Tôi năm nay 30 tuổi, lấy chồng đã được 7 năm và có 2 con. Tuy gia đình không khá giỏi, nhưng tôi hài lòng với cuộc sống cùng tổ ấm nhỏ hiện tại của mình.
Từ khi sinh con thứ 2, gánh nặng kinh tế thêm nhiều mà tôi thì vẫn một nách 2 con mọn nên chưa quay trở lại với công việc. Một mình chồng tôi gồng gánh nuôi gia đình 4 miệng ăn. Hơn một năm nay, chồng tôi đi làm xa nhà, dịp Tết vừa rồi anh cũng không về mà làm thêm tăng ca để tích góp tiền gửi về mua sữa bỉm cho các con.
Ảnh minh hoạ
Nghĩ đến chồng cày cuốc vất vả, tôi thương anh lắm. Thế nên dù ở nhà có chịu đủ bao nhọc nhằn, vất vả khi phải một mình chăm sóc 2 con nhỏ thì tôi vẫn không bao giờ than vãn một lời. Cũng đã từ rất lâu rồi, tôi không sắm sửa gì cho bản thân, thậm chí những ngày lễ dành cho phái nữ, vì để tiết kiệm tiền cho chồng tôi vẫn nhất quyết dặn anh đừng mua gì tặng cho vợ cả.
Vậy mà 8/3 này chồng bỗng đột ngột trở về nhà rồi đưa tôi một số tiền mấy chục triệu, kèm với đó là lời đề nghị ly hôn khiến tôi bàng hoàng. Lúc nói ra điều này, chồng đã bật khóc và liên tục xin lỗi tôi.
Lý do anh đề nghị ly hôn là vì muốn để tôi tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn, ở bên anh tôi cực khổ và thiệt thòi nhiều. Anh nói đi làm ở xa ngày nào anh cũng theo dõi camera ở nhà, những cảnh tôi vật vờ thức trắng đêm, đau ốm bệnh liệt giường vẫn chăm 2 con khiến anh cảm thấy rất đau lòng. Anh bảo anh hiểu tất cả những sự hy sinh và thiệt thòi mà tôi đã mang, chắc chắn những lúc thế này thì sự đồng hành của chồng là quan trọng.
Ảnh minh hoạ
Thế nhưng anh lại luôn vắng mặt, vậy nên anh cho rằng bản thân mình không xứng đáng làm một người chồng, người bố. Anh còn hứa ly hôn thì vẫn sẽ chu cấp cho các con đầy đủ. Nghe những lời này từ chồng, tôi đau đớn thấu tận tâm can. Tôi thương anh 1 thì thương các con đến 10. Quả thực hành trình trưởng thành của các con, nếu chỉ có mẹ mà không có bố hiện diện thì sẽ là một khiếm khuyết lớn khó có thể lấp đầy.
Dẫu biết là vậy, nhưng chuyện này không ai mong muốn, tất cả cũng là vì hoàn cảnh cuộc sống và chồng tôi không có lỗi gì cả. Có lẽ, vợ chồng tôi cần ngồi lại để tìm cách khắc phục, làm thế nào để trong tương lai các con được cả bố và mẹ nuôi dạy mỗi ngày. Tiền kiếm ít cũng được, chỉ cần gia đình luôn bên nhau…
Tâm sự từ độc giả hoaithu…@gmail.com
Nhiều nghiên cứu tâm lý đã chỉ ra rằng, khi người bố không dành thời gian để ở bên con và tham gia vào quá trình nuôi dạy con, có thể dẫn đến những kết quả không tích cực, không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển và trưởng thành của trẻ mà còn tác động mạnh mẽ đến mối quan hệ gia đình.
Thứ nhất, sự vắng mặt của người bố sẽ khiến gia đình thiếu đi sự gắn kết, từ đó có thể làm suy yếu mối quan hệ gia đình. Con cái sẽ cảm thấy cô đơn và thiếu sự ủng hộ tinh thần từ phía người bố. Gia đình cũng có thể không có nhiều cơ hội để tạo ra những kỷ niệm và kết nối sâu sắc với nhau, khi người bố không tham gia đầy đủ vào cuộc sống hàng ngày.
Thứ hai, con có thể thiếu sự hướng dẫn và làm gương từ bố. Người bố đóng vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn, truyền đạt giá trị, tính kỷ luật và sự mẫu mực cho con. Khi người bố đi xa hoặc không dành nhiều thời gian ở bên cạnh, trẻ sẽ khuyết đi những quyền lợi mà lẽ ra con cần được có như bao đứa trẻ khác. Điều này có thể ảnh hưởng đến quá trình hình thành nhân cách và phát triển tâm sinh lý của con.
Thứ ba, sự vắng mặt của người bố có thể ảnh hưởng đến việc phát triển tâm lý và xã hội của con. Sự hiện diện và tương tác của người bố thường xuyên có vai trò quan trọng trong việc phát triển các kỹ năng xã hội và xây dựng lòng tự tin của con. Tuy nhiên nếu trẻ không có sự đồng hành của bố, trẻ sẽ dễ gặp khó khăn để xây dựng mối quan hệ tốt với người khác, và thể hiện bản thân một cách tự tin.
Thứ tư, thiếu mô hình vai trò tích cực cũng là một hệ quả tiềm tàng. Người bố thường là một mô hình vai trò quan trọng cho con. Khi người bố không tham gia đầy đủ vào quá trình nuôi dạy, con có thể thiếu đi một mô hình tích cực để học hỏi và noi gương. Điều này sẽ ảnh hưởng đến quá trình hình thành giá trị và định hướng của con trong cuộc sống.
Cuối cùng, thiếu sự tham gia của người bố có thể tạo ra tác động lâu dài đến quá trình phát triển và trưởng thành của con. Những thiếu sót trong quá trình nuôi dạy và hỗ trợ đôi khi sẽ gây ra khó khăn cho cuộc sống của trẻ trong tương lai.
Tóm lại, sự vắng mặt của người bố trong quá trình nuôi dạy con cái có thể mang đến những hệ quả không mong muốn. Tuy nhiên, mỗi gia đình và hoàn cảnh là khác nhau, có thể có những người khác trong gia đình có thể đảm nhận thay vai trò của người bố để bù đắp cho trẻ. Điều quan trọng nhất là gia đình cần tạo ra một môi trường ủng hộ và yêu thương để con trẻ có thể tự tin phát triển tốt về sau.