Bé 5 tuổi càng lớn càng không giống ai, xét nghiệm ADN thì mới biết bị trao nhầm con
Câu chuyện này xảy ra ở một gia đình Trung Quốc vào tháng 7/2009. Khi thấy cậu con trai 5 tuổi càng lớn càng không có nét giống ai trong nhà, người chồng tên Bạch Thực Vỹ đã cãi nhau một trận "long trời lở đất" với vợ vì nghi ngờ cậu con trai 5 tuổi Tiểu Phàm không phải con đẻ.
Khi đưa con đi xét nghiệm ADN thì nhận được kết quả anh và con không có quan hệ huyết thống. Điều này khiến anh Bạch suy sụp hoàn toàn và về nhà đòi ly hôn vợ. Trong khi đó vợ anh liên tục thanh minh và thề độc rằng bản thân không làm chuyện gì có lỗi với chồng. Thậm chí mẹ anh còn bảo, năm xưa khi đưa con cho y tá mang đi tắm, lúc y tá đưa đứa trẻ quay lại thì mẹ anh nhận ra đứa trẻ có chút khác lạ. Chính vì chi tiết này nên gia đình anh Bạch cho rằng đứa bé đã bị đưa nhầm.
Cậu con trai 5 tuổi càng lớn càng không có nét giống ai trong nhà nên ông bố này đã đưa con đi xét nghiệm ADN (Ảnh minh họa)
Cuối cùng, sau khi bình tĩnh lại, vợ chồng anh đã quay lại bệnh viện 5 năm trước và tìm lại thông tin bác sĩ, y tá phụ trách ca đỡ đẻ năm đó của vợ anh. Cũng tại đây, gia đình anh Bạch biết được cùng ngày vợ anh hạ sinh có 12 đứa trẻ cùng ra đời. Nhờ nỗ lực xin thông tin các sản phụ và tới từng nhà để tìm kiếm đứa con thất lạc của mình, cuối cùng anh Bạch cũng tìm tới được nhà của anh Hoàng và nhận ra bé trai 5 tuổi có tên Hoàng Tiểu Huy có ngoại hình giống mình.
Cả hai gia đình đã cùng đưa 2 đứa trẻ đi xét nghiệm. Đúng như những gì dự đoán từ trước, 2 đứa trẻ bị y tá trao nhầm, Tiểu Huy chính là con của anh Bạch và ngược lại. Hiện 2 gia đình đã bàn bạc đón con mình về đúng nhà. Tuy nhiên vì có sự bất đồng về cách giáo dục nên tính cách 2 đứa trẻ dần bị ảnh hưởng và thay đổi theo chiều hướng không được tốt. Tiểu Phàm từ đứa trẻ hoạt bát dần trở nên ít nói, Tiểu Huy từ đứa trẻ hòa nhã trở nên nóng tính hơn.
Nhờ nỗ lực xin thông tin các sản phụ và tới từng nhà để tìm kiếm đứa con thất lạc của mình, cuối cùng gia đình này cũng tìm ra đứa con năm xưa bị trao nhầm (Ảnh minh họa)
Để tránh trao nhầm con sau sinh, sản phụ phải chú ý các “mốc đánh dấu” con
Từ những vụ việc trao nhầm con, nhiều bà bầu sắp làm mẹ tỏ ra rất lo lắng. Bởi mỗi ngày tại các bệnh viện lớn sẽ có hàng trăm bé sơ sinh được sinh ra. Vậy làm thế nào để theo sát được con mình và tránh tuyệt đối tình trạng bị y tá trao nhầm con?
Theo bác sĩ chuyên khoa sản cho biết, đứa trẻ sơ sinh nào sinh ra cũng được bệnh viện đánh dấu để tránh nhầm lẫn. Đây là điều bắt buộc mà cơ sở y tế nào cũng phải làm.
Cụ thể, mỗi em bé ra đời đều mang trên mình 2-3 "mốc đánh dấu" rất rõ ràng của bệnh viện. Thậm chí nhiều năm trước, khi ngành y tế chưa áp dụng quy trình "da kề da" (đặt em bé da kề da trên ngực mẹ ngay sau sinh, trừ trường hợp mẹ bị gây mê), mỗi trẻ có tới 3 mốc đánh dấu.
Đầu tiên khi vừa ra khỏi cơ thể mẹ, em bé được lau và dán ngay tại chỗ một miếng băng keo ghi thông tin. Đến khi chuyển ra phòng hồi sức sơ sinh để kiểm tra trước khi về lại với mẹ, bé tiếp tục được viết thông tin trực tiếp lên đùi, bằng mực vô trùng. Thông tin này bao gồm tên tuổi mẹ, số hồ sơ nhập viện.
Bên cạnh đó, các bé sẽ được đeo một vòng tay hoặc vòng chân: con trai màu xanh, con gái màu đỏ, trên lắc này cũng ghi thông tin của bé. Sau các công đoạn này, em bé đều được đưa cho mẹ kiểm tra.
Đầu tiên khi vừa ra khỏi cơ thể mẹ, em bé được lau và dán ngay tại chỗ một miếng băng keo ghi thông tin (Ảnh minh họa)
Hiện nay, vì áp dụng da kề da, bé vừa ra đời đã được bỏ ngay lên ngực mẹ nên việc dán băng keo ban đầu có thể bỏ. Nhưng bé vẫn được viết thông tin lên đùi tại chỗ sau khi da kề da và đeo lắc tay suốt thời gian nằm viện. Do đó, khả năng nhầm lẫn sẽ không còn nữa.
Chưa kể, loại mực ghi thông tin lên đùi bé hoàn toàn an toàn với trẻ sơ sinh và rất lâu phai. Nếu có tắm thường xuyên thì ít nhất vài ngày mực mới phai. Khi bé đến với mẹ về nhà thì thông tin vẫn còn in rõ trên đùi. Loại vòng tay, chân các bé đeo cũng rất chắc chắn và không sợ rơi ra.
Chính bởi thế, những bác sĩ sản khoa cũng khuyên các sản phụ khi được nhân viên y tế đưa con cho mình thì bắt buộc phải kiểm tra, chú ý các chi tiết này. Đặc biệt phải báo ngay nếu có bất thường.