Cảnh báo 3 dấu hiệu bệnh trở nặng
Theo thông tin từ CDC Hà Nội, trong hai tuần vừa qua đã ghi nhận 3 ổ dịch tại 3 trường mầm non tại thành phố. Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn thành phố ghi nhận 300 ca mắc, tăng 75 ca so với cùng kỳ năm trước. Hiện mỗi tuần ghi nhận 60-70 ca. Còn trên cả nước, theo thống kê của Bộ Y tế, trong quý I, cả nước đã có hơn 6.000 ca, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Thông thường, bệnh tay chân miệng bùng phát và cao điểm nhất vào tháng 9 hàng năm. Tuy nhiên, năm nay do thời tiết thay đổi thất thường, tạo điều kiện thuận lợi cho virus phát triển. Ngoài ra, người dân còn chủ quan, chưa chủ động trong việc phòng tránh bệnh cũng là yếu tố khiến bệnh dễ bùng phát thành dịch.
TS.BS Đỗ Thiện Hải - Phó giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus đường ruột nhóm Enterovirus gây ra, dễ lây truyền từ người sang người theo đường tiêu hóa, đường hô hấp và tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, dịch tiết mũi họng, dịch nốt phỏng vỡ (do virus ở trong phân, dịch hắt hơi, dịch sổ mũi, nước hoặc thực phẩm bị nhiễm bệnh, đồ chơi, môi trường tiếp xúc,...).
Trẻ thuộc nhóm mầm non có nguy cơ mắc tay chân miệng cao nhất. Ảnh: BV Nhi Trung ương.
Bệnh có nguy cơ lây nhiễm mạnh nhất trong tuần đầu tiên sau khi một bệnh nhân nhiễm bệnh và có thể kéo dài vài tuần do virus khu trú trong phân. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da, chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 5 tuổi và trẻ càng nhỏ triệu chứng càng nặng hơn.
Bác sĩ Hải khuyến cáo, khi thấy trẻ xuất hiện 3 dấu hiệu dưới đây cần phải đưa đến viện ngay, vì đó là dấu hiệu trở nặng:
- Thứ nhất, sốt cao không đáp ứng với điều trị: Trẻ sốt trên 38,5 độ kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt.
- Thứ hai, giật mình ngay cả khi trẻ đang chơi. Đây là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh.
- Thứ ba, quấy khóc dai dẳng kéo dài: Trẻ có thể quấy khóc nhiều, thậm chí là quấy khóc cả đêm không ngủ. Trẻ cứ ngủ khoảng 15-20 phút lại dậy quấy khóc khoảng 15-20 phút rồi lại ngủ tiếp. Đây là tình trạng nhiễm độc thần kinh ở giai đoạn rất sớm.
Theo bác sĩ Hải, hiện bệnh chưa có thuốc hay vắc xin phòng bệnh, do vậy biện pháp phòng bệnh là vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường nhất là trong trường học là rất quan trọng. “Trong trường học, nhất là trường mầm non trẻ thường dùng chung đồ như cốc uống nước, đồ chơi vì thế khi có mầm bệnh rất dễ lây lan”, bác sĩ Hải cảnh báo.
Trường hợp trẻ quấy khóc, hay giật mình và sốt cao không hạ cần đưa đến viện ngay vì nguy cơ nhiễm độc thần kinh rất cao. Ảnh minh họa.
Nguyên tắc "3 sạch" để phòng bệnh tại trường học, nhất là trường mầm non
- Bàn tay sạch:
+ Bố trí nơi rửa tay có đủ xà phòng và nước sạch tại từng lớp học, khuyến khích đặt tại vị trí thuận tiện cho người sử dụng.
+ Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ, trước khi đến trường và sau khi ra về.
+ Hướng dẫn trẻ rửa tay với xà phòng dưới vòi nước chảy tại các thời điểm: Trước khi vào lớp học; Trước và sau khi ăn; Sau mỗi giờ ra chơi và nghỉ giữa giờ; Sau khi đi vệ sinh; Trước khi ra về; Khi thấy tay bẩn.
- Ăn sạch:
+ Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: Ăn chín, uống chín.
+ Vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi).
+ Đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày.
+ Không mớm thức ăn cho trẻ.
+ Không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi, dụi mắt.
+ Đảm bảo đủ nước uống hợp vệ sinh và mỗi trẻ có một cốc uống nước dùng riêng được vệ sinh sạch sẽ; không dùng chung các đồ dùng cá nhân như khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
- Ở sạch:
+ Bố trí đủ thùng đựng rác và chất thải có nắp đậy kín, đặt ở vị trí thuận tiện và thực hiện thu gom, xử lý hàng ngày.
+ Tăng cường thông khí tại lớp học bằng cách mở cửa ra vào và cửa sổ, sử dụng quạt. Nếu sử dụng điều hòa trong lớp học, cuối buổi học phải mở cửa phòng học tạo sự thông thoáng.
+ Phân công thực hiện vệ sinh, khử trùng: Lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà, tường nhà bằng Cloramin B hoặc các chất sát khuẩn thông thường.
Việc vệ sinh dụng cụ, nhất là đồ chơi là rất quan trọng để phòng tay chân miệng trong trường học. Ảnh minh họa.
+ Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của trẻ phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
+ Nghiêm cấm khạc nhổ, vứt rác, khẩu trang bừa bãi.
Ngoài những biện pháp trên, cần hướng dẫn trẻ thực hiện:
- Che miệng và mũi khi ho, hắt hơi.
- Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
- Phối hợp với y tế địa phương triển khai tập huấn đầy đủ cho giáo viên, người lao động của nhà trường về kiến thức và các biện pháp phòng, chống Tay chân miệng.
Khi trường có ca bệnh, ổ dịch tay chân miệng cần thực hiện các biện pháp sau:
- Trẻ mắc bệnh không đến lớp ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh và chỉ đến lớp khi hết loét miệng và các phỏng nước.
- Đảm bảo có đủ xà phòng rửa tay tại từng lớp học. Cô nuôi dạy trẻ, thầy cô giáo thực hiện và hướng dẫn trẻ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy.
- Trạm Y tế cấp phát cloramin B và hướng dẫn trường mầm non, nhóm trẻ cách pha và sử dụng hóa chất có clo hoạt tính (Cloramin B, nước Javen …) để lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà, tường nhà. Đặc biệt lưu ý lớp học và các khu vực có liên quan đến trẻ bệnh.