Mới đây, một cô bé đã lập kỷ lục thế giới khi chào đời từ phôi thai hơn 27 năm tuổi. Cô bé Molly Gibson chỉ mới hơn 1 tháng tuổi nhưng thực chất phôi thai đã được giữ đông lạnh từ tháng 10/1992. Chị Tina và anh Ben Gibson ở Tennessee (Mỹ) đã nhận phôi của Molly hồi đầu năm nay và sinh bé vào tháng 10 vừa qua với cân nặng 3kg.
Cô bé Molly được thụ thai từ năm 1992 nhưng 2020 mới chào đời.
Đặc biệt, cặp vợ chồng này cũng từng sinh một bé gái hồi năm 2017 từ phôi đông lạnh 25 năm. Chị Tina chia sẻ: "Với Emma (con gái đầu lòng), chúng tôi đã rất vui khi có con. Và với Molly chúng tôi cũng như vậy. Thật là hạnh phúc khi gia đình chúng tôi tự phá vỡ kỷ lục của nhau và lập nên một kỷ lục mới".
Nguyên nhân vợ chồng Tina phải chuyển phôi đông lạnh là vì họ kết hôn cách đây 10 năm nhưng Benjamin mắc chứng xơ nang nên khả năng sinh sản bị ảnh hưởng, đồng nghĩa với việc hai vợ chồng không thể có con tự nhiên.
Rồi một ngày, cha của Tina nói với hai người rằng ông mới xem được một bản tin về việc nhận con nuôi từ trong phôi. "Từ ngày bắt đầu hẹn hò, tôi và Ben đã biết mình sẽ không bao giờ có thể sinh một đứa con. Chúng tôi chấp nhận điều đó, sống cùng với tình trạng này suốt nhiều năm liền. Vậy nhưng sau khi nghe bố nói, hai chúng tôi không thể ngừng nói, suy nghĩ và tưởng tượng về việc tôi sẽ mang thai và sinh một đứa con", Tina tâm sự.
3 năm trước, Tina mang bầu lần đầu cũng từ phôi thai đông lạnh.
Cô bé Emma chào đời từ phôi thai đông lạnh 25 năm đã bị chính em gái phá kỷ lục.
Sau đó, Tina và Ben dành 3 tháng để tìm hiểu về việc nhận phôi thai. Tháng 12/2016, Tina đã tiêm thuốc nội tiết. Và đến tháng 2/2017, họ bắt đầu thủ tục chọn phôi. Họ đã nhận được một bản danh sách với hàng chục phôi tiềm năng, trong đó liệt kê chi tiết về bố mẹ ruột của phôi thai, từ trọng lượng, chiều cao đến tuổi, màu da.
Sau nhiều vòng lựa chọn, họ chọn được Emma và mang thai cô bé. Tina sinh Emma ngày 25/11/2017. Rồi Molly cũng ra đời dưới sự giúp đỡ của Trung tâm Hiến tặng Phôi thai quốc gia Hoa Kỳ - một tổ chức phi lợi nhuận nơi lưu trữ phôi đông lạnh mà bệnh nhân thụ tinh trong ống nghiệm không còn sử dụng nữa. Những người hiếm muộn, vô sinh hoặc không muốn có con theo cách tự nhiên có thể sử dụng phôi đông lạnh này để chuyển vào tử cung của mình và mang thai.
Ban đầu, chị Tina lo lắng vì phôi của Molly đã bị đông lạnh quá lâu, trong khi tuổi của chị thì đã lớn. Song, tiến sĩ Jeffrey Keenan, chủ tịch đồng thời là giám đốc y tế của Trung tâm Hiến tặng Phôi thai quốc gia Hoa Kỳ, đảm bảo rằng tuổi tác không ảnh hưởng đến kết quả. Trong một thông cáo, ông đã cho biết cả Emma và Molly là bằng chứng cho thấy không nên loại bỏ phôi thai vì chúng đã "già".
Vợ chồng Tina rất vui mừng khi sinh hai con thành công.
Bà Carol Sommerfelt, giám đốc phòng thí nghiệm và nhà phôi học của trung tâm, cho biết: "Thông thường khoảng 75% phôi hiến tặng sống sót sau quá trình rã đông và chuyển phôi, nhưng chỉ có 25 - 30% tổng số phôi được cấy ghép thành công. Và sự ra đời của các bé gái nhà Gibson là một ví dụ tích cực để mọi người tin tưởng và sử dụng phôi đông lạnh".
Bà Sommerfelt cũng tiết lộ thêm là phôi của Molly không bị rã đông mà được chuyển thẳng vào tử cung của chị Tina vào tháng 2/2020. Vài tuần sau, chị Tina vui mừng thông báo chị đã có thai từ phôi đông lạnh thứ 2.
Phôi thai không có tuổi thọ và có thể tồn tại hàng thế kỷ Tiến sĩ Kutluk Oktay, chuyên gia về sinh sản tại bệnh viện NYU Winthrop, người tiên phong trong kỹ thuật đông lạnh buồng trứng cho biết theo lý thuyết, phôi có thể được trữ đông nhiều thế kỷ. "Nếu phôi được lưu giữ trong ni-tơ lỏng ở nhiệt độ thích hợp thì không hề có tuổi thọ. Từ trước đến nay chưa có trường hợp nào phôi lưu giữ lâu hơn 24 năm được giải đông và chuyển vào cơ thể người nên đến thời điểm này 24 năm sẽ được coi là thời gian lâu nhất phôi có thể sống sót", tiến sĩ cho biết. Tuy nhiên, trên thực tế, ngoài các trung tâm lưu trữ phôi hiến tặng thì ít có cặp vợ chồng nào lưu trữ phôi trong thời gian dài vì chi phí quá lớn. Phí lưu giữ phôi trong vòng 24 năm sẽ rơi vào khoảng 50.000 USD (khoảng 1,1 tỉ VNĐ) |