Không người mẹ nào sinh con ra, lại không muốn mang đến cho con một cuộc đời đủ đầy nhất. Tuy nhiên, để làm được điều đó thì mẹ phải đánh đổi nhiều thứ, trong đó có cả thời gian dành cho con. Vì sự nghiệp, vì kiếm tiền mà mẹ miệt mài làm việc, dù vậy họ vẫn cố gắng để đứa trẻ của mình cảm nhận được sự quan tâm, chăm sóc của mẹ.
Mới đây, nữ ca sĩ Vbiz Pha Lê đã chia sẻ trên trang cá nhân câu chuyện về cuộc sống làm mẹ đơn thân nuôi con gái đầu lòng - bé Ốc khiến nhiều người hâm mộ xúc động. “Mẹ phải đi chợ đêm kiếm thêm xoài mà nó ôm chân nó giữ nó khóc ‘Mẹ ở nhà với con đi mẹ ơi, mẹ đừng bán hàng nữa, con không cần mua đồ chơi’. Ai dạy không biết nữa, xót hết cả ruột, đi chợ thôi mà như chia tay ly biệt má ơi… Mẹ sớm giàu thôi, chịu khó thời gian này mẹ bận sáng đêm nha Ốc... sớm thôi” - Pha Lê viết.
Bên dưới dòng tâm sự, nữ ca sĩ đăng tải tấm hình bé Ốc mếu máo khóc khiến ai nhìn cũng thấy thương. Dù chỉ mới 4 tuổi nhưng cô nhóc đã tình cảm và hiểu chuyện đến thế. Nhiều mẹ bỉm để lại bình luận dành lời khen cho ái nữ nhà Pha Lê. Trước đây, Pha Lê cũng từng trải lòng về cuộc sống làm mẹ đơn thân, vì bận bịu công việc mà thời gian dành cho con gái hạn hẹp hơn. Cô cảm thấy có lỗi với con, nhưng cũng không thể làm gì khác ngoài việc cố gắng bù đắp cho cái nữ những khi rảnh rỗi.
Làm mẹ đơn thân vất vả, phải một mình quán xuyến nhiều công việc, thêm vào đó được biết Pha Lê còn phải phụng dưỡng bố đã lớn tuổi. Vừa chăm con nhỏ, vừa chăm người già quả thực là một chuyện không dễ dàng với nữ ca sĩ. Những năm qua, Pha Lê không còn hoạt động showbiz nhiều mà tập trung kinh doanh, bán hàng trên các nền tảng để kiếm thêm thu nhập.
Về phần bé Ốc, dù còn nhỏ tuổi nhưng cô nhóc đã biết phụ mẹ, có lần Pha Lê chia sẻ hình ảnh con gái ngồi gói hàng với mẹ khiến nhiều người hâm mộ xuýt xoa. Điều này chứng minh, dẫu công việc bận rộn nhưng Pha Lê đã nuôi dạy con cái rất tốt.
Không riêng gì Pha Lê, mà hẳn nhiều bố mẹ khác cũng từng đối diện với tình huống tương tự như thế. Khi con quan sát thấy mẹ làm việc vất vả từ sáng đến tối, thường xuyên vắng nhà và ít dành thời gian cho mình, tâm lý chung của mọi đứa trẻ sẽ cảm thấy buồn và trống vắng. Thậm chí, một số trẻ sẽ có suy nghĩ vì mình mà bố mẹ mới phải vất vả như thế.
Tuy nhiên khi ở trong hoàn cảnh này, cách bố mẹ phản ứng cũng là một vấn đề vô cùng quan trọng, đòi hỏi bố mẹ phải thực sự khéo léo và tinh tế, nếu không sẽ rất dễ khiến cho con cái hiểu sai, thậm chí là bị tổn thương. Có 3 điều bố mẹ cần ghi nhớ:
- Giảm bớt lo lắng chia ly của con
Khi trẻ đề cập đến vấn đề công việc của bố mẹ, điều con thực sự muốn truyền tải thực ra là cảm xúc miễn cưỡng, không muốn xa bố mẹ. Điều đầu tiên bố mẹ phải làm là đáp lại cảm xúc của trẻ.
"Mẹ biết con không muốn xa mẹ, mẹ cũng rất muốn ở cạnh con. Khi mẹ đi làm, mẹ sẽ rất nhớ con", khi cảm xúc của bản thân con được chấp nhận và đáp lại, sự lo lắng của trẻ sẽ giảm đi rất nhiều.
Nếu trẻ vẫn còn chần chừ, hãy nói rõ với trẻ khi nào mẹ sẽ về: “Mẹ xong việc thì sẽ về ngay với con nhé”. Bằng cách này, đứa trẻ sẽ biết rằng mặc dù mẹ đã đi làm nhưng mẹ sẽ sớm trở lại.
- Nói chuyện với con về tiền bạc
Kiếm tiền là một trong những ý nghĩa quan trọng nhất trong công việc của người mẹ, bởi vì nhiều thứ trong cuộc sống cần phải mua bằng tiền, chẳng hạn như đồ chơi của con, bữa ăn của con, quần áo của con mặc và cuốn sách, truyện mà mẹ đọc cho con nghe mỗi đêm. Những thứ này chỉ có thể mua được bằng tiền. Nếu chúng ta muốn có tiền, chúng ta cần phải lao động.
Trong quá trình giải thích, đừng truyền cho trẻ những cảm xúc như: "Dù mẹ không muốn đi làm, nhưng mẹ vẫn phải làm". Những cảm xúc tiêu cực này sẽ khiến trẻ cảm thấy lao động là một việc vô cùng đau khổ, khi thực sự đặt chân vào xã hội và tham gia vào công việc, tâm lý này sẽ khiến trẻ thiếu nhiệt tình với công việc và khó thành công trong tương lai.
- Dạy trẻ biết: lao động là điều có giá trị và ý nghĩa
Công việc nào cũng vậy, ngoài việc có thể kiếm ra tiền còn có nhiều giá trị và ý nghĩa hơn, hãy chia sẻ với con những gì mình thu được từ công việc, con sẽ hiểu rõ rằng, làm việc không chỉ để kiếm tiền mà còn để nhận ra giá trị của bản thân, khẳng định vị trí và năng lực của chính mình trong xã hội.