Thật sự thì tất cả chúng ta đều muốn được khen ngợi, được ai đó công nhận mình chứ không riêng gì những đứa trẻ. Tuy nhiên, nhận thức và cảm xúc của trẻ về những lời khen ngợi thì nhạy cảm hơn chúng ta tưởng.
Do đó, việc cha mẹ khen ngợi con đúng cách cũng góp phần giúp con phát triển và hình thành nhân cách tốt. Đối với những đứa trẻ có tính cách tự ti, nhút nhát thì một vài lời khen ngợi đôi khi có sức ảnh hưởng kỳ diệu, khuyến khích và mang đến nguồn động lực cho con trong cuộc sống.
Tuy nhiên, đối với những đứa trẻ thường xuyên mắc lỗi, bướng bỉnh thì một số hình phạt hay lời phê bình là điều cần thiết, để bố mẹ có thể kìm nén và “uốn nắn” con.
Diễn viên Thanh Thúy từng chia sẻ về cách khen ngợi con cho đúng mà cô đã học hỏi được: “Thay vì nói những câu “Con giỏi quá”, “Con mẹ quả là người lớn”, thì cha mẹ hãy nói lời cảm ơn với việc con đã làm giúp bằng sự vui sướng và chân thành như “Cảm ơn con”, “Con đã làm giúp mẹ được rất nhiều việc”, “Mẹ rất vui” hay là “mama so happy”.
Gia đình diễn viên Thanh Thúy - Ảnh: FBNV
Bởi vì khi giúp đỡ cha mẹ, trẻ rất muốn biết cảm nhận của cha mẹ về hành động của mình. Cha mẹ khi có thể hãy nói cho trẻ biết cảm xúc của mình.
Những lời khen ngợi “Con mẹ giỏi quá”, “Con mẹ quả là người lớn”, không hề có ý xấu nhưng nó lại không cho trẻ biết được rằng việc làm của trẻ có những lợi ích tích cực thế nào với cha mẹ, bởi nó không phải là những lời nói diễn tả những cảm nhận của cha mẹ về việc làm của trẻ.
Thừa nhận việc làm của con bằng cách nói ra cảm xúc của bản thân về hành động ấy cũng chính là một cách khen ngợi.”
Vậy thì, cha mẹ nên dùng lời khen như thế nào với con là hợp lý nhất, để trẻ hiểu đúng ý nghĩa những câu nói như: “Con giỏi quá”, “Con mẹ là nhất”, “Con mẹ là số 1”? cha mẹ có thể thay thế bằng những câu nói dưới đây, để lời khen của mình được áp dụng đúng mục đích.
“Mẹ biết con đã rất cố gắng và chăm chỉ”
Khi trẻ đạt được những thành tích học tập tốt, thay vì khen ngợi “Con giỏi quá”, cha mẹ có thể dùng cách khác để thừa nhận những nổ lực của trẻ như “Mẹ biết con đã rất cố gắng và chăm chỉ” hay “Mẹ biết gần đây con đã học hành chăm chỉ, thật sự rất xứng đáng”.
Việc cha mẹ thật sự công nhận sự cố gắng của con thay vì những lời nói khen ngợi sẽ giúp trẻ tự tin và tin tưởng hơn vào chính mình, nếu thất bại trẻ cũng dễ dàng tìm thấy hướng khắc phục.
“Bài tập lần này con đã làm rất tốt”
Nếu trẻ thường bất cẩn, khi có tiến bộ cha mẹ nên khen: “Lần này, con đã làm bài cẩn thận hơn”, trẻ nhận ra rằng chỉ cần mình cẩn thận hơn là có thể đạt điểm cao. Vậy nên, khen ngợi khi trẻ đã làm tốt hơn việc gì đó trong quá khứ là cách được công nhận tốt nhất đối với trẻ.
“Hôm nay con rất ngoan”
Nhiều đứa trẻ thất bại nguyên nhân xuất phát một phần từ việc trẻ quá kiêu căng, ngạo mạn và không bao giờ xem trọng ai. Vì vậy, khi trẻ làm được việc tốt, cha mẹ nên tập trung khen thái độ của con nhiều hơn.
Dù trong học tập, công việc hay cuộc sống, thái độ quyết định một phần của sự thành công. Sau khi con làm xong bài tập và đọc trước nội dung cần học vào ngày hôm sau, cha mẹ nên khen ngợi thái độ của con vào ngày hôm nay so với hôm trước như "Hôm nay con rất ngoan" hay "Lần này đã biết nghe lời mẹ rồi", khi trẻ dùng thái độ tích cực để hoàn thành nhiệm vụ, đừng quên khẳng định điều đó.
“Cố lên, con nhất định sẽ làm được"
Thành công chắc chắn đòi hỏi sự cố gắng bền bỉ, nỗ lực cố gắng không ngừng. Vậy nên, khi trẻ đạt được thành tích cao trong học tập, cha mẹ dành thời gian quan sát xem thử con mình có kiên trì không.
Khi trẻ thực hiện những nhiệm vụ có tính thử thách, ví dụ như chơi cờ vây hay leo núi, sau vô số lần thất bại, cha mẹ nên khẳng định sự kiên nhẫn và nghị lực của trẻ.
So với những câu nói khích lệ như “Cố lên, nhất định con sẽ làm được” thì “Kiên trì chính là sự thành công to lớn nhất, con làm tốt lắm, tiếp tục cố gắng nhé!” càng có thể khích lệ trẻ hơn, cũng như sẽ không gây quá nhiều áp lực khiến con bỏ dở giữa chừng, khả năng thành công của trẻ sẽ càng cao hơn.
“Con đã làm tốt hơn lần trước nhiều rồi”
Không đứa trẻ nào lại vui vẻ khi cha mẹ so sánh mình với những người khác, nhưng nếu được so sánh với chính bản thân trong quá khứ, chúng sẽ nhận ra mình đã khác xưa nhiều. Điều này tạo động lực rất lớn cho sự thành công của trẻ sau này.
Câu nói khen đơn giản như: “Con đã làm tốt hơn lần trước nhiều rồi” sẽ giúp trẻ nhận thấy sự thay đổi của mình đã được bố mẹ công nhận.
Đôi khi hoàn thành tốt nhiệm vụ là vì chúng ta nỗ lực, nhưng cũng có những lúc là vì chúng ta lựa chọn đúng đắn. Việc khen ngợi khi con có sự lựa chọn đúng đắn cũng là điều tiên quyết để bồi dưỡng tư duy phát triển của con.
So với việc chỉ nói với trẻ rằng “Con giỏi lắm!”, đôi khi cha mẹ có thể thay đổi cách khen ngợi con bằng việc “biến đổi” một số từ ngữ đơn giản, để giúp con con phát triển tốt hơn.