23 năm trước, một bức ảnh trong ca phẫu thuật trong tử cung mẹ đã làm Samuel Alexander Armas (sống tại Georgia, Mỹ) trở nên nổi tiếng trước cả khi chào đời, và giờ đây chàng trai ấy vẫn tiếp tục khiến thế giới phải ngưỡng mộ.
Bức ảnh Samuel nắm chặt ngón tay bác sĩ từ khi còn là thai nhi 21 tuần tuổi đã gây chấn động một thời.
Thai nhi 21 tuần tuổi và bức ảnh gây chấn động
Năm 1999, cặp vợ chồng Julie và Alex Armas vui mừng nhận tin mang bầu thành công sau nhiều năm hiếm muộn. Cặp đôi kết hôn từ năm 1993 nhưng phải sau 2 lần sảy thai, điều trị nội tiết tố và thụ tinh nhân tạo, Julie mới mang bầu thành công.
Họ đã vô cùng vui mừng cho đến tuần 14 thai kỳ thì Julie bị đau bụng và đã rất lo sợ có thể lại bị sảy thai tiếp. “Tôi đã đi siêu âm ngay sau đó nhưng may mắn nhịp tim thai nhỏ bé vẫn còn đập. Tôi đã òa khóc vì sung sướng”, chị Julie kể lại.
Tuy nhiên, mọi thứ lại bị dập tắt khi bác sĩ cho biết em bé dường như có vấn đề bất thường khi đầu có hình quả chanh và khi tìm hiểu kỹ ra, họ nhận được câu trả lời em bé bị bệnh nứt đột sống.
Samuel phải phẫu thuật từ khi còn trong bụng mẹ vì dị tật nứt đốt sống cổ.
Tật nứt đốt sống là một dị tật bẩm sinh xảy ra khi cột sống của bé không hình thành như bình thường. Kết quả là, tủy sống và dây thần kinh bị phơi nhiễm - như một lỗ hổng trong dây kéo - và thường bị hư hại. Nguyên nhân gây ra chứng nứt đốt sống không rõ ràng, nhưng một giả thuyết cho rằng có thể do người mẹ bị thiếu axit folic trong giai đoạn đầu mang thai. Nguy cơ sinh con bị tật nứt đốt sống sẽ tăng lên với những lần mang bầu tiếp theo.
Khi phát hiện em bé trong bụng bị tật nứt đốt sống cổ, vợ chồng Julie và Alex đứng trước hai lựa chọn khó khăn: Hoặc đình chỉ thai kỳ, hoặc tiến hành phẫu thuật cho thai nhi nhưng chưa thể xác định tỉ lệ thành công. Và rồi họ quyết định chấp nhận đương đầu với thử thách và giữ con ở lại bên mình.
Và vào ngày 19/8/1999, ở tuần thai thứ 21, các bác sĩ quyết định làm phẫu thuật cho thai nhi ngay trong tử cung của mẹ tại Bệnh viện Đại học Vanderbilt ở thành phố Nashville, bang Tennessee (Mỹ).
Một nhiếp ảnh gia tự do tên Michael Clancy, đã có mặt ở phòng phẫu thuật ngày hôm đó và thật bất ngờ, anh đã chụp được bức ảnh bàn tay nhỏ bé của em bé luồn qua vết mổ trong tử cung của mẹ để nắm lấy ngón tay của bác sĩ Joseph Bruner, người đang chuẩn bị phẫu thuật cho em.
Bức ảnh đáng kinh ngạc giúp Samuel trở nên nổi tiếng ngay từ khi chưa chào đời.
Bức ảnh này sau đó đã gây chấn động thế giới và được chia sẻ trên khắp các trang mạng, trở thành một trong những bức ảnh huyền thoại của lịch sử nhân loại. Người ta đặt tên cho bức ảnh là Hand of Hope (Bàn tay hy vọng) và kể cho nhau nghe về sức sống mãnh liệt của đứa trẻ cũng như sự nỗ lực không ngừng để cứu bé dù chỉ còn một tia hy vọng của các y bác sĩ.
Bức ảnh đẹp không lời nào tả hết ấy đã lay động hàng triệu con tim, lấy nước mắt của hàng ngàn hàng vạn người trên khắp thế giới và đem đến cho người ta niềm tin và động lực về cuộc sống.
Chào đời không lành lặn nhưng sức sống luôn mãnh liệt
Sau khi ca phẫu thuật chữa bệnh từ trong tử cung mẹ thành công rực rỡ, 4 tháng sau đó, vào ngày 2/12/1999, đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời trong sự chào đón hạnh phúc của gia đình và cả thế giới. Em được bố mẹ đặt cho cái tên Samuel Alexander Armas.
Lúc này lưng của cậu đã lành và khá khỏe mạnh. Cậu bé được giữ trong phòng chăm sóc đặc biệt 6 giờ và được về bên mẹ.
Dù ca phẫu thuật thành công nhưng Samuel vẫn mang dị tật. Phải đến 21 tháng tuổi, cậu bé mới có thể tập đi dưới sự hỗ trợ của giá đỡ. Samuel cũng phải trải qua nhiều ca phẫu thuật trong những năm sau đó để hoàn thiện bàng quang, dây chằng gót chân và các cơ quan xung quanh mắt cá chân.
Samuel vẫn gặp vấn đề về sức khỏe sau khi sinh ra và không thể đi lại bình thường.
23 năm sau ngày "nắm tay bác sĩ", Samuel vẫn luôn khiến nhiều người phải nể phục. Dù hiện tại vẫn phải nhờ sự hỗ trợ của xe lăn mỗi khi di chuyển quãng đường dài, Samuel vẫn luôn là cậu bé thông minh, yêu đời và tràn đầy năng lượng tích cực.
Năm 2019, cậu tốt nghiệp loại ưu tại trường Trung học Alexander ở Douglasville và sau đó theo học tại Đại học Auburn với Học bổng Toán học Movelle Murdock. Đặc biệt, Samuel có niềm đam mê với thể thao, nhất là môn bóng rổ. Ban đầu, Samuel chơi bóng rổ xe lăn tại trường, sau đó được một câu lạc bộ chuyên nghiệp mời tham gia. Và đến nay, cậu đã trở thành tuyển thủ chính thức của đội tuyển bóng rổ xe lăn quốc gia.
Cậu chưa bao giờ từ bỏ đam mê và đến nay đã trở thành tuyển thủ bóng rổ xe lăn chuyên nghiệp.
Sức sống mãnh liệt của Samuel ngay từ khi còn trong bụng mẹ đã khiến nhiều người phải kinh ngạc nhưng những năm tháng sống tích cực, hạnh phúc, dũng cảm theo đuổi đam mê của cậu trong suốt hơn 20 năm qua còn đáng nể hơn.