Tại sao thức khuya dễ mắc bệnh về dạ dày?
Thủng tạng rỗng là một bệnh lý cấp cứu ngoại khoa nguy hiểm, tỉ lệ tử vong cao nếu không được phẫu thuật kịp thời. Từ lâu, các bác sĩ đã đưa ra cảnh báo, các thói quen gây hại cho dạ dày ngoài ăn uống thiếu khoa học còn có thức khuya, stress, áp lực học tập và lao động… Dù vậy, vẫn còn nhiều người mắc sai lầm và rước bệnh.
Mới đây, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) đã cấp cứu cho 2 bệnh nhân dưới 18 tuổi bị viêm phúc mạc do thủng ổ loét dạ dày - hành tá tràng. Bệnh nhi thứ nhất là Đăng Khôi (15 tuổi, ở TP Hạ Long), được người nhà đưa đến cấp cứu trong tình trạng đau bụng đột ngột, dữ dội vùng thượng vị, bụng co cứng. Từ các kết quả chụp chiếu, các bác sĩ chẩn đoán, Khôi bị viêm phúc mạc do thủng tạng rỗng và chỉ định mổ nội soi cấp cứu xử trí thủng tạng rỗng.
Thức khuya là một trong những nguyên nhân gây nên bệnh đau dạ dày. Ảnh minh họa.
Đặc biệt là trường hợp của Trần Quốc (17 tuổi), có tiền sử loét dạ dày, đã phẫu thuật cách đây 2 năm. Lần này, Quốc được đưa đến cấp cứu vì có dấu hiệu đau nhiều vùng thượng vị, bụng co cứng. Các bác sĩ chẩn đoán Quốc bị viêm phúc mạc do thủng tạng rỗng trên nền bệnh nhân có tiền sử phẫu thuật thủng dạ dày và được phẫu thuật nội soi khâu lỗ thủng hang môn vị, lau rửa sạch dịch bẩn, dẫn lưu ổ bụng.
BS.CKI Chu Mạnh Trường, khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết, hiện sức khỏe của 2 bệnh nhi trên đã ổn định. Theo bác sĩ Trường, có nhiều nguyên nhân gây thủng tạng rỗng như thủng dạ dày, chấn thương bụng, dị vật đường tiêu hóa, vỡ khối u, viêm ruột hoại tử… thường gặp nhất là biến chứng thủng ổ loét dạ dày - tá tràng. Đây là căn bệnh nguy hiểm, cần được cấp cứu sớm, để muộn nguy cơ tử vong cao.
Bác sĩ Trường cho biết, 2 trường hợp bệnh nhi trên, đặc biệt là Quốc mắc bệnh là do thường xuyên thức khuya và ăn uống không khoa học. Thông thường ban đêm là khoảng thời gian mà dạ dày nghỉ ngơi, giúp các tế bào niêm mạc dạ dày phục hồi và tái tạo. Nếu có thói quen thức khuya, hệ tiêu hóa không được nghỉ ngơi gây ra tăng tiết dịch vị. Dịch vị là một yếu tố tấn công đối với niêm mạc dạ dày, khi lượng dịch vị tăng lên sẽ tác động trực tiếp tới niêm mạc dạ dày gây tổn thương, đặc biệt nếu những người có tiền sử bệnh dạ dày như viêm loét dạ dày thì sẽ gây đau, viêm loét dạ dày cấp tính.
Bác sĩ Chu Mạnh Trường đang khám cho người bệnh. Ảnh: BVCC.
Việc thức khuya làm cho dịch vị tăng tiết nên bạn có cảm giác đói cồn cào và muốn ăn gì đó để giảm bớt cảm giác khó chịu. Các món ăn vào đêm khuya chủ yếu là đồ ăn sẵn, đồ hộp, snack... Những món ăn và đồ uống này không tốt cho sức khỏe, chứa nhiều muối, dầu mỡ nên càng gây áp lực lớn hơn cho hệ tiêu hóa. Khi hệ tiêu hóa không được nghỉ ngơi, axit dư thừa sẽ lại tấn công ngược lại niêm mạc dạ dày, làm cho niêm mạc dạ dày bị tổn thương. Đây chính là lý do khiến nhiều người thức khuya và ăn đêm dễ mắc bệnh về dạ dày.
Thay đổi thói quen sinh hoạt để ngừa bệnh dạ dày và nhiều bệnh khác
Bác sĩ Trường khuyến cáo, thủng tạng rỗng đang có xu hướng trẻ hóa độ tuổi mắc bệnh. Ngoài thức khuya, ăn uống thiếu khoa học (ăn không đúng giờ, ăn nhiều đồ chua, cay, nóng, đồ ăn nhanh…), còn do stress, áp lực học tập và lao động... gây nên các ổ viêm loét dạ dày - tá tràng biến chứng dẫn đến thủng tạng rỗng.
Theo bác sĩ Trường, để ngừa bệnh thủng tạng rỗng và các bệnh dạ dày khác, ai trong chúng ta cũng cần làm tốt các điều sau:
Nên thực hành các thói quen lành mạnh để bảo vệ dạ dày và cơ thể. Ảnh minh họa.
- Điều chỉnh chế độ sinh hoạt như tránh thức khuya, nên ăn đủ 3 bữa/ngày và ăn đúng giờ, không nên để quá đói hoặc ăn quá no.
- Cần học tập và lao động điều độ.
- Xây dựng chế độ ăn nghỉ khoa học, đúng giờ, hạn chế ăn muộn, thức đêm.
- Hạn chế uống bia rượu, hút thuốc lá, tránh để cơ thể bị nhiễm lạnh.
- Tránh ăn các thực phẩm không tốt cho dạ dày khi đói như: Cà chua, chanh, thơm (dứa), khoai lang, chuối…
- Thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện, điều trị các chứng bệnh liên quan đến viêm loét dạ dày tá tràng. Không nên tự ý sử dụng thuốc mà không có khuyến cáo của bác sĩ.
- Bổ sung thực phẩm giàu chất xơ như rau củ quả, lợi khuẩn probiotic, vitamin C, kẽm, selenium (selen) trong bữa ăn hàng ngày.
- Thường xuyên vận động, xây dựng lối sống lành mạnh, kiểm soát căng thẳng, giữ tâm trạng thoải mái, vui vẻ.
- Cần đến các cơ sở y tế khám khi có các dấu hiệu ợ chua, trào ngược dạ dày, đau bụng vùng thượng vị... càng sớm càng tốt để tránh các biến chứng xảy ra.
* Tên bệnh nhân trong bài đã được thay đổi.