Tại sao mật ong có thể cứu sống trẻ nếu nuốt phải pin cúc áo? Đoạn video của nhân viên y tế tiết lộ sự thật

Một nhân viên y tế đã tiết lộ mật ong có thể giúp cứu sống một đứa trẻ như thế nào nếu chúng không may nuốt phải pin cúc áo.

Trẻ nhỏ bản tính tò mò, hiếu động lại chưa có nhận thức rõ về sự an toàn với mọi thứ xung quanh nên đôi khi khó tránh khỏi việc vô tình đưa bản thân vào những tình huống nguy hiểm. Chẳng hạn như nhiều trẻ nhỏ có sở thích cho các đồ vật vào trong miệng và đôi khi vì vô tình hoặc cố ý mà nuốt chúng. Một số đồ vật mà trẻ nhỏ dễ nuốt phải là những vật tròn nhỏ và trơn, pin cúc áo chính là một trong những dị vật mà trẻ dễ nuốt phải và cũng đặc biệt gây nguy hiểm.

Vậy nếu trẻ không may nuốt phải pin cúc áo, cha mẹ nên xử lý như thế nào, liệu có cách nào để làm giảm thiểu thiệt hại?

Video cho thấy sự khác biệt khi có và không sử dụng mật ong khi không may nuốt phải pin cúc áo. 

Nikki Jurcutz, nhân viên y tế người Australia, một bà mẹ và là Giám đốc điều hành của tổ chức nuôi dạy con cái Tiny Hearts Education cho biết các bậc phụ huynh có thể sử dụng mật ong để giảm tác động của pin cúc áo với thực quản của trẻ. Cô đã chia sẻ điều này trong một video đăng tải trên Instagram cá nhân giải thích tại sao mật ong lại có tác dụng. 

"Mỗi ngày, có ít nhất một trẻ em ở Australia nhập viện vì nuốt phải một trong số những thứ này", cô viết kèm theo đoạn video ngắn. "Hãy nhìn vào sự khác biệt mà mật ong có thể tạo ra. Ở Mỹ có hướng dẫn là cứ 10 phút cho trẻ trên 1 tuổi dùng 10ml mật ong (nếu trẻ nuốt phải pin cúc áo)". 

Tại sao mật ong có thể cứu sống trẻ nếu nuốt phải pin cúc áo? Đoạn video của nhân viên y tế tiết lộ sự thật - 1

Nữ nhân viên y tế đã tiết lộ mật ong có thể giúp cứu sống một đứa trẻ như thế nào nếu chúng nuốt phải pin cúc áo.

Nikki cho biết các nghiên cứu đã chỉ ra rằng mật ong có thể tạo sự khác biệt đáng kể về mức độ thiệt hại mà pin cúc áo gây ra, nó có thể kéo dài thêm thời gian và giảm thiểu tác hại lâu dài trong lúc bạn đang chờ cấp cứu hoặc đang trên đường đưa con tới viện. 

Để minh họa cho quan điểm của mình, Nikki đã đăng tải đoạn video cho thấy pin cúc áo có thể đốt cháy thành một lỗ trên thực quản của trẻ như thế nào. Trong video cũng cho thấy tác động của mật ong đã làm giảm thiểu tác hại đốt cháy của pin cúc áo với miếng thịt (đại diện cho hình ảnh thực quản). 

Lý giải cho điều này, Nikki nói: "Do mật ong có tính axit nhẹ nên giúp trung hòa các mô xung quanh pin, ngăn chặn việc tạo ra hydroxit cục bộ do đó làm chậm quá trình bỏng kiềm sang mô lân cận, giúp tránh được việc gây tổn thương nhiều". Nữ nhân viên y tế khuyên nên cho trẻ uống 10ml mật ong (khoảng 2 thìa cà phê) cứ sau 10 phút với tối đa là 6 lần uống. 

Tuy nhiên, Nikki cũng lưu ý không cho trẻ dưới 12 tháng tuổi dùng mật ong. Và điều quan trọng hơn là cần đưa trẻ tới bệnh viện nhanh chóng vì mật ong làm chậm sự phát triển của vết thương do pin gây ra nhưng không loại bỏ được nó.

Tại sao mật ong có thể cứu sống trẻ nếu nuốt phải pin cúc áo? Đoạn video của nhân viên y tế tiết lộ sự thật - 3

Hình ảnh miếng thịt tượng trưng cho thực quản bị đốt cháy do pin cúc áo.

Trẻ nuốt phải pin cúc áo gây nguy hiểm thế nào?

Những viên pin cực nhỏ nhưng lại có thể gây bỏng, loét cổ họng của trẻ, làm tê liệt dây thanh âm hoặc rò khí quản… Trong những trường hợp nghiêm trọng, vết bỏng này có thể tiếp tục vào tĩnh mạch hoặc động mạch lớn, gây mất máu và tử vong. 

Điển hình như trường hợp xảy ra vào năm 2017, một bé gái 2 tuổi tên Francesca Asan đã nuốt phải pin cúc áo nhưng gia đình không hay biết. 7 ngày sau khi thấy con có dấu hiệu ốm, cha mẹ cô bé mới đứa con tới viện và biết nguyên nhân do pin cúc áo kẹt trong thực quản. Nó đã ăn mòn thực quản và gây chảy máu nghiêm trọng, các bác sĩ không thể cứu chữa và cô bé đã qua đời ngay sau đó.

Đây không phải trường hợp duy nhất trẻ nuốt phải pin cúc áo và gặp nguy hiểm, vì vậy việc phát hiện sớm để điều trị là rất quan trọng. Đặc biệt khâu sơ cứu cho trẻ cũng cần thiết để giảm thiểu rủi ro cho con. 

Vụ nhiều học sinh Hà Nội ngộ độc sau chuyến dã ngoại: Nguy cơ ngộ độc có thể đến từ nguồn nào?