Đây là một thống kê đáng giật mình: Ở Mỹ, từ giữa những năm 1800 đến những năm 1960, độ tuổi trung bình cho lần hành kinh đầu tiên của một cô gái giảm nhanh chóng và đều đặn - trung bình bốn tháng mỗi thập kỷ. Điều này áp dụng cho mọi nhóm xã hội, kinh tế, chủng tộc và dân tộc.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, tình trạng trẻ dậy thì sớm tăng 35 lần so với 10 năm trước, trong đó trẻ em gái đang có xu hướng dậy thì sớm hơn từ 2 - 3 tuổi còn trẻ em trai thường dậy thì sớm hơn 1 - 2 tuổi.
Tại Việt Nam, theo tài liệu của Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), hiện nay, tuổi dậy thì của trẻ em Việt Nam không còn "nữ thập tam, nam thập lục" như trước mà hạ xuống: nữ 11, nam 14; cá biệt có trẻ dậy thì sớm hơn nữa: nam 11, 12 tuổi, nữ 9-10 tuổi.
Hiện tượng trẻ dậy thì sớm ngày càng phổ biến. (Ảnh minh họa)
Chuyện gì đang xảy ra vậy? Và những nguy hiểm của trẻ dậy thì sớm là gì? Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, tuổi dậy thì thường bắt đầu vào cuối những năm tuổi thiếu niên đối với hầu hết trẻ em cho đến thế kỷ 19. Ngày nay, độ tuổi trung bình là 8 đến 13 đối với nữ và 9 đến 14 đối với nam. Không ai thực sự biết tại sao lại như vậy, nhưng chắc chắn không phải do thiếu các nghiên cứu. Hàng trăm lý thuyết đã được đề xuất trong nhiều năm liên quan đến các yếu tố dinh dưỡng, tâm lý và môi trường, nhưng không có kết luận nào khẳng định.
Chúng ta có thể chưa biết chắc chắn điều gì gây ra dậy thì sớm, nhưng chúng ta biết đôi điều về các tác động từ tình trạng này. Khi tuổi dậy thì bắt đầu đặc biệt sớm - trước 7 hoặc 8 tuổi đối với bé gái hoặc 9 tuổi đối với bé trai - thì được gọi là dậy thì sớm và có thể gây ra đủ loại vấn đề:
Dậy thì sớm có thể khiến trẻ thấp hơn
Các nghiên cứu cho thấy, khi trẻ em bắt đầu tăng trưởng sớm do dậy thì trước tuổi, các mảng tăng trưởng của xương không hoạt động bình thường trong các giai đoạn phát triển sau này, dẫn đến tầm vóc thấp hơn khi trưởng thành. Dậy thì sớm cũng có liên quan đến bệnh tiểu đường tuýp 2, bệnh hen suyễn khởi phát ở người lớn và thậm chí là ung thư vú.
Đáng lo ngại hơn là yếu tố tâm lý.
Dậy thì sớm khiến trẻ có nguy cơ cao bị căng thẳng, trầm cảm và một số vấn đề liên quan. Các nghiên cứu cho thấy dậy thì sớm có thể khiến trẻ em có hoạt động tình dục ở độ tuổi nhỏ hơn và dẫn đến rối loạn ăn uống hoặc các vấn đề nghiện ngập. Điều này có một ý nghĩa đáng buồn: Dậy thì sớm đẩy cơ thể vào giai đoạn trưởng thành về thể chất trước khi bộ não sẵn sàng xử lý. Khi tuổi dậy thì tiếp tục bắt đầu sớm hơn, các nhà tâm lý học khuyên cha mẹ nên lưu tâm đến những vấn đề này và luôn cởi mở trong giao tiếp.
Bèo phì là một trong những nguyên nhân dễ dẫn tới tình trạng dậy thì sớm. (Ảnh minh họa)
Phụ huynh cần quan tâm sát sao để nhận ra các dấu hiệu trẻ dậy thì sớm như: Ở bé gái: ngực phát triển; mọc lông ở vùng kín, nách; tiết dịch âm đạo; có kinh nguyệt; nổi mụn trứng cá. Ở bé trai: mọc lông vùng kín, nách, ria mép; phát triển cơ quan sinh dục (bìu lớn dần, màu đậm hơn, có thể xuất tinh); giọng nói trở nên ồm ồm; cổ nổi yết hầu; nổi mụn trứng cá.
Nếu nghi ngờ trẻ dậy thì sớm, cần đến bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Những tiến bộ của y học điều trị dậy thì sớm khả quan. Thường nhân viên y tế sẽ tiêm thuốc ức chế trục đồi tuyến yên để ngừng những dấu hiệu phát triển dậy thì sớm của trẻ. Loại thuốc này cần được bác sĩ chỉ định và hướng dẫn sử dụng, phụ huynh không tự ý đưa con đi tiêm hay cho con dùng. Theo các chuyên gia, với trẻ nhỏ, ăn uống điều độ, tập luyện thể thao và sử dụng thực phẩm rõ nguồn gốc là điều quan trọng hơn cả.
Đặc biệt, cha mẹ cần thường xuyên tâm sự, chia sẻ với trẻ những cảm giác lo lắng nhằm giải tỏa gánh nặng về tâm lý, tránh nảy sinh những hậu quả nghiêm trọng.