Tư vấn dinh dưỡng từ chuyên gia
Suy dinh dưỡng trẻ em ảnh hưởng đến phát triển thể lực, trí lực, sức khỏe và bệnh tật của trẻ trước mắt và lâu dài. Trẻ thấp còi có nguy cơ chiều cao thấp ở tuổi trưởng thành ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, năng suất lao động, giảm thu nhập và ảnh hưởng cả tầm vóc nòi giống dân tộc.
Tiến sĩ bác sĩ CKII, Nguyễn Thị Thu Hậu –Trưởng khoa dinh dưỡng – Bệnh viện Nhi Đồng 2. |
Tiến sĩ bác sĩ CKII, Nguyễn Thị Thu Hậu –Trưởng khoa dinh dưỡng – Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết, nếu bé đang gặp phải tình trạng bị suy dinh dưỡng, bé cần được hỗ trợ phục hồi dinh dưỡng sớm, vì bé đang trong thời kì phát triển. Trong giai đoạn này cần cung cấp đủ chất dinh dưỡng cần thiết, tránh cho bé ăn dặm quá sớm hay quá muộn cho trẻ ăn đủ bữa, từ 6 tháng cần cân đối đủ bốn nhóm thực phẩm: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin khoáng chất, duy trì cho bé bú sữa mẹ đến 2 tuổi hoặc lâu hơn.
Bên cạnh đó cần cho trẻ vận động thường xuyên để tăng cường sức đề kháng và thể trạng, cùng một số biện pháp khác các mẹ cần lưu ý như:
- Điều trị triệt để các bệnh lý nhiễm trùng hô hấp, tiêu chảy... không lạm dụng kháng sinh mà chỉ dùng kháng sinh theo chỉ dẫn của bác sĩ, đủ liều, đủ thời gian.
- Chăm sóc dinh dưỡng tích cực trong thời gian trẻ bệnh và phục hồi dinh dưỡng sau thời gian bệnh.
- Tiêm chủng đầy đủ đúng lịch.
- Xổ giun định kỳ mỗi 6 tháng cho trẻ trên 1 tuổi.
- Cho trẻ theo dõi tăng trưởng thường xuyên, khám bác sĩ sớm nếu bị ốm hoặc có dấu hiệu chậm tăng trưởng để được hỗ trợ kịp thời.
Dấu hiệu trẻ suy dinh dưỡng
Không phải trẻ nào bị suy dinh dưỡng cũng được mẹ và các thành viên khác trong gia đình chú ý tới vì thấy trẻ vẫn bình thường. Theo Tiến sĩ bác sĩ CKII, Nguyễn Thị Thu Hậu phụ huynh có con nhỏ cần sớm nhận biết và có biện pháp điều trị suy dinh dưỡng một cách hiệu quả.
Giai đoạn sớm: Trẻ có thể chậm tăng cân, đứng cân kéo dài hay sụt cân.
Giai đoạn toàn phát: Trẻ mệt mỏi, không hoạt bát, hay quấy khóc, chán ăn, ít ngủ, hay bệnh, chậm biết bò trườn, đi đứng, chậm mọc răng. Khi thăm khám thấy có thể biểu hiện của thể phù, thể teo đét hay hỗn hợp nếu suy dinh dưỡng nặng
Thể phù (Kwashiokor): Trẻ chỉ được nuôi bằng chất bột, thiếu tất cả những chất dinh dưỡng đa lượng có cung cấp năng lượng và các chất dinh dưỡng vi lượng khác. Gan sẽ tăng hoạt động tân tạo chất béo trong một điều kiện thiếu hụt các chất hỗ trợ cho hoạt động chuyển hóa, kết quả là các cơ quan trong cơ thể dần dần trở nên suy kiệt, tế bào bị thoái hóa… Các triệu chứng lâm sàng thường gặp nhất là:
Phù trắng, mềm toàn thân: Do giảm đạm máu, giảm albumin trong máu làm giảm áp lực keo nên tăng thoát nước ra khoảng gian bào.
Với những trẻ suy dinh dưỡng giai đoạn sớm thường có dấu hiệu chậm tăng cân, đứng cân kéo dài hay sụt cân. Ảnh minh họa
Rối loạn sắc tố da.
Thiếu máu: Da xanh, niêm nhạt, suy thoái ở da, lông, tóc, móng…
Còi xương, biểu hiện thiếu vitamin D, hạ canxi huyết.
Biểu hiện thiếu vitamin A: Còi cọc, khô giác mạc, quáng gà, hay bệnh…
Triệu chứng bệnh ở các cơ quan: Gan thoái hoá mỡ, suy tim, giảm tiêu hoá hấp thu.
Chậm phát triển tâm thần, vận động.
Thể teo đét (Maramus): Trẻ thiếu dinh dưỡng toàn bộ, vẻ ngoài giống như ông già, các bắp thịt teo đét toàn bộ, các triệu chứng thiếu hụt chất dinh dưỡng tương tự như trong thể phù nhưng tiên lượng thường tốt hơn do tổn thương các cơ quan nhẹ hơn : gan không thoái hoá mỡ, không bị đe doạ suy tim, niêm mạc ruột bị ảnh hưởng ít, mức độ thiếu các chất dinh dưỡng thường nhẹ hơn thể phù.
Thể hỗn hợp: thể phù sau khi điều trị phục hồi một phần, hết phù trở thành teo đét nhưng gan vẫn thoái hoá mỡ.
Nước ta vẫn đang phải đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng, thấp còi cao hơn trung bình so với thế giới. Ảnh minh hoạ.
Tình trạng trẻ suy dinh dưỡng ở Việt Nam
Suy dinh dưỡng protein năng lượng và thiếu vi chất dinh dưỡng là những nguyên nhân chính dẫn tới chiều cao thấp ở thanh niên Việt Nam. Nước ta vẫn đang phải đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng, thấp còi cao hơn trung bình so với thế giới. Cần có chiến lược cải thiện tình trạng này để nâng cao tầm vóc, trí tuệ của trẻ em
Thống kê của Viện Dinh dưỡng, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể về cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho người dân như tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) trẻ em đã giảm nhanh và bền vững (SDD thể nhẹ cân giảm từ 30,1% năm 2000 xuống còn 14,1% năm 2015 và năm 2018 tỷ lệ SDD nhẹ cân ở trẻ dưới 5 tuổi là 12,8%).
Tuy vậy, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với những thách thức như mặc dù tỷ lệ SDD thấp còi (chiều cao theo tuổi thấp) ở trẻ em dưới 5 tuổi mỗi năm giảm 1%, nhưng vẫn còn ở mức cao (23,2% năm 2018) và có sự chênh lệch giữa các vùng nhất là vùng núi, vùng khó khăn và nông thôn với thành phố, đồng bằng.
Tỷ lệ này ở miền núi phía Bắc là 28,4% và Tây Nguyên là 32,7%.