Gặp gỡ và nên duyên cùng anh chàng người Đan Mạch - Kolja Zlebacic Sørensen tại Việt Nam, chị Thu Hằng không thể ngờ đó cũng chính là dấu mốc quan trọng, đưa cuộc sống của chị cùng 2 cô con gái nhỏ sinh đôi Bảo Linh - Bảo Nhi sang một trang mới. Gia đình chị hiện đang sinh sống, làm việc và các bé học tập tại Thủ đô Copenhagen của Đan Mạch.
Anh Kolja Zlebacic Sørensen và 2 bé Bảo Linh, Bảo Nhi.
Suốt hơn 1 năm qua chính là quãng thời gian chị cảm thấy cuộc sống của mẹ con chị hạnh phúc và ý nghĩa nhất bởi lúc nào cũng có sự xuất hiện của người chồng Kolja Zlebacic Sørensen hết mực yêu vợ và thương luôn 2 đứa con nhỏ của chị có được từ cuộc hôn nhân trước.
Ngày 11/5 vừa qua, 2 bé Bảo Linh - Bảo Nhi chính thức trở thành những cô học sinh lớp 0 của trường tiểu học Kennedy Gården sau khi kết thúc năm cuối của trường mẫu giáo tại đây. Chị rất tin tưởng về hệ thống giáo dục của Đan Mạch vì vậy đã quyết định, sau khi học mẫu giáo tiếp tục cho con học tiểu học ở đây mà không tìm môi trường nước khác hay trở về Việt Nam.
"Giáo dục được phát triển không ngừng và rất được coi trọng ở Đan Mạch, trẻ em được đẩy lên hành ưu tiên nên mọi vấn đề về cơ sở hạ tầng, trường lớp, sân chơi và khu vui chơi trẻ em trải khắp các khu vực và hoàn toàn miễn phí, chỉ một lượng rất nhỏ khu vui chơi có thu phí như Tivoli hay Legeland.
Hai bé sinh sống ở đây theo diện đoàn tụ gia đình nhưng cũng được hưởng các phúc lợi và giáo dục tương đương với trẻ em Đan Mạch. Chị và các bé rất thích thú khi chỉ cần đi bộ trong bán kính 1-2 km là phải có đến cả 4-5 sân chơi miễn phí cho trẻ em, đó là chưa kể các khu chung cư đều dành diện tích sân chơi ngoài trời riêng cho các bé sống tại chung cư đó" - chị Hằng cho biết.
Dưới đây là những chia sẻ của chị Thu Hằng về quy trình tìm trường và hệ thống giáo dục của Đan Mạch mà chị biết được sau khoảng thời gian đăng ký học cho 2 bé.
Hành trình tìm trường cho con
Kể về hành trình tìm trường, đăng ký học mẫu giáo cũng như tiểu học cho con ở Đan Mạch, chị Thu Hằng cho rằng mọi thứ khác Việt Nam lắm. Nhưng cả chị và Kolja Zlebacic Sørensen đều đồng lòng chia sẻ cùng nhau nên mọi việc dường như rất suôn sẻ.
Chị kể, ban đầu phụ huynh sẽ phải đăng ký học với văn phòng địa phương (trực thuộc chính phủ), mỗi khu vực sẽ có văn phòng địa phương riêng của từng khu.
Họ sẽ gửi cho phụ huynh tên của 3 trường gần nhà nhất để bố mẹ tự quyết định. Chị và anh nhà quyết định làm một chuyến đi thăm từng trường, đánh số thứ tự cho 3 trường, số 1 là ưu tiên hơn cả và sau đó là 2 và 3, sau đó anh chị gửi cho văn phòng địa phương, họ sẽ tự liên lạc với trường và báo cho cha mẹ trường nào các bé được nhận.
Kế đến, gia đình chỉ cần liên lạc với trường và dẫn bé tới đúng ngày trường hẹn. Tất cả các vấn đề tiền bạc và học phí thì phụ huynh sẽ làm việc với văn phòng địa phương, trường không làm nhiệm vụ này. Trường nhận lương cũng từ văn phòng địa phương.
