Nhiều bố mẹ bận rộn công việc nên cứ đến dịp nghỉ hè là sẽ nghĩ ngay đến ông bà, tôi cũng nằm trong số đông đó. Bố mẹ ruột của tôi đều là giáo viên đã nghỉ hưu nên ông bà khá rảnh rỗi, có cháu về chơi ông bà không thấy cực mà còn rất trông mong. Chính vì như thế mà tôi cảm thấy vô cùng yên tâm khi có ông bà ngoại hỗ trợ chăm cháu suốt 1 tháng nghỉ hè vừa qua.
Cuối tuần này tranh thủ thời gian trống sau chuyến đi công tác ngoại tỉnh, tôi đã ra bến xe mua vé về thăm con gái. Đến nơi, tôi hào hứng muốn gặp đứa trẻ, thế nhưng lúc vừa đến cổng nhà, tôi giật mình khi thấy bóng dáng cô công chúa bé nhỏ của mình đang hì hục phơi thóc trước sân nhà. Nhiệt độ ở quê nắng nóng, con bé mồ hôi nhễ nhại, nhìn rất khổ sở nên ngay khi trông thấy cảnh tượng này, tôi thậm chí phải dụi mắt mấy lần mới nhận ra tiểu thư "cành vàng lá ngọc" của mình ngày nào.
Ảnh minh hoạ
Tôi hốt hoảng chạy đến ôm chầm lấy con rồi hôn hít cho thoả cơn nhớ nhung. Vào đến nhà tôi không kịp nghĩ gì mà đã ngay lập tức hỏi đứa trẻ sao con lại làm công việc nặng nhọc này. Cứ tưởng là bị ông bà bắt làm, con chắc chắn sẽ tỏ ra ấm ức, tủi thân lắm, nhưng không ngờ đứa trẻ đáp là do con muốn làm để phụ giúp ông bà.
Trước câu trả lời này, tôi thực sự rất ngạc nhiên, bởi bình thường khi ở nhà với bố mẹ, con thường hay nhõng nhẽo, yểu điệu thục nữ lắm vì biết được bố mẹ cưng, là tiểu công chúa trong nhà nên có bao giờ con đụng tay đụng chân vào những công việc nặng nhọc như thế. Tôi cũng nghĩ con mới tiểu học nên chỉ chủ động nhờ con các vấn đề đơn giản, nhẹ nhàng.
Ở lại chơi với con 2 ngày cuối tuần, tôi cực kỳ xót ruột khi thấy ông bà "hành hạ" cháu, sai khiến con gái tôi làm hết việc này đến việc khác, từ nấu ăn, giặt giũ, ra đồng bắt cá, phơi lúa, cuốc đất trồng rau không thiếu thứ gì. Mới về ở với ông bà có 1 tháng mà nay tone da của con gái tôi đã từ trắng hồng chuyển sang màu nâu sẫm.
Thấy con gái khổ cực, tôi nghĩ chắc bố mẹ là giáo viên nên có phần nghiêm khắc với cháu gái quá. Thế là đã nói với bố mẹ chuyện này, nhưng sau đó lại bị quát một trận tơi bời. Họ nói tôi gửi con về đây nhờ chăm sóc thì phải theo cách nuôi dạy của họ. Bố mẹ bảo tôi giáo dục con gái càng không nên cưng chiều, phải để con biết cực khổ một chút thì đứa trẻ mới cứng cáp và tương lai mới làm nên chuyện.
Dĩ nhiên tâm lý chung của bố mẹ đều muốn con sướng, nhưng ông bà ngoại của con gái tôi lại khác hoàn toàn so với số đông ông bà khác. Họ không yêu thương vô điều kiện, để cháu muốn gì được nấy mà muốn gì thì phải đổi bằng thực lực. Được biết ban đầu con gái tôi có phản ứng, không chịu làm những chuyện như thế nhưng cuối cùng vẫn ngoan ngoãn nghe lời ông bà.
Ảnh minh hoạ
Nghỉ hè về quê ở với ông bà 1 tháng, con gái tôi như thay đổi thành người hoàn toàn khác so với lúc ở nhà với bố mẹ. Con biết tự lập hơn, cũng mạnh mẽ hơn. Mặc dù thú thực là thấy con hì hục làm hết việc này đến việc kia, tôi khá xót nhưng nghĩ đi nghĩ lại thì cách ông bà rèn cháu cũng có cái lợi của nó.
Không biết có bố mẹ nào gửi con về quê nghỉ hè với ông bà mà như thế này không, bố mẹ cảm thấy thế nào? Mọi người đồng tình với phương pháp nuôi dạy của ông bà, tiếp tục để cháu ở lại hay sẽ đưa con về nhà ngay vì không muốn con chịu khổ?
Tâm sự từ độc giả [email protected]
Theo thực tế như vậy cũng phải nhìn nhận lại, việc người già chăm sóc trẻ nhỏ cũng mang lại nhiều lợi ích:
Đứa trẻ thường khỏe mạnh hơn
Đối với người già, điều quan trọng nhất khi nuôi trẻ nhỏ là phải cho bé ăn no, mặc ấm. Vì vậy, nếu người già được phép chăm sóc con cái thì việc ăn uống là quan trọng nhất.
Ngoài việc bắt đứa trẻ ăn nhiều để khỏe mạnh hơn, người già khi mặc quần áo cho cháu cũng không để ý đến việc có đẹp hay không, miễn là trẻ mặc thoải mái và không bị lạnh là được.
Ăn no và mặc ấm là 2 yếu tố trẻ sẽ có được khi ở với ông bà, do đó thông thường sẽ khỏe mạnh hơn.
Tình cảm hơn
Ông bà thường có xu hướng yêu chiều và khen ngợi trẻ nhiều hơn do đó hình thành mối liên kết yêu thương với trẻ nhỏ nhiều hơn. Ngược lại bố mẹ cũng hay khen ngợi nhưng có thể phạt bé nếu bé làm sai, do đó trẻ bớt tình cảm với bố mẹ hơn.
Kiên nhẫn hơn
Nhịp sống của người già tương đối chậm chạp, tuy nhiên đó lại là điều kiện lý tưởng hình thành tính cách kiên nhẫn ở trẻ. Ngoài ra, sự kiên nhẫn của người lớn cũng sẽ mang lại cho trẻ cảm giác an toàn, khiến trẻ cảm thấy trên thế giới này có những người thực sự hiểu và quan tâm đến mình.
Song song với đó, việc trẻ sống bên cạnh ông bà, người lớn tuổi cũng có một số điểm bất cập:
Có khoảng cách lớn với những kỹ thuật hiện đại
Đó chính là nhược điểm lớn nhất của người già, họ thường không bắt kịp xu hướng hiện đại. Chính vì họ không biết nên cũng không thể dạy cho trẻ những điều này ở xã hội đang phát triển.
Trẻ thiếu cơ hội phát triển toàn diện
Cha mẹ có thể hiểu rõ được trẻ em hiện nay cần học những gì. Ví dụ bố mẹ có thể cho các con đi học thêm các môn năng khiếu như ca hát, nhảy múa, chơi piano và vẽ tranh. Tuy nhiên, nếu người lớn tuổi chăm sóc con cháu, họ có thể cho rằng các cháu chỉ cần học giỏi là được, điều này có thể dẫn đến việc trẻ không có cơ hội phát triển toàn diện.
Nhìn chung, việc chăm sóc và nuôi dạy trẻ nhỏ phần chính vẫn là trách nhiệm của cha mẹ, chỉ nên nhờ người già, ông bà chăm sóc khi thực sự cần thiết.