Chị Lê Nguyễn Chúc Xuân (42 tuổi) đang có tổ ấm nhỏ hạnh phúc bên ông xã Robert Reginald Batten (57 tuổi, quốc tịch Úc) cùng con gái Julia Jean Batten Le Nguyen và con trai Ben Le Nguyen Batten ở Úc. Để có được 2 nhóc tì nhí đáng yêu này, vợ chồng chị trải qua rất nhiều khó khăn vất vả, không biết bao nhiêu lần thất bại trên hành trình tìm con của mình.
Tổ ấm nhỏ của chị Xuân.
4 lần IVF mới thành công
Chị Xuân và anh Robert quen nhau qua một trang web hẹn hò vào tháng 11/2011 và cả 2 trao đổi qua email với nhau sau đó. Khoảng hơn 1 năm sau, anh Robert mới quyết định qua thăm chị vào tháng 7/2012. Trước khi gặp mặt, anh đã mạnh dạn thổ lộ với chị rằng “anh mập lắm, xấu lắm sợ em chê anh”.
“Em cũng xấu lùn tủn” – chị Xuân nói.
Sau câu nói ấy của chị Xuân, hai anh chị quyết định đến với nhau bởi cả 2 đều không quan trọng về ngoại hình, điều quan trọng nhất là thương nhau thật lòng. “Mình dẫn anh đi Dinh Thống Nhất, địa đạo Củ Chi, du lịch Mêkông anh thích lắm. Anh còn rủ cả gia đình mình đi và lo hết chi phí. Anh qua chơi 10 ngày, trước ngày về anh cầu hôn mình và mình đồng ý”, chị Xuân kể.
Được biết, tháng 9/2012, anh chị làm đám hỏi và đến tháng 12/2012 anh chị tổ chức đám cưới. Chị Xuân thổ lộ, cả kiếp này chị nghĩ cũng không trả nợ được cho anh. Bởi lúc cả 2 lấy nhau, chị nói với anh rằng “ba mẹ em về hưu, em gái em bị bệnh từ nhỏ không làm gì chỉ ở nhà, anh hai thì có gia đình phải lo, lúc trước ở Việt Nam em làm thu ngân ở nhà hàng quận 7 lo cho gia đình hết” nên anh đã nói sẽ lo cho gia đình chị 20 triệu mỗi tháng và anh đã làm vậy cho đến năm 2017. Anh còn hỗ trợ gia đình chị xây nhà và phòng trọ, nhờ đó ba mẹ chị có thu nhập chị không còn phải lo nữa.
Không chỉ vậy, anh không cho chị đi làm phụ kinh tế mà một mình lo cho cả gia đình. Sau khi kết hôn anh chị rất mong có em bé nhưng chờ hoài chẳng thấy. Sau nhiều năm để tự nhiên mà con không tới, anh chị quyết định đi nhờ hỗ trợ sinh sản để có con.
“Năm 2016 đến năm 2018, vợ chồng mình làm IVF 4 lần mới thành công và có bé Julia năm nay được 3 tuổi và năm nay có thêm cu Ben được 2 tháng tuổi”, chị Xuân thổ lộ.
Anh chị làm IVF đến lần thứ 4 mới thành công.
Nói đến đây, chị Xuân bộc bạch, khoảng thời gian làm IVF liên tục thất bại, chị stress, khóc rất nhiều và muốn bỏ cuộc bởi mỗi lần hy vọng chị lại phải thất vọng khi nhận kết quả. Nhớ lại khoảng thời gian đó, chị sợ nhất 1 tháng tiêm thuốc kích trứng bởi chị rất đau và rất sợ tiêm nhưng vì nghĩ đến con nên chị cố gắng. Thời gian đầu anh sợ ống tiêm, sợ chị đau nên không dám chích mà chị phải tự làm hết. Cuối cùng, chị cũng lấy được 9 trứng và tinh trùng của anh tạo thành được 6 phôi. Tuy nhiên, hết lần này đến lần khác IVF đều thất bại. Mặc dù vậy nhưng chưa bao giờ anh chị nghĩ sẽ chia tay mà luôn động viên cùng nhau cố gắng. Đặc biệt anh luôn thương và quan tâm chị, làm chỗ dựa vững chắc cho chị.
Được biết, mỗi lần IVF chi phí hết 5300 đô-la Úc (khoảng 89 triệu). Tuy nhiên nhờ chính phủ Úc hỗ trợ mỗi lần 1700 đô-la Úc (khoảng 28 triệu) nên vợ chồng chị cũng đỡ chi phí được phần nào mà kiên trì trên hành trình tìm con. Và cuối cùng đến lần IVF thứ 4 vợ chồng chị đã thành công. Ngày nhận được tin vui con đến vợ chồng chị vỡ òa trong hạnh phúc, ôm nhau khóc vì cuối cùng cũng được làm cha mẹ.