Học mẫu giáo
Việc học mẫu giáo của bé diễn ra rất tự nhiên và vui vẻ nhờ phương pháp giáo dục của nhà trường.
1/ Trẻ em là phải vui chơi
Phương pháp của họ là hướng sự chú ý của trẻ đến các trò chơi vận động, trò chơi kỹ năng. Họ coi trẻ em và những quyền cơ bản của trẻ em như quyền khám phá, quyền đặt câu hỏi, quyền vui chơi và ca hát là không được hạn chế, và được thầy cô cổ vũ để được vui chơi, tận hưởng niềm vui cũng như học hỏi từ các trò chơi.
Ngày mới đi học, khi được thầy cô hướng dẫn chơi trò chơi, hai bé nhà chị Hằng chơi rất nhanh, kiểu hoàn thành công việc được giao chứ chưa biết hưởng thụ và thư giãn với các trò chơi lâu hơn, điều này là do các bé vẫn quen với phương pháp và chương trình mẫu giáo quốc tế ở Việt Nam nói riêng và Châu Á nói chung là đặt việc học kiến thức khá là nặng cho các bé ở giai đoạn trước khi vào tiểu học, từ 5-6 tuổi.
2/ Học tinh thần trách nghiệm và giúp đỡ
Mỗi tuần 1 bé sẽ được phân công việc dọn bàn ăn 1 ngày, các bé sẽ cùng cô sắp xếp đĩa, muỗng và tách cho các bạn trong nhóm vào giờ ăn trưa. Khi lớp có bạn mới thì các thầy cô sẽ nói chuyện với cả lớp về vấn đề này và hỏi liệu có ai muốn giúp cô chỉ chỗ và chuyện trò với người mới.
Bé học trách nhiệm và giao tiếp thông qua những việc này. Ngày đầu con chị Hằng đi học cũng được một cô bé chỉ chừng 4 tuổi đi theo để làm quen, chỉ chỗ và trò chuyện. Chị Hằng rất ấn tượng với việc này, chị thấy các bé được hướng đến việc giúp đỡ người khác bất kể tuổi tác, bé 4 tuổi đã học ở trường vẫn có thể giúp các bé mới đến như vậy làm các bé thấy giá trị của việc giúp đỡ người khác và cho đi.
Khi các bé học quen thì sẽ là người trực tiếp tục giúp đỡ các bé mới hơn.
3/ Học sử dụng dao kéo
Các bé được đưa vào forest (là đồi có nhiều cây) hoặc công viên, mang ủng, mặc quần áo chống thấm nước, ngồi bệt xuống đất và dùng dao nhỏ vót các cành cây, cạo vỏ cây để lấy phần lõi tô màu. Thỉnh thoảng 2 con chị Hằng về nhà với ngón tay bị dao cắt là chuyện rất bình thường và mẹ cũng phải tự làm quen và phải dặn bản thân là yên tâm vì thầy cô là chuyên gia và bé phải trải qua tất cả những điều đó để trưởng thành. Nhờ vậy mà kỹ năng bàn tay của các bé giờ rất tốt. Hiện giờ các con có thể cắt rau củ và hoa quả khi mẹ nấu nướng.
4/ Trẻ được bố mẹ cho đến nhà bạn chơi một mình
Hẹn hò tại nhà nhau của các bé mẫu giáo rất quan trọng. Vào một lần đến đón con ở trường thì có một cô bé tóc vàng mắt xanh lơ tới hỏi chị rằng liệu bé có thể theo Sidney về nhà chơi (Sidney là tên con chị Hằng).
Ban đầu chị rất bỡ ngỡ dù chồng có nói đây là văn hoá Đan Mạch. Chị Hằng trả lời bé là chị đồng ý nhưng bé cần nói chuyện với bố mẹ bé về việc này. Sau khi 2 bà mẹ liên lạc với nhau và các bé đã có 3 tiếng hẹn hò, chị Hằng khá bất ngờ khi bậc phụ huynh kia nhanh chóng để con lại và đi ngay. Còn tụi nhỏ thì xin kẹo và cùng trèo lên giường tầng, đếm 1,2,3 rồi cùng cho kẹo vào miệng, vừa ăn vừa cười nói rất vui vẻ.
