Thời tiết nồm ẩm, mẹ khổ sở vì con “bệnh chồng bệnh”, bác sĩ cảnh báo bệnh trẻ dễ mắc khi trời nồm

Chữa đau mắt đỏ cho con vài hôm vