọng
Việc mẹ kế tôn trọng và lắng nghe ý kiến, mong muốn của con riêng rất quan trọng để xây dựng sự tin tưởng và tôn trọng giữa hai người. Con riêng cần cảm thấy rằng mẹ kế quan tâm đến trẻ, đánh giá cao ý kiến của trẻ, và sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ với con. Điều này sẽ giúp con riêng cởi mở hơn, dần dần tin tưởng vào mẹ kế.
Ngược lại, việc khuyến khích con riêng chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ với mẹ kế cũng rất cần thiết. Như vậy, mẹ kế sẽ hiểu và thông cảm hơn với con riêng, từ đó xây dựng được sự tôn trọng lẫn nhau. Tránh việc phê bình, trách móc, thay vào đó là lời động viên, khích lệ cũng sẽ giúp con riêng cảm thấy được mẹ kế đối xử công bằng, không kỳ thị hay so sánh với bất kỳ ai.
Thiết lập vai trò và ranh giới rõ ràng
Việc xác định rõ mối quan hệ giữa mẹ kế và con riêng, tránh nhập nhằng, là một yếu tố quan trọng để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp. Mẹ kế cần tôn trọng mối quan hệ giữa con riêng và cha/mẹ ruột, không cố gắng can thiệp hoặc thay thế vai trò của cha/mẹ ruột.
Mẹ kế cũng cần đối xử công bằng, không phân biệt đối xử giữa con riêng và con chung. Việc thiết lập rõ ràng những ranh giới và vai trò này sẽ giúp con riêng cảm thấy được an toàn, tôn trọng, từ đó sẽ dễ dàng mở lòng và xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với mẹ kế.
Kiên nhẫn và thông cảm
Việc xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa mẹ kế và con riêng là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự kiên nhẫn, thông cảm từ cả hai phía. Mẹ kế cần hiểu rằng việc thiết lập mối quan hệ này không thể diễn ra một cách nhanh chóng, mà cần thời gian và nỗ lực của cả hai. Mẹ kế cần nhẫn nại vượt qua những thách thức, xung đột có thể xảy ra trong quá trình này.
Thay vì phản ứng gay gắt, mẹ kế nên cố gắng giải quyết mọi vấn đề một cách bình tĩnh và tích cực, luôn lắng nghe, thông cảm với con riêng. Như vậy, con riêng sẽ dần cảm thấy được tôn trọng, được đối xử công bằng, từ đó càng tin tưởng và gắn kết với mẹ kế hơn.