Một tuần sau sinh, mỗi ngày của Lê Thị Thương (28 tuổi, Hải Dương) hiện nay lại tất bật với công cuộc bỉm sữa. 4 năm sau đám cưới cổ tích với thầy giáo Trung Quốc - Hạ Dĩ Dương (sinh năm 1982), tổ ấm nhỏ của Thương giờ đầy ắp tiếng cười, niềm hạnh phúc với sự xuất hiện của thiên thần nhí QianQian (Chiên Chiên).
Lê Thị Thương và thầy giáo Hạ Dĩ Dương quen nhau khi cô đi du học ở Thượng Hải, Trung Quốc.
Kế hoạch kỹ lưỡng 4 năm, chẳng may “trúng thưởng” trong mùa dịch
7 năm trước, Thương sang Trung Quốc du học tại Đại học Kỹ thuật Công trình Thượng Hải. Cũng tại đây, cô có cơ duyên gặp ông xã Dĩ Dương là giảng viên môn hình họa của trường.
Thời gian đầu, Thương không có nhiều ấn tượng về giảng viên hơn mình 11 tuổi này. Nhưng ngược lại, Dĩ Dương đã chú ý đến cô sinh viên ngoại quốc ngay từ lần xem hồ sơ tân sinh viên. Gương mặt xinh xắn, nụ cười tươi tắn của Thương khiến thầy giáo Hạ đã bị trúng tiếng sét ái tình. Và anh đã chủ động kết bạn với Thương khi có dịp dạy môn hình họa ở lớp cô. Sau nhiều tháng trò chuyện qua lại, cả 2 dần nảy sinh tình cảm. Dĩ Dương đã chủ động tỏ tình với Thương và nhận được cái gật đầu đồng ý của cô với một điều kiện cả hai sẽ hẹn hò trong bí mật cho đến khi Thương tốt nghiệp.
Được biết, Dĩ Dương cầu hôn Thương vào năm cuối đại học. Năm 2017, cô với ông xã Dĩ Dương tổ chức đám cưới ở Hải Dương. Năm 2019, vợ chồng cô tổ chức đám cưới ở Thượng Hải. Và giữa tháng 8 vừa qua, tổ ấm nhỏ của cả 2 vừa mới chào đón con gái đầu lòng.
Nhớ lại ngày đầu nhận tín hiệu con đến, Thương cười cho biết, em bé đến với vợ chồng cô khá bất ngờ. Trước đó, Thương và ông xã đã thống nhất đợi cô tốt nghiệp thạc sĩ rồi đi du lịch xa dài ngày mới về lên kế hoạch có em bé. Vậy mà vợ chồng cô “chẳng may trúng thưởng” trong mùa dịch này.
4 năm kế hoạch rất tốt nên khi biết mình mang bầu, cả Thương và ông xã đều vô cùng ngỡ ngàng, hoang mang. Tuy nhiên, vợ chồng cô và 2 bên gia đình cũng rất vui, hạnh phúc khi có sự xuất hiện của em bé.
“Mang bầu lần đầu, từ tâm lý đến kiến thức mình vẫn chưa chuẩn bị được gì cả nên thời kỳ đầu của thai kỳ mình gặp khá nhiều khó khăn. Mình nghén khá nhiều và hầu như là không ăn được gì, nội tiết thay đổi cũng ảnh hưởng tới giấc ngủ nữa.
Vì đang học thạc sĩ năm cuối nên mình cũng rất bận, vừa phải làm đồ án tốt nghiệp vừa viết luận văn xong lại bầu bì nghén nhiều khiến mình mệt và áp lực kinh khủng. Thật may vì trước chồng là giảng viên đại học của mình, gần ngành anh ấy cũng giúp đỡ được mình khá nhiều. Chứ lúc mới bầu mình nghén nhiều lắm, ngửi thấy mùi đồ ăn là nôn oẹ, người mình mệt mỏi xanh xao luôn”, Thương chia sẻ.
