Với trẻ nhỏ, việc xây dựng và bảo vệ hệ tiêu hóa là vô cùng quan trọng, không chỉ giúp cơ thể phát triển toàn diện, mà còn tăng sức đề kháng chống chọi lại với bệnh tật. Với tầm quan trọng đó, hệ tiêu hóa còn được coi là “bộ não” thứ hai của cơ thể và là “nhà máy” cung cấp năng lượng, dinh dưỡng để trẻ luôn khỏe mạnh theo từng giai đoạn.
Tuy nhiên, làm sao để xây dựng được hệ tiêu hóa của trẻ mạnh khỏe, có miễn dịch đường ruột tốt thì không phải ai cũng biết, nhất là giai đoạn những năm đầu đời. Đây là thời điểm hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện, nếu chăm sóc không đúng sẽ dẫn tới những hệ lụy với sức khỏe đường tiêu hóa, dễ gặp phải vấn đề như nôn trớ, táo bón, tiêu chảy, đầy bụng…
Để xây dựng được hệ tiêu hóa của trẻ khỏe mạnh, có miễn dịch đường ruột tốt, các mẹ cần lưu ý những điểm quan trọng sau:
Dinh dưỡng đầy đủ nhưng phải cân bằng
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế), trong 6 tháng đầu đời trẻ cần được nuôi dưỡng hoàn toàn bằng sữa mẹ, vừa cung cấp nguồn dinh dưỡng quý giá, vừa giúp trẻ nhận được kháng thể tốt nhất từ mẹ để có hệ tiêu hóa, miễn dịch đường ruột tốt nhất cho giai đoạn tiếp theo.
Cũng theo Viện Dinh dưỡng, giai đoạn trẻ ăn dặm, ngoài sữa mẹ trẻ cần được bổ sung dinh dưỡng từ thực phẩm, bởi lúc này nhu cầu dinh dưỡng của trẻ cần nhiều hơn, sữa mẹ không thể đáp ứng đủ. Quá trình bổ sung dinh dưỡng từ khi ăn dặm đến các giai đoạn tiếp theo, cần phải tuân theo nguyên tắc ăn đủ và cân bằng.
Việc trẻ ăn đủ và cân bằng các nhóm chất sẽ giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh hơn. Ảnh minh họa.
Theo đó, trẻ ăn đủ có nghĩa là ăn đủ nhu cầu cơ thể, các mẹ tuyệt đối không vì trẻ “háu ăn” mà cố nhồi nhét cho trẻ ăn nhiều, hay không nên bắt chước một số trào lưu nuôi con thuận tự nhiên, đó là “để trẻ đói, trẻ tự tìm ăn”. Điều này vô tình sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ, nhất là hệ tiêu hóa còn đang non yếu.
Nếu cho trẻ ăn quá nhiều, hệ tiêu hóa sẽ quá tải, dễ gây kích ứng và rối loạn với biểu hiện như khó tiêu, chướng bụng. Kể cả khi trẻ tiêu hóa được, cũng gây nên trường hợp thừa cân béo phì và nhu cầu ăn của trẻ càng tăng lên, sẽ càng khó “phanh lại”, điều này ảnh hưởng rất lớn đến các giai đoạn tiếp theo. Ngược lại, nếu cho trẻ ăn quá ít, hệ tiêu hóa cũng bị ảnh hưởng. Khi đó ngoài không cung cấp đủ nhu cầu dinh dưỡng, còn khiến cho miễn dịch đường ruột yếu đi, từ đó dễ suy giảm miễn dịch và mắc bệnh.
Ngoài ăn đủ, việc ăn đúng cũng rất quan trọng. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, ăn đúng cần thực hiện trước hết là đúng bữa, đúng giờ để đánh thức “đồng hồ sinh học” trong cơ thể, nhất là hệ tiêu hóa của trẻ hoạt động hiệu quả. Vấn đề thứ hai là cần ăn đa dạng và cân bằng các chất, dù ở giai đoạn ăn dặm hay ăn thô, trẻ cũng cần cung cấp đủ 4 nhóm nhất đó là đường bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.
