Cứ tưởng sau khi sinh con, các mẹ đã có thể thở phào nhẹ nhõm vì cuối cùng cũng vượt qua được hết mọi khó khăn. Nhưng ai ngờ, theo các bác sĩ, sau một ca vượt cạn còn rất nhiều các biến chứng khác mà các sản phụ phải luôn lưu tâm. Ngoài băng huyết, sót nhau thai hay vỡ một phần tử cung thì hiện tượng rách cổ tử cung cũng khá nguy hiểm, nếu không được phát hiện kịp thời có thể dẫn đến tình trạng mất máu, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của sản phụ.
4 giờ sau sinh, mẹ dùng hết 8 cuộn giấy vệ sinh để thấm máu
Mới đây, một y tá công tác tại một bệnh viện ở Thẩm Quyến (Trung Quốc) đã kể lại câu chuyện về sản phụ tên là Tiểu Lưu để cảnh báo đến các mẹ bầu khác về hiện tượng chảy máu sau sinh bất thường.
Theo lời của nữ y tá, Tiểu Lưu nhập viện vào lúc 6 giờ tối trong tình trạng có các cơn co thắt khi đang mang thai ở tuần thứ 40. Lúc đó, huyết áp của sản phụ là 120/70, nhịp tim thai nhi là 140/phút, tử cung đã mở được 2 phân. Tiến độ chuyển dạ của bà mẹ này rất tốt, chỉ 2 tiếng sau khi vào viện, Tiểu Lưu đã hạ sinh thành công một bé gái nặng 2,5kg.
Sản phụ chảy máu sau sinh bất thường, mạch đập yếu, huyết áp giảm nên đã được đẩy vào phòng phẫu thuật (Ảnh minh họa)
30 phút sau sinh, nhau thai của Tiểu Lưu vẫn chưa bong ra nên bác sĩ đã tiến hành lấy nhau thai bằng tay. Trong quá trình lấy nhau thai, bác sĩ phát hiện đáy chậu của sản phụ bị rách độ 1 nên đã tiến hành khâu lại và giữ sản phụ trong phòng sinh trong 2 giờ để quan sát thêm. Không có dấu hiệu gì khác bất thường, y tá đã được phép đẩy bà mẹ trẻ về phòng nghỉ ngơi.
Nữ y tá kể: “Đến 12 giờ đêm, tôi đi kiểm tra khoa như thường lệ thì phát hiện Tiểu Lưu có điều gì đó không ổn. Cô ấy nằm ngủ thiếp đi nhưng sắc mặt trắng bệch, tay đổ mồ hôi, còn xung quanh giường đầy giấy vệ sinh có vết máu. Tôi hỏi chồng của sản phụ thì anh ấy bảo vợ mình luôn bị chảy máu và đã dùng 8 cuộn giấy vệ sinh để thấm máu rồi. Tôi khá kinh ngạc vì chảy máu sau sinh là điều đương nhiên, nhưng chảy nhiều đến độ dùng đến 8 cuộn giấy vệ sinh để thấm máu thì rất bất thường. Tôi dùng tay kiểm tra thì mạch đập của sản phụ rất yếu, huyết áp của Tiểu Lưu đã giảm xuống 90/60. Điều này chứng tỏ tình trạng của bà mẹ này đã rất tệ. Tôi hốt hoảng bấm nút khẩn cấp gọi bác sĩ”.
Sau khi kiểm tra, bác sĩ nhận định tử cung co bóp tốt, sản phụ không buồn tiểu, nhưng khi xoa bóp tử cung thì có 2 cục máu to bằng nắm tay chảy ào ra từ âm đạo, ước chừng phải đến 50ml máu. Nhận định có khả năng bà mẹ này đã bị rách cổ tử cung dẫn đến xuất huyết trầm trọng, các bác sĩ đã nhanh chóng đẩy bệnh nhân vào phòng phẫu thuật. Kết quả, trong ca mổ, họ phát hiện có một vết rách khá sâu, 3cm x 1,5cm ở ngay cổ tử cung và đó chính là nguyên nhân gây ra hiện tượng chảy máu bất thường sau sinh.
Nhờ được phát hiện và cấp cứu kịp thời, sức khỏe của Tiểu Lưu đã dần hồi phục (Ảnh minh họa)
Nhờ được cấp cứu và truyền máu kịp thời nên sau 5 ngày nằm viện, sức khỏe của Tiểu Lưu đã hồi phụ phần nào và được bác sĩ cho xuất viện về nhà.
Rách cổ tử cung là gì và nó nguy hiểm như thế nào?
Chúng ta đều biết tử cung là “ngôi nhà” của em bé khi ở trong bụng mẹ, là bộ phận được tạo thành bởi các lớp cơ trơn dầy gồm có ba phần: thân tử cung, eo tử cung và cổ tử cung.
Cổ tử cung có độ dài trung bình từ 2-3cm, rộng 2cm. Trong quá trình chuyển dạ, dưới tác động của các cơn co thắt, cổ tử cung từ dạng hình trụ sẽ trở nên mềm, co giãn tốt để tạo điều kiện cho thai nhi ra ngoài thuận lợi. Tuy nhiên, trong quá trình này vì một lý do nào đó đã khiến phần đáy chậu giãn nỡ quá mức hay có sự can thiệp thủ thuật trong lúc đỡ sinh của bác sĩ đã khiến cổ tử cung bị rách.
Tùy thuộc vào vị trí rách ở cổ tử cung sẽ xảy ra hai trường hợp. Nếu vị trí rách nằm ở dưới hoặc trên chỗ bám với thành âm đạo thì mức độ tổn thương thường nhẹ, gây chảy máu ít. Ngược lại, nếu vị trí rách nằm ngay trên cổ tử cung, mức độ tổn thương sẽ nặng dẫn đến chảy máu nhiều, và nếu không được phát hiện kịp thời sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng của sản phụ.
Do vậy, nếu sau khi sinh con xong mà bạn cảm thấy mình chảy máu nhiều, đau đớn hay khó chịu thì nên liên hệ bác sĩ để được kiểm tra và hỗ trợ kịp thời.