Thương tốt nghiệp thạc sĩ vào tháng 7 vừa qua khi mang bầu được 8 tháng.
Khoảng thời gian mang thai đến lúc sinh, Thương lo lắng rất nhiều. 3 tháng đầu cô lo 6 tuần chưa có tim thai, khi có rồi cô lại lo tim thai chưa ổn định. Hết tuần 12 mọi thứ ổn định vợ chồng cô yên tâm hơn chút thì lại đến tuần 15-16 mong ngóng từng ngày con đạp. Khoảng thời gian đó, chồng Thương cứ ra lại sờ bụng, vào lại sờ bụng rồi áp tai vào bụng vợ để nghe xem có động tĩnh gì không. Khi chưa thấy con có động tĩnh gì, anh lại mang máy nghe nhịp tim để nghe xem con có ổn không.
Không những vậy, ở tuần thứ 32, vợ chồng Thương lại lo lắng khi con bị tràng hoa quấn cổ 2 vòng siết chặt, bị thiếu oxy. Thậm chí, em bé dọa cả nhà cô một trận lo sốt vó khi cân nặng không tăng mà giảm gần 2 lạng. May mắn tới tuần 33, bé tự tháo được nên mọi thứ trở lại bình thường, vợ chồng cô yên tâm phần nào.
Thương mang bầu tăng 15kg.
Thương cho biết, cả thai kỳ cô tăng 15kg lên 54,5kg. Vì luôn chú trọng chế độ ăn vào con không vào mẹ nên cô mang bầu vẫn vô cùng gọn gàng, không hề bị rạn da. Cô chỉ tăng vòng ngực, bụng, mông, đùi còn tay, chân và mặt vẫn như trước, không thay đổi nhiều.
“Cả quá trình mang bầu chồng và bố mẹ chồng quan tâm chăm sóc mình rất kỹ, vì là bé đầu tiên nên bố mẹ chồng mình cũng mong ngóng lắm, đặc biệt là mẹ chồng mình thường xuyên làm các món ăn bổ dưỡng bồi bổ cho con dâu. Mẹ chồng mình trước giờ không làm việc nhà mà mình bầu mẹ tự mình vào bếp nấu nướng khiến mình cảm động lắm”, Thương tâm sự.
Đi sinh bị băng huyết, chồng cuống cuồng khóc nức nở
Ở Thượng Hải vấn đề giới tính thai nhi rất nghiêm ngặt nên cả quá trình mang bầu cho đến khi sinh vợ chồng Thương đều không biết giới tính của bé. Chính vì vậy các mẹ bầu hay nói đùa với nhau đi sinh là đi “mở hộp quà” xem món quà ông trời tặng là bé trai hay bé gái.
Chia sẻ thêm về chế độ dành cho mẹ bầu ở Trung Quốc, Thương cho biết, chi phí sinh và khám thai tại các bệnh viện công sẽ được nhà nước trợ cấp một phần nhất định. Tuy nhiên, Thương là người nước ngoài nên cô không được hưởng chế độ đó. Hơn nữa, do khá bận nên cô đã chọn dịch vụ khám thai, sinh đẻ ở bệnh viện tư với gói chi phí khoảng 219 triệu gồm mũi tiêm không đau và nhiều dịch vụ hỗ trợ sản phụ phục hồi sau sinh. Ngoài ra, vợ chồng cô cũng đăng ký trung tâm ở cữ và dự định sẽ thuê vú em chăm mẹ, bé sau khi về.
Thuơng sinh bé ở 39 tuần 4 ngày.