Đó là hẹn hò ở nhà chị Hằng, còn hẹn hò ở nhà các bạn nhỏ khác thì là một thử thách lớn với chị. (Văn hoá Đan Mạch là sẽ hẹn hò lượt đi và lượt về như bóng đá giao hữu).
Chị được chồng trấn an rất nhiều và khi đó chị nghĩ chị phải vượt qua được thói quen và lối mòn trong suy nghĩ, vì ở Việt Nam thì cả chị và các bé đều không có thói quen này. Thế là buổi hẹn đầu tiên của tụi nhỏ ở nhà cậu bé Viggo đã diễn ra suôn sẻ. Tới giờ chị rất tự hào vì mình đã phần nào học được văn hoá tốt này của người Đan Mạch, tôn trọng quyền được mời bạn bè tới chơi, quyền được tới nhà bạn bè chơi của các con.
5/ Cả trẻ và bố mẹ phải tuân thủ nguyên tắc của nhà trường
Kế hoạch của giáo viên sẽ được trao đổi với phụ huynh, nhưng nó sẽ là nguyên tắc chứ không thể thay đổi tuỳ hứng của phụ huynh.
Ví dụ: tuần đầu khi gửi bé ở môi trường mới, ngày đầu chị sẽ ở lại chơi với các bé 2 tiếng rồi đưa các bé về, ngày thứ 2 theo kế hoạch là chị sẽ ngồi chơi với bé đến khi cô giáo thấy ổn và báo với chị là để các bé lại khoảng 1 tiếng rồi tới đón. Chị thì nôn nóng muốn gửi các bé dài hơn, giáo viên sẽ từ chối và phụ huynh phải tuân thủ kế hoạch, vì giáo viên mới là chuyên gia của bé trên trường.
Học tiểu học
Tại ngôi trường mà 2 con theo học, chị Hằng nói rằng có ấn tượng mạnh về kỹ năng giáo dục, quan điểm và phương pháp giáo dục của thầy cô với trẻ em và với cả phụ huynh:
1/ Trẻ em cần được tham gia vào mọi vấn đề: Các thầy cô hướng dẫn phụ huynh rằng con nên được tham gia vào mọi công việc trong gia đình mà có liên quan đến các con, ví dụ: việc nấu ăn, giặt và gấp áo quần, dọn dẹp nhà cửa, làm những hộp cơm trưa hoặc hộp ăn vặt giữa buổi để con mang đến trường, kể cả việc đi siêu thị và việc dọn dẹp sau khi ăn.
Thông qua việc tham gia vào các vấn đề chung này các con sẽ hình thành thói quen tự lập và biết cách sắp xếp các công việc cũng như những đồ vật xung quanh mình. Việc học làm những điều nhỏ này sẽ giúp ích cho việc tự chăm sóc bản thân mình của các con trong tương lai.
2/ Kỹ năng tương tác với bé và hướng bé vào các trò chơi: các thầy cô là chuyên gia trong vấn đề này, họ rất chủ động chơi cùng, nhóm lửa, xếp hình, tô màu, đàn hát và trở nên thân thiết nhanh chóng với các con. Mỗi lần chị đưa con đến, con nhìn thấy thầy cô là tươi cười hớn hở, các bé cũng rất hăng hái kể về trò chơi với các thầy cô trong các bữa tối với ba mẹ.
3/ Quan điểm là trẻ em phải được vui chơi và việc học hỏi sẽ tự nhiên đến thông qua các trò chơi. Ví dụ như học kỹ năng bàn tay và tính kiên nhẫn qua việc: xâu hạt làm vòng, vót cành cây bằng dao, tô màu mọi lúc mọi nơi. Hoặc trẻ học việc giữ thăng bằng cũng như luyện tập thể lực qua các trò chơi như đứng trên xích đu để nhún bằng chân hoặc đẩy xích đu cho các bé khác. Bé cũng được học việc xếp hàng chờ tới lượt chơi và việc tình nguyện quay dây để cho các bé khác cùng chơi.