Đi sinh đầu tư hơn trăm triệu
Vừa đón nhận tin vui con đến nhưng hành trình mang thai bé Julia của chị còn gặp muôn vàn khó khăn hơn. Chị như "ngồi trên đống lửa" vì sợ mất con. Đối với chị khi mang bầu qua được 9 tháng là hành trình hạnh phúc nhất chị đã trải qua.
Chị Xuân kể, mang bầu bé Julia mấy tháng đầu chị bị ốm nghén không ăn uống được gì, chỉ uống được sữa. Sau khi hết nghén chị ăn uống bình thường và rất khỏe có thể đi chơi được nhiều nơi nên tâm trạng chị thoải mái hơn.
Tuy nhiên đến tuần thứ 24, chị phát hiện bị tiểu đường thai kỳ. Sau khi dùng thuốc không cải thiện chỉ số đường huyết, chị được bác sĩ chỉ định dùng insulin mỗi tối cho đến tuần thứ 38, chị được chỉ định sinh mổ. Bé Julia chào đời nặng 2,850kg dài 48cm.
“Vợ chồng mình đã ôm nhau khóc khi chào đón con. Anh nói “em giỏi lắm bà xã ơi cuối cùng thì chúng ta cũng được làm cha mẹ, cảm ơn em rất nhiều vì mang nặng đẻ đau để chúng ta có được con yêu”, chị Xuân kể.
Bé Julia chào đời nặng 2,8kg.
3 năm sau, vợ chồng chị quyết định IVF lần nữa để có bé thứ 2. May mắn hơn lần đầu, lần này anh chị IVF chuyển phôi 1 lần là thành công. Mang bầu bé Ben cũng giống như Julia chị bắt đầu bị tiểu đường thai kỳ ở tuần thứ 28 và cũng phải dùng insulin đến lúc sinh. Nói đến đây, chị Xuân thổ lộ, mang bầu 2 lần chị đều nơm nớp lo sợ. Có những lúc không thấy con động đậy, 2 vợ chồng chị vội chạy ngay đi gặp bác sĩ để kiểm tra. Đặc biệt do bị tiểu đường thai kỳ nên càng về cuối thai kỳ chị càng lo sợ thai chết lưu vì không thể ổn định được đường huyết, hay mệt.
Bé Ben nhà chị chào đời bằng phương pháp sinh mổ ở tuần 38 nặng 3,6kg và dài 47cm. Lần đi sinh thứ 2 của chị vất vả hơn lần đầu vì chị bị trụy tim, tim ngừng đập tưởng không qua khỏi. Ông xã đã khóc rất nhiều vì sợ tình huống xấu xảy ra và may mắn chị đã vượt qua cửa tử để ở bên anh cùng 2 con.
Chia sẻ về dịch vụ sinh con ở Úc, chị Xuân cho biết, nếu sinh ở bệnh viện của chính phủ thì sẽ được miễn phí hết nhưng chị đăng ký sinh bác sĩ tư nên tốn khoảng 8000 đô-la Úc mỗi lần sinh (khoảng 133 triệu).
Bé Ben nhà chị nay được 2 tháng.
Sau sinh chị Xuân không kiêng khem gì. Hai vợ chồng chị cùng nhau chăm sóc các con. Dẫu mệt khi thức khuya cho con bú thời gian đầu nhưng chị luôn có ông xã hỗ trợ giúp đỡ mọi việc, anh làm tất cả những gì có thể. Chị Xuân bộc bạch, vợ chồng là duyên nợ và chị tin vợ chồng mình có duyên nên mới đến được với nhau. Nếu có kiếp sau chị vẫn mong được làm vợ anh Robert. Đối với chị, anh là người chồng, người cha rất tốt. Sáng dậy anh tự lo ăn sáng rồi đi làm, trưa về nhà tự làm đồ ăn và chị chỉ nấu một buổi tối cho anh nhưng anh không than vãn hay phàn nàn gì. Quần áo anh mặc cũng rất giản dị, vợ mua gì mặc đó, không hút thuốc, rượu bia. Thậm chí anh biết mình mập nên cố gắng giảm cân, thậm chí anh đi cắt 2/3 bao tử để có thể giảm cân, sống lâu lo cho vợ con. Chị hài lòng với tổ ấm nhỏ của mình.
"Kết hôn với người nước ngoài, trở ngại lớn nhất là bất đồng ngôn ngữ nhưng một khi đã thương yêu thật lòng thì không có gì là trở ngại, anh có thể hiểu ngôn ngữ của mình và mình hiểu anh chỉ cần qua ánh mắt. Anh thường nói anh thật may mắn khi gặp được mình và mình cũng hay nói em tu mấy kiếp mới gặp được anh vì không phải ai kết hôn với người ngoại quốc cũng có được hạnh phúc. Vợ chồng mình bên nhau 10 năm không quá dài nhưng cũng không quá ngắn và mình mong rằng lúc nào cũng hạnh phúc như hiện nay", chị Xuân mỉm cười.