Được biết, Thương sinh khi em bé được 39 tuần 4 ngày. Nhớ lại ngày đi sinh của mình, Thương cười bởi đó là kỷ niệm đáng nhớ vừa hài hước nhưng cũng vừa lo sợ của 2 vợ chồng. Thương kể, vì đây là lần đầu tiên nên vợ chồng cô không có kinh nghiệm nào. Cũng như mọi ngày sau khi hai vợ chồng ăn tối xong, cô thấy bụng hơi đau nhưng chỉ nghĩ đơn giản là do ăn phải thứ gì không nên ăn. Một lúc sau thấy đau từng cơn từng cơn một rất nhẹ, vợ chồng cô vẫn không nghĩ đó là dấu hiệu chuyển dạ. Thậm chí, chồng cô còn giục vợ đi tắm rồi đi ngủ chẳng may sắp sinh thật mai còn lấy sức đi sinh.
“Cơn đau nhẹ của mình bắt đầu từ 20h giờ tối thì đến 1h sáng hôm sau thì đau dồn dập hơn. Lúc đó mình đau quá mới gọi chồng dậy vội vàng hai vợ chồng khăn gói vào viện. Trên đường đi vì đói quá mình còn bảo chồng dừng lại mua đồ ăn đêm để tí lấy sức sinh. Ai ngờ khi vào tới viện bị bác sĩ mắng cho một trận tơi bời vì trước khi sinh không được ăn gì, và có dấu hiệu đau thì phải vào ngay sao để mở 1 phân rồi mới vào”, Thương cười nhớ lại.
Thương sinh thường bị băng huyết ở mức độ trung. Ông xã Dĩ Dương ở bên cạnh lúc cô lúc vượt cạn, thấy cô bị mất máu nhiều quá, anh cuống cuồng lên rồi khóc nước nở. “Mình nhìn anh vừa thương vừa buồn cười vì chưa bao giờ anh như vậy. Y bác sĩ đỡ sinh cho mình còn bảo chưa thấy ông chồng nào như anh, vợ đau tưởng chết còn chưa khóc mà anh đứng bên cạnh khóc to hơn vợ, chắc anh sợ mình chết”, Thương cho hay.
Thương bị băng huyết khi sinh.
Ông xã đỡ đần Thương chăm sóc em bé.
Bé nhà Thương chào đời nặng 3,2kg, môi đỏ, giống bố như đúc. Nghe thấy tiếng con khóc và biết mình sinh con gái, cô vỡ òa vì ao ước có một cô con gái, các nét mặt giống bố của cô đã trở thành hiện thực. Tuy nhiên do quá trình mang thai không được biết giới tính, đi siêu âm hay đo nhịp tim bác sĩ nói khả năng là bé trai cao nên vợ chồng cô cũng luôn nghĩ là bé trai và chuẩn bị hết đồ là bé trai. Chính vì vậy, con gái chào đời, cô phải mua lại khá nhiều đồ dành cho bé sau sinh.
Em bé nhà Thương nặng 3,2kg, môi đỏ, giống bố như đúc.
Làm mẹ lần đầu Thương gặp khá nhiều bỡ ngỡ. Sinh con vào đúng lúc dịch bệnh bùng phát nên trung tâm ở cữ cô đăng ký bị cách ly, hợp đồng bị hủy. Điều đó khiến vợ chồng cô trở tay không kịp và gặp rất nhiều trở ngại. Mẹ đẻ không thể sang chăm còn mẹ chồng không rành về chăm sóc sản phụ nên vợ chồng cô phải sắp xếp vội hộ lý và vú em tới nhà chăm sóc sức khỏe 2 mẹ con. Hiện tại, sau sinh hơn 1 tuần, sức khỏe của Thương đã tốt hơn. Không những vậy, cô còn khiến ông xã bất ngờ vì chiếc bụng đã gần về lại như cũ sau 4 ngày sinh mà không cần luyện tập.
Dù không có bố mẹ ở bên cạnh khi sinh nở nhưng Thương có ông xã bù đắp tất cả. Anh ở bên cạnh động viên, hỗ trợ cô. Sinh xong cô luôn than thở về cơn đau và ngoại hình bị xấu nhưng anh vẫn liên tục khen vợ “em sinh xong xinh hơn lúc chưa bầu” khiến cô vui và giảm stress sau sinh rất nhiều.