Khi trẻ ăn cân bằng dinh dưỡng không chỉ giúp tiêu hóa tốt, mà còn tăng đề kháng chống lại bệnh tật. Ảnh minh họa.
Việc cho trẻ ăn đa dạng không chỉ cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể, mà còn giúp trẻ làm quen với nhiều loại thực phẩm, xây dựng được miễn dịch đường ruột để tiếp nhận mọi nhóm chất. Nếu ăn mất cân bằng, trẻ sẽ dễ bị táo bón, tiêu chảy, khó tiêu do miễn dịch đường ruột chưa quen với một loại hay một nhóm thực phẩm nào đó.
Xây dựng chế độ dinh dưỡng theo từng độ tuổi
Theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, muốn trẻ phát triển toàn diện nói chung và hệ tiêu hóa của trẻ phát triển khỏe mạnh, có miễn dịch đường ruột tốt thì cần phải có lộ trình xây dựng chế độ dinh dưỡng cho trẻ theo từng độ tuổi.
Theo đó, ở giai đoạn 6 tháng đầu đời trẻ cần được ăn hoàn toàn bằng sữa mẹ. Từ giai đoạn 6 tháng tuổi trở đi, trẻ bắt đầu ăn dặm vì thế cần phải có chế độ ăn phù hợp để cung cấp dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ.
- Độ tuổi 6 đến 12 tháng tuổi
Giai đoạn đầu của thời kỳ ăn dặm, cha mẹ có thể cho trẻ ăn dạng thực ăn lỏng, đã được nghiền nát và nấu chín kỹ. Dù ở giai đoạn đầu ăn dặm, nhưng trẻ vẫn cần ăn đầy đủ các nhóm chất như đã nói trên. Các nhóm chất cần chia theo tỉ lệ hợp lý, giai đoạn này có thể cho trẻ tăng dùng củ quả, trái cây và giảm thực phẩm giàu đạm như tôm, cá, thịt…
Từ 8 - 12 tháng tuổi, để cân bằng dinh dưỡng hợp lý cho trẻ, các mẹ nên giảm tần suất dùng sữa mẹ xuống còn 3 - 4 lần/ngày và bổ sung thêm nhiều loại thức ăn giàu đạm cho trẻ. Các mẹ có thể cho trẻ ăn dặm với 2 bữa cháo, tăng độ thô và đạm trong mỗi khẩu phần. Dù bữa ăn chưa nhiều, nhưng các mẹ cần đặc biệt lưu ý cho trẻ ăn đa dạng và đủ 4 nhóm chất.
Trẻ ăn dặm cũng cần phải ăn đủ chất, trong đó ưu tiên việc ăn lỏng để làm quen thức ăn và tốt cho hệ tiêu hóa còn non yếu. Ảnh minh họa.
- Độ tuổi 1 đến 2 tuổi
Đây là giai đoạn trẻ có thể giảm bú sữa mẹ, nguồn dinh dưỡng trong sữa mẹ không còn nhiều như giai đoạn trước. Để đảm bảo dinh dưỡng, các mẹ cần có chế độ ăn đa dạng để giúp trẻ không bị thiếu vitamin và khoáng chất. Ngoài sữa mẹ, giai đoạn này trẻ cần bổ sung thêm sữa và các chế phẩm từ sữa để giúp xây dựng được miễn dịch đường ruột và hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.
Đặc biệt, đây là giai đoạn trẻ chuyển dần sang chế độ ăn thô, vì thế việc bổ sung hệ vi sinh từ sữa để tiêu hóa dễ dàng hơn là rất cần thiết. Tuy nhiên, nguồn dinh dưỡng từ thực phẩm vẫn là chủ yếu. Do vậy, bữa ăn của trẻ cần đa dạng thực phẩm và chế biến với độ thô phù hợp.
