Hành trình chăm con mọn của những bà mẹ bận rộn công việc là một hành trình đầy gian nan, nhất là khi họ lựa chọn cho em bé bú sữa mẹ hoàn toàn, thay vì uống sữa công thức bên ngoài. Cũng ở trong hoàn cảnh này, có lẽ diễn viên Lan Phương sẽ là người hiểu rõ nhất.
Sau khi sinh ái nữ lai thứ 2, dạo gần đây Lan Phương đã dần quay trở lại với công việc, cô tham gia đóng quảng cáo, phim ngắn và mới đây còn xuất hiện với dung mạo cực kỳ xinh đẹp trong buổi lễ trao giải Cánh Diều Vàng. Trên màn ảnh cô được mệnh danh là mỹ nhân phim Việt, nhưng khi vào vai mẹ bỉm sữa thì Lan Phương cũng như bao người.
Trong bài chia sẻ mới nhất, nữ diễn viên không ngại giữ hình tượng, khoe khoảnh khắc bản thân mặt mộc, có chút bơ phờ ngồi hút sữa cho con sơ sinh lúc gần 3 giờ sáng. "Sau Cánh diều Vàng, 2h30 sáng vẫn đang hút sữa" - Lan Phương cho biết.
Trải qua một ngày dài bận rộn, nữ diễn viên vẫn không quên nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của bản thân là hút sữa để đủ lượng trữ cho ái nữ ăn, duy trì cho con uống sữa mẹ hoàn toàn. Nói về vấn đề này, Lan Phương từng có một bài chia sẻ rất dài trên trang cá nhân để tỏ rõ quan điểm của bản thân. "Hành trình nuôi con bằng sữa mẹ không bao giờ là đơn giản và dễ dàng, đặc biệt với một diễn viên như tôi. Động lực lớn nhất để tôi quyết tâm và kiên trì chính là tình yêu dành cho con", Lan Phương trải lòng.
Đây không phải là lần đầu tiên người hâm mộ nhìn thấy nữ diễn viên “đầu bù tóc rối” trong quá trình làm mẹ bỉm sữa. Dẫu là người nổi tiếng, nhưng khác xa với những hình ảnh lộng lẫy trên màn ảnh nhỏ, cảnh bỉm sữa của Lan Phương cũng giản dị như bao bà mẹ khác. Bỏ qua bản thân, cô lúc nào cũng toàn tâm toàn ý vào việc chăm sóc 2 con.
Trước đây, nữ diễn viên từng tiết lộ với người hâm mộ về lịch trình mỗi ngày làm mẹ bỉm của mình, từ sáng đến tối đều quanh quẩn bên các con và công việc, không có chút khoảng trống nghỉ ngơi nào cho bản thân khiến nhiều người thấy thương. Chưa dừng lại ở đó, vì công việc của ông xã ngoại quốc ở xa nhà, chính vì thế mà Lan Phương thường xuyên phải chăm con một mình mà không có chồng bên cạnh giúp đỡ. Khó khăn chồng chất khó khăn, thế nhưng mẹ bỉm Lan Phương vẫn đang làm rất tốt công việc của mình.
Ai trải qua khoảng thời gian này thì mới hiểu, làm mẹ bỉm sữa vất vả ra sao, vậy các bà mẹ làm thế nào để có thể vừa chăm con khoẻ, vừa chăm sóc tốt cho bản thân?
- Lập kế hoạch và sắp xếp thời gian một cách hợp lý
Việc lập kế hoạch và sắp xếp thời gian một cách hợp lý là chìa khóa quan trọng. Các bà mẹ cần chia nhỏ các công việc trong ngày, tập trung vào những việc cấp thiết nhất thay vì cố gắng làm tất cả một lúc. Mẹ cũng nên xen kẽ thời gian chăm sóc con cái với những khoảng nghỉ ngơi dành riêng cho bản thân. Điều này giúp các mẹ bỉm không bị quá tải và có thể duy trì năng lượng cũng như sự tập trung lâu dài.
- Xây dựng mạng lưới hỗ trợ
Xây dựng mạng lưới hỗ trợ từ gia đình, bạn bè hoặc các dịch vụ chăm sóc trẻ cũng là một cách phù hợp. Nhờ sự giúp đỡ này, các bà mẹ sẽ có thêm thời gian nghỉ ngơi và chăm sóc bản thân, thay vì phải gánh vác tất cả công việc một mình. Điều này giúp mẹ bỉm cân bằng được cuộc sống gia đình và nhu cầu cá nhân.
- Chú trọng dinh dưỡng và sức khỏe
Các bà mẹ cần đảm bảo ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, uống nhiều nước và nghỉ ngơi đủ giấc. Ngoài ra, tập luyện nhẹ nhàng như yoga, đi bộ cũng có thể giúp cải thiện tinh thần và sức khỏe tổng thể.
