Tết là dịp để bọn trẻ vui chơi, thư giãn sau những khoảng thời gian học tập chăm chỉ ở trường. Ấy thế mà trong 3 ngày Tết, các con của tôi phải liên tục nghe những câu hỏi, lời khoe khoang về thành tích học tập khiến cho bọn trẻ rất áp lực. Người làm mẹ như tôi cũng cảm thấy vô cùng mệt mỏi với những sự so sánh của họ hàng, người thân, bạn bè.
Mỗi năm Tết đến, gia đình 4 thành viên, gồm vợ chồng tôi và cậu con trai 15 tuổi, con gái 11 tuổi đều sẽ về quê ở lại chơi Tết với ông bà nội ngoại. Không khí Tết ở quê vui hơn, ấm cúng hơn trên thành phố nên năm nào cũng thế, gia đình tôi ở lại đến hết mùng 6 mới trở về nhà cho tụi nhỏ đi học.
Nhưng năm nay có vẻ không thể ở lại lâu thêm nữa, hết tối mùng 3 là tôi sẽ ngay lập tức đưa hai đứa trẻ đón xe về. Lý do là bởi vì trong suốt 3 ngày Tết, các con của tôi liên tục bị nhiều người gây áp lực vì thành tích học tập. Hết người này hỏi "Ở trường con học sinh gì, xếp thành tích thứ mấy của lớp", đến người kia khoe "Thằng bé nhà tôi năm nay đạt được 2 giải nhất của cuộc thi học sinh giỏi thành phố".
Ảnh minh hoạ.
Thậm chí còn quá đáng hơn khi một số người đã sử dụng những lời lẽ "kém duyên" để so sánh con nhà này với con nhà kia, dùng những câu kích thích thay vì động viên hay khích lệ bởi họ cho rằng như thế sẽ khiến cho trẻ có tinh thần học tập.
Cứ vậy trong suốt 3 ngày Tết, cậu con trai và cô con gái của tôi sợ đến nỗi khách đến nhà cũng ngồi trong phòng chơi chứ rất ngại ra ngoài. Các con cũng không hứng thú gì mấy khi bố mẹ rủ đi chúc Tết nhà này nhà kia.
Không phải vì chúng học không tốt, mà sự thật thì các con của tôi từ trước đến nay vốn rất ngoan ngoãn, thành tích học tập luôn giữ vững phong độ học sinh giỏi trong nhiều năm qua. Chỉ là ở giai đoạn dậy thì, các con rất nhạy cảm, dễ mang nỗi sợ mang tên "áp lực đồng trang lứa". Vì thế cho nên việc người khác liên tục đề cập đến thành tích học tập sẽ khiến tụi nhỏ mất vui, mệt mỏi và áp lực.
Ảnh minh hoạ.
Dẫu vậy thì một số bậc phụ huynh lại không có sự tinh tế trong vấn đề này, nhiều khi họ còn trông cho đến Tết để được khoe khoang về các con của họ nữa, vì trong năm chỉ có duy nhất Tết Nguyên Đán là dịp gia đình, họ hàng và bạn bè hội tụ, sum vầy đông đủ.
Mà tôi nghĩ chắc hẳn đây là tình huống mà nhiều ông bố bà mẹ khác gặp phải, chứ cũng không riêng gì gia đình tôi. Tôi không biết mọi người nghĩ thế nào, nhưng riêng với bản thân tôi, dịp Tết đến tôi luôn tạo niềm vui, sự thoải mái nhất cho đám trẻ, chứ chưa bao giờ có hành vi khoe khoang hay đề cập chuyện học hành để khiến tụi nhỏ phải áp lực. Tết đến chỉ mong niềm vui, nhưng cứ thế này thì đứa trẻ nào còn dám mong chờ Tết nữa...
Tâm sự từ độc giả [email protected]
Tâm lý khoe con là tâm lý mà đa số các bậc phụ huynh đều có. Thế nhưng có người khoe con khéo, có người lại kém duyên gây ảnh hưởng đến người khác. Mặc dù đồng ý rằng, chuyện thích khoe con cái là quyền của mỗi gia đình, thế nhưng người lớn cần biết rằng, khoe con sẽ có những mặt tích cực và tiêu cực, cụ thể:
Tác động tích cực
- Động viên và khích lệ: Việc bố mẹ có sự công nhận và tự hào về thành tích của trẻ, có thể tạo động lực và sự tự tin cho con ngày càng nỗ lực hơn trong học tập và theo đuổi đam mê.
- Giá trị bản thân: Khi bố mẹ cho trẻ thấy được rằng, bố mẹ rất tự hào về con và chia sẻ niềm vui, hạnh phúc khi con đạt thành tích cao cho mọi người xung quanh, trẻ sẽ hình thành nhận thức đúng về bản thân, tự tin hơn vào năng lực của chính mình. Trẻ sẽ biết mình vẫn luôn được bố mẹ quan tâm, theo dõi và công nhận.
Tác động tiêu cực
- Áp lực quá mức: Trong những tình huống bố mẹ khoe con không khéo léo, có thể vô tình khiến cho chính bản thân con và những đứa trẻ xung quanh gặp áp lực. Áp lực quá lớn từ bố mẹ sẽ tạo ra sự căng thẳng, ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe tinh thần của trẻ.
- Cạnh tranh và so sánh: Khoe khoang thành tích học tập của trẻ có thể tạo ra cảm giác cạnh tranh và so sánh với những đứa trẻ khác, điều này không chỉ gây áp lực mà còn dễ phá huỷ các mối quan hệ của trẻ với bạn bè của mình. Bởi cơ bản thì những đứa trẻ khác không giỏi bằng con mình, nên chúng cũng sẽ tự ti không dám chơi cùng.
- Thiếu sự tự do và niềm vui: Áp lực quá lớn từ bố mẹ có thể làm mất đi sự tự do và niềm vui trong quá trình học tập của trẻ. Đôi khi vô tình bố mẹ khiến con hình thành tính tự cao, tự đại, khinh thường người khác vì họ không bằng mình.
Có nhiều lí do khiến các bậc phụ huynh có xu hướng khoe con.
- Đáp ứng nhu cầu xã hội: Trong một xã hội có tính cạnh tranh cao, việc khoe con có thể được coi là một cách để bố mẹ thể hiện sự thành công trong việc nuôi dạy của mình và gia đình trong mắt người khác. Bằng cách khoe khoang thành tích học tập của con, bố mẹ có thể nhận được sự thừa nhận và tôn trọng từ xã hội.
- Xây dựng hình ảnh cá nhân: Một số bậc phụ huynh có xu hướng khoe con để xây dựng hình ảnh cá nhân của họ. Việc có con thành công và có thành tích tốt có thể được coi là một dấu hiệu cho sự thành đạt và thông minh của bố mẹ.
- Sự quan tâm và tự hào về con: Một số bậc phụ huynh có thể cảm thấy tự hào và hạnh phúc với thành tích học tập của con cái. Việc khoe khoang thành tích học tập là một cách để bày tỏ sự quan tâm và tự hào đó. Nhưng dĩ nhiên mức độ khoe khoang, cách khoe khoang của mỗi bố mẹ sẽ khác nhau.