Toán học tưởng chừng như đơn giản vì các con số "rành rọt". Thế nhưng cũng có rất nhiều bài toán với mục đích phân loại học sinh dù là ở bậc tiểu học, tập cho học sinh nhiều kỹ năng đọc - hiểu, phân tích, giải thích... nên vô cùng lắt léo. Giống như bài toán tiểu học dưới đây chính là một trường hợp mà phụ huynh có thể lấy làm ví dụ để nhắc nhở con em mình cẩn thận hơn khi làm bài.
Cụ thể, một bà mẹ đăng tải bài kiểm tra toán của con lên một diễn đàn mạng xã hội. Người này bày tỏ sự thắc mắc về đáp án vì không hiểu sao cô giáo lại gạch kết quả của học sinh.
Bài toán là "Từ ba số 4,1,9 lập được bao nhiêu số có hai chữ số?". Em học sinh đã lựa chọn đáp án là 6 nhưng cô giáo đã gạch sai.
Ngay phía dưới phần bình luận, một phụ huynh khác cũng đăng tải bài kiểm tra toán của con mình có bài toán giống y hệt: "Từ ba số 4,1,9 lập được bao nhiêu số có hai chữ số?" nhưng cách chấm của cô giáo này lại ngược lại. Theo đó, cô giáo lại đưa ra đáp án cho bài toán là 6.
Từ hai bài kiểm tra khác nhau, cùng một bài toán nhưng lại có hai đáp án khác nhau đã khiến không ít phụ huynh hoang mang, bàn tán xôn xao. Vậy đâu mới là kết quả chính xác nhất và cô giáo nào đã chấm đúng, cô giáo nào chấm sai và em học sinh nào mới là người đưa ra kết quả chính xác?
Những tranh cãi bắt đầu có được đáp án chính xác khi đồng loạt nhiều người đưa ra kết quả cho bài toán. Kết quả cuối cùng là 9 và được giải thích như sau:
Đề bài toán đưa ra là "Từ ba số 4,1,9 lập được bao nhiêu số có hai chữ số?". Như vậy có thể liệt kê các số có hai chữ số như sau: 44, 11, 99, 41, 49, 19, 14, 94, 91. Tổng cộng là 9 số.
Việc nhiều em học sinh đưa ra kết quả là 6 số bao gồm 41, 49, 19, 14, 94, 91 cũng hoàn toàn đúng nhưng với trường hợp nếu đề bài hỏi là "Từ ba số 4,1,9 lập được bao nhiêu số có hai chữ số KHÁC NHAU". Tuy nhiên ở đây đề bài toán không yêu cầu các số có hai chữ số phải khác nhau nên kết quả phải là 9 mới chính xác.
"Cô chấm 6 là sai. Lớn lên chút các con sẽ học phương pháp khác không phải liệt kê kiểu này nữa. Vì viết số có 2 chữ số không yêu cầu khác nhau thì chữ số hàng chục có 3 cách chọn, chữ số hàng đơn vị cũng có 3 cách chọn. Vậy có 3x3=9 cách viết số có 2 chữ số" - một người giải thích.
Tuy nhiên có một bộ phận các phụ huynh khác vẫn không đồng tình với đáp án này mà cho rằng có 6 số mới là chính xác, họ lý giải: "đề có 1 số 4, 1 số 1 và 1 số 9 thì làm sao mà ghép ra số 11, 44, 99 được?" hoặc "nếu là đề cho là thẻ số thì đáp án sẽ là 6 số".
Từ đó mới thấy được việc đọc - hiểu, phân tích kỹ đề bài toán trước khi làm vẫn là quan trọng nhất với mỗi em học sinh. Cha mẹ nên nhắc nhở kỹ con em mình.
Đọc kỹ đề bài toán, hiểu đề toán trước khi đặt bút làm
Việc rèn luyện cho học sinh thói quen xem lại câu hỏi là một nhiệm vụ lâu dài, đòi hỏi sự chung sức của phụ huynh và thầy cô. Trong quá trình dạy và học, phụ huynh có thể dùng ngón tay để đọc câu hỏi cùng con, nói chậm để đảm bảo con hiểu rõ câu hỏi, nếu con chưa hiểu thì đọc lại 2-3 lần.
Ưu điểm: thu hút sự chú ý, đồng thời củng cố khả năng đọc văn bản của trẻ. Học sinh tiểu học có khả năng nhận biết và ghi nhớ rất tốt. Nếu cha mẹ thường xuyên học và đọc cùng con cũng có thể giúp con mở rộng đa dạng nhiều kiến thức khác nhau.
Lưu ý kĩ đến các điểm chính và phụ trong khi đọc
Trong quá trình giải quyết các bài toán, học sinh thường phải đối mặt với nhiều thông tin và nội dung khác nhau. Để làm bài hiệu quả, các em cần rút ra những điểm chính và lọc ra thông tin quan trọng. Điều này không chỉ giúp các em hiểu rõ yêu cầu của câu hỏi mà còn định hướng được cách giải quyết phù hợp.
Việc hình thành thói quen này không thể diễn ra trong một sớm một chiều, mà cần có thời gian rèn luyện liên tục. Do đó, phụ huynh nên đồng hành và khuyến khích con em mình trong quá trình học tập, nhằm giúp các em phát triển những thói quen tốt. Những thói quen này sẽ hỗ trợ trẻ trong việc tiếp nhận thông tin hiệu quả hơn và nâng cao chất lượng học tập tổng thể.