- Ưu tiên thời gian cho bản thân
Người mẹ cần dành ít nhất 15-20 phút mỗi ngày để làm những việc mình yêu thích, như đọc sách, tập yoga hoặc thư giãn cũng rất quan trọng. Đây là cách để các bà mẹ tái tạo năng lượng, giải tỏa căng thẳng và giữ vững tinh thần.
- Chia sẻ cảm xúc
Các bà mẹ không nên cô lập mình trong giai đoạn bỉm sữa chăm con, mà nên trao đổi với gia đình, bạn bè hoặc các chuyên gia về những khó khăn mình đang gặp phải, để nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ cần thiết về mặt tinh thần, tránh chịu đựng một mình trong thời gian dài dẫn đến bị stress, trầm cảm.
Ngoài ra, việc cho con bú sữa mẹ không chỉ giúp gắn kết tình mẫu tử tuyệt vời mà còn mang lại nhiều lợi ích khác cho cả mẹ và con. Vì thế, mẹ đừng bao giờ trì hoãn việc cho con bú dù là trong bất kì hoàn cảnh nào.
- Gia tăng khả năng miễn dịch
Hệ thống miễn dịch của người mẹ chịu trách nhiệm bảo vệ cho bé đến tận khi trẻ 5 tuổi - khi mà hệ thống miễn dịch của trẻ đã ổn định. Các yếu tố miễn dịch được truyền cho trẻ ngay từ khi còn là bào thai, thế nhưng đó chỉ là khởi đầu.
Thông qua việc cho con bú trực tiếp, mẹ có thể tiếp tục bảo vệ em bé. Nếu trẻ bị bệnh, thông qua việc bú mẹ, các nhân tố gây bệnh có thể truyền lại cho mẹ. Sau đó, cơ thể mẹ sẽ sản sinh ra cơ chế để chống lại và chuyển chúng trở lại cho bé qua nguồn sữa mẹ. Nếu không có kết nối vật lý đó, cơ thể của người mẹ sẽ không thể xây dựng những cơ chế miễn dịch đó.
Nếu mẹ lây nhiễm qua con đường khác và cơ thể cũng sản sinh ra kháng thể thì nhiều tế bào cũng bị phá hủy bởi quá trình hút sữa. Lực hút, lắc chai, đông lạnh,... cũng có thể phá vỡ các tế bào miễn dịch quý giá khiến chúng không thể bảo vệ em bé nữa.
- Giảm nguy cơ béo phì
Trong số hơn 2500 trẻ sơ sinh trong dự án nghiên cứu về quá trình phát triển liên tục của trẻ sơ sinh khỏe mạnh ở Canada, những trẻ chỉ bú sữa mẹ trực tiếp trong 3 tháng có BMI (chỉ số khối cơ thể) thấp nhất khi được 1 năm tuổi. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc trẻ không được bú sữa mẹ khi chưa đầy 6 tháng tuổi liên quan tới vấn đề trẻ có BMI cao hơn, tăng cân nhanh hơn và có nguy cơ mắc chứng béo phì cao gấp 3 lần.
Lars Bode - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Sản phụ - Sữa mẹ - Trẻ sơ sinh của Quỹ Larsson-Rosenquist thuộc Đại học California San Diego (Mỹ), giải thích: "Các dữ liệu khác cũng cho kết quả tích cực rằng nếu một đứa trẻ có BMI cao khi còn nhỏ, nó sẽ định hình cơ thể trẻ ngay từ thời gian đó và phát triển thành bệnh béo phì khi đến tuổi thiếu niên".
Một trong số những giả thuyết được đưa ra là khi bú sữa trực tiếp từ người mẹ, trẻ có thể tự điều tiết lượng sữa cần ăn và dừng lại khi đã no. Một học thuyết khác tập trung vào sự biến đổi của thành phần sữa mẹ khi được làm lạnh, trữ đông hoặc giữ ấm.
Và vô vàn các lợi ích khác khi cho trẻ bú sữa mẹ:
- Oxytocin tuyệt vời được giải phóng khi trẻ bú giúp gia tăng liên kết và tình cảm giữa mẹ và bé.
- Thời gian và năng lượng mà mẹ phải hút sữa, cất trữ, rã đông, cho ăn bằng bình và sau đó khử trùng tất cả các thiết bị, dụng cụ,... sẽ tốt hơn nếu mẹ dùng để nghỉ ngơi, chơi đùa với bé hoặc làm những việc khác ít căng thẳng hơn.
- Trẻ có thể sẽ bị bệnh thường xuyên hơn bởi vì ngay cả khi làm sạch, không có điều gì đảm bảo thiết bị và dụng cụ đảm bảo vệ sinh. Mỗi năm có khoảng 3 triệu trẻ sơ sinh sống ở những khu vực bị ô nhiễm nguồn nước qua đời.
- Bởi vì máy hút sữa không có hiệu quả bằng được các cơ mặt mạnh mẽ của bé, máy hút sữa có thể không chiết xuất nhiều sữa có hàm lượng chất béo và DHA cao.