Từ khi mang thai đến sinh con là cả một quá trình đầy gian nan và rủi ro. Mới đây, một bác sĩ gây mê ở thành phố Hoa Liên, Đài Loan, đã chia sẻ một trường hợp mà ông gặp phải trong quá trình làm việc tại bệnh viện.
Chia sẻ trên trang Facebook cá nhân vào ngày 20/10, vị bác sĩ này cho biết, khi ông vừa đi ngang qua thang máy dành cho bệnh nhân cấp cứu, cửa thang máy liền mở ra kèm theo tiếng hét khẩn trương của nhân viên y tế: “Bệnh nhân đến rồi”.
Theo bản năng, ông biết rằng có tình huống nguy cấp đang xảy ra và ông cũng vội chạy theo chiếc giường bệnh đang di chuyển. Trên giường bệnh là một thai phụ, phần thân dưới của cô được che chắn bởi một chiếc chăn bông và cô không ngừng vặn vẹo, rên rỉ, máu không ngừng tuôn ra từ dưới hạ vị.
Sản phụ nhập viện trong tình trạng xuất huyết nghiêm trọng.
Hóa ra, người phụ nữ đó đang mang thai ở tuần 31 và đang bị xuất huyết do nhau tiền đạo, tim thai đập chậm, tình trạng của hai mẹ con đang “ngàn cân treo sợi tóc”. “Ở một bệnh viện vùng quê như chúng tôi, tình trạng xuất huyết nghiêm trọng như vậy rất hiếm gặp”, bác sĩ gây mê nói.
Sản phụ nhanh chóng được đưa vào phòng mổ. Khoảng 20-30 nhân viên y tế gồm bác sĩ trưởng khoa, bác sĩ nội trú, bác sĩ sản, nhi, điều dưỡng,…đều vào cuộc để cứu sinh mạng của 2 mẹ con.
Khoảng 20-30 bác sĩ đã được huy động vào phòng mổ.
Từ cách dùng thuốc, đặt nội khí quản, đặt ống thông động mạch, đến sát trùng, dao mổ,…mỗi người đều phải chịu trách nhiệm về lĩnh vực chuyên môn của mình. Cuối cùng, với sự nỗ lực của các y bác sĩ từ các khoa khác nhau, đứa trẻ chào đời an toàn. Tuy nhiên, do sinh non nên toàn thân đứa bé bị tím tái.
“Trước đây, những đứa trẻ như thế này có tỷ lệ sống sót rất thấp. Ngày nay, công nghệ khoa học tiến bộ hơn nên đứa trẻ mới có cơ hội được sống. Khi đứa trẻ cất tiếng khóc đầu tiên, chúng tôi đều thở phào nhẹ nhõm, xúc động muốn rơi nước mắt”, vị bác sĩ chia sẻ.
Đứa trẻ cuối cùng cũng chào đời an toàn.
Bác sĩ gây mê này cũng không quên nhắn nhủ tới sinh linh bé bỏng vừa chào đời: “Con còn một chặng đường rất dài cần phải đi, sự khắc nghiệt của cuộc sống đôi khi vượt quá sức tượng tưởng của con người. Con phải sống thật khỏe mạnh, trưởng thành thật tốt, đừng để những người cứu sống con ngày hôm nay phải thất vọng”.
Dưới bài chia sẻ của bác sĩ, bố của đứa bé cũng một lần nữa gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất tới các y bác sĩ đã cứu vợ con anh, đồng thời nói rằng đứa bé chắc chắn sẽ lớn lên khỏe mạnh.
Nhau tiền đạo và những biến chứng nguy hiểm trong thai kỳ
Nhau tiền đạo là tình trạng nhau không bám hoàn toàn ở mặt trước và sau đáy tử cung như bình thường mà nhau thai sẽ nằm chặn ngay cổ tử cung người mẹ, làm cản đường ra của em bé. Triệu chứng rõ nhất của nhau tiền đạo là xuất huyết âm đạo trong thai kỳ, thường trong 3 tháng cuối của thai kỳ.
Việc xuất huyết âm đạo thường xảy ra đột ngột, không kèm theo đau bụng, máu chảy ra có màu đỏ tươi. Trong lần đầu, lượng máu thường ít và ngưng tự nhiên, nhưng sau đó lại tái phát nhiều lần và ngày càng mất máu nhiều hơn.
Tình trạng nhau tiền đạo kéo dài không chỉ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho mẹ mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới thai nhi. Cụ thể:
Với người mẹ:
- Thai phụ bị mất nhiều máu gây choáng, có thể đe dọa đến tính mạng của mẹ
- Tăng nguy cơ nhiễm trùng, rối loạn đông máu.- Phẫu thuật cắt bỏ tử cung trong trường hợp nhau thai không tách ra khỏi lớp niêm mạc tử cung, gây tổn thương hệ niệu.- Sinh mổ lấy thai là lựa chọn duy nhất.
Với thai nhi:
- Ngôi thai bất thường như ngôi mông hoặc ngôi nằm ngang.
- Thai nhi bị suy sinh dưỡng, suy thai.
- Sinh non, tử vong.
Thông thường, vào 3 tháng giữa thai kỳ, mẹ bầu có thể biết được mình có mắc bệnh nhau teièn đạo hay không thông qua siêu âm. Nếu mắc bệnh nhau tiền đạo, thai phụ cần nằm nghỉ ngơi, hạn chế đi lại, tránh quan hệ tình dục hay có bất kỳ tác động gây tổn thương nào ở cổ tử cung hoặc co thắt tử cung như thăm khám âm đạo, kích thích đầu ti …Thai phụ cần được theo dõi sức khỏe chặt chẽ và nhập viện sớm trước khi có dấu hiệu chuyển dạ.