4/ Dành thời gian chơi ngoài trời bất kể thời tiết và nghịch cát, đất, nước:
Thầy cô có lịch cho các bé là ngày nào cũng phải chơi ngoài trời, bất kể tuyết, nắng hay mưa. Các trò chơi rất đa dạng: xe đẩy chân, đào cát, xúc nước bùn ở các vũng nước mưa, đá bóng, nhảy dây. Có nhiều lần đón con về và thấy các bé lấm lem bùn đất trông rất bẩn nhưng suốt quãng đường về thấy các bé hào hứng kể về việc đã chơi những gì và đã vui ra sao thì chị hoàn toàn yên tâm là cho dù có bẩn đôi chút nhưng con được chơi hết mình như là nó muốn thì đó đều là những trò chơi lành mạnh
5/ Trường đề xuất phụ huynh nên đọc sách gì cho bé và với thời lượng tối thiểu bao nhiêu
Phụ huynh được nhà trường hướng dẫn rất cụ thể về vấn đề đọc sách và truyện phù hợp cho lứa tuổi của các bé với các tên sách cụ thể và với thời lượng ít nhất là 30p/ngày. Khi đi họp phụ huynh cho con thì chị rất bất ngờ khi thấy trường hướng dẫn những điều này vì cứ quen như ở Việt Nam là bố mẹ tự tìm sách và đọc cho con theo cách bố mẹ muốn, để thấy vấn đề đọc gì cho con và đọc trong bao lâu sẽ ảnh hưởng quan trọng đến con và điều quan trọng là phụ huynh chỉ cần làm theo hướng dẫn thì sẽ không cần hoài nghi liệu mình có làm đúng và làm đủ cho con.
6/ Bé được học tiếng mẹ đẻ miễn phí 1 buổi mỗi tuần
Đây là quyền lợi rất lớn và quý giá mà chính phủ Đan Mạch tạo ra để các bé giữ và duy trì tiếng mẹ đẻ, và lớp học này hoàn toàn miễn phí cho các bé. Các thầy cô cũng hướng dẫn cha mẹ cần nói chuyện với con bằng ngôn ngữ mẹ đẻ để các bé có vốn từ sâu rộng, đó cũng là cách khiến các bé có thể học ngoại ngữ nhanh hơn nhờ hiểu ý nghĩa và nói trôi chảy tiếng mẹ đẻ. Các bé giờ nói nhiều nhất là tiếng Đan Mạch và sau đó là tiếng Anh, chị Hằng đang cố gắng duy trì tiếng Việt cho con thông qua việc đọc truyện và cho con nghe nhạc Việt Nam.
Ngoài ra, ở Đan Mạch, chức năng và tiếng nói của hội phụ huynh rất được coi trọng:
1/ Hội phụ huynh là nơi đề xuất chính quyền địa phương phân bổ nguồn vốn xuống đầu tư cơ sở hạ tầng xung quanh trường để phục vụ việc đưa đón được thuận lợi.
Ví dụ: nếu thấy đoạn đường quanh trường chưa có bảng hạn chế tốc độ cho các phương tiện chạy ngang, chưa có lối đi bộ riêng để sang đường, thiếu chỗ đậu xe đạp, ô tô khi đưa đón thì hội phụ huynh sẽ đề nghị chính quyền địa phương thực hiện các yêu cầu về cơ sở hạ tầng.
2/ Hội phụ huynh cũng đảm nhận về việc hướng dẫn cho các phụ huynh khác về đồ ăn tốt cho sức khoẻ của bé.
3/ Nghe trường trình bày phương án giáo dục và đóng góp ý kiến để sửa đổi các quy định cho phù hợp với học sinh.
Chức năng của trường:
1/ Tập trung vào các vấn đề chăm sóc và giáo dục trẻ em.
2/ Nhận nguồn vốn phân bổ hàng năm của văn phòng địa phương để đảm bảo trường được hoạt động theo đúng tiêu chuẩn giáo dục mà chính phủ đưa ra.