- Độ tuổi 2 đến 5 tuổi
Thời điểm này, trẻ đã bắt đầu làm chủ được bữa ăn và bắt đầu đưa ra yêu sách về việc thích ăn loại thực phẩm hay đồ ăn nào đó. Do vậy, giai đoạn này ngoài việc ăn đa dạng thực phẩm thì việc chế biến món ăn cũng vô cùng quan trọng để vừa đảm bảo dinh dưỡng, vừa tăng miễn dịch tiêu hóa và giúp trẻ ăn ngon miệng hơn.
Theo đó, vẫn luôn ưu tiên đủ 4 nhóm chất, trong đó đặc biệt lưu ý đến chất đạm, chất béo và nhóm rau xanh, quả chín. Nên lựa chọn nhóm đạm từ những thực phẩm lành mạnh như phô mai, trứng, thịt gà, thịt bò và tăng cường nhóm thực phẩm giàu Omega-3 như cá chép, cá hồi, cá thu,... với mức tiêu thụ 80 - 100g/ngày.
Giai đoạn 2-5 tuổi trẻ thường lười ăn rau nên dễ gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Ảnh minh họa.
Với nhóm vitamin và khoáng chất, nên cho trẻ đa dạng các loại trái cây và rau xanh để kích thích vị giác, hỗ trợ tiêu hóa và bổ sung vitamin giúp tăng đề kháng cho trẻ. Đặc biệt độ tuổi này cần hạn chế cho trẻ sử dụng đồ ăn nhanh, đồ chiên rán, chế biến sẵn và các loại nước ngọt. Đây là những đồ ăn không lành mạnh, nhưng trẻ lại rất thích, nếu lạm dụng sẽ không chỉ gây hại cho hệ tiêu hóa mà có tác động tiêu cực tới sức khỏe nói chung.
Sữa – “con bài tẩy” giúp hệ tiêu hóa của trẻ hoàn thiện hơn
Trong giai đoạn từ 1 đến 6 tuổi, sữa và các chế phẩm từ sữa chính là “con bài tẩy” giúp xây dựng hệ tiêu hóa và miễn dịch đường ruột của trẻ khỏe mạnh hơn, tạo nền tảng cho các giai đoạn phát triển tiếp theo.
Theo đó, dù nguồn dinh dưỡng chính của trẻ đến từ các thực phẩm được ăn hàng ngày, nhưng như vậy là chưa đủ vì thế việc sử dụng sữa sẽ giúp bổ sung dinh dưỡng, lợi khuẩn tiêu hóa mà trong thực phẩm không thể có được. Thực tế cho thấy, dù các mẹ luôn muốn cho con ăn đa dạng các chất, nhưng giai đoạn này trẻ rất “kén” ăn rau, do vậy rất dễ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, nhất là tình trạng táo bón.
Dù trẻ ăn đủ nhóm chất nhưng không quên bổ sung những loại sữa có nhiều lợi khuẩn, tăng miễn dịch hệ tiêu hóa. Ảnh minh họa.
Các chuyên gia khuyến cáo, ở giai đoạn từ 1 đến 6 tuổi, nên bổ sung các loại sữa bột hoặc sữa bột pha sẵn nhưng có chứa nhiều lợi khuẩn Bifidobacterium giúp ngăn ngừa táo bón và vi khuẩn có hay, hay lựa chọn các loại sữa có chứa chất xơ hòa tan FOS & Inulin tạo môi trường lý tưởng cho lợi khuẩn phát triển. Đặc biệt, sử dụng các loại sữa có vị trái cây như dâu, chuối sẽ giúp tiêu hóa và miễn dịch đường ruột của trẻ được tốt hơn.
Các nghiên cứu cho thấy, sữa chua là một nguồn thực phẩm dinh dưỡng chứa nhiều vi khuẩn có lợi, rất có ích cho hệ tiêu hóa của trẻ nhỏ. Đặc biệt, nếu trẻ gặp phải các vấn đề như nôn trớ, tiêu chảy hoặc táo bón, việc tiêu thụ sữa chua có thể giúp cải thiện tình trạng này. Với các loại sữa chua trái cây, các chuyên gia khuyến cáo rằng chỉ nên cho trẻ trên 1 tuổi sử dụng để giúp kích thích vị giác và bổ sung dưỡng chất cho sự phát triển của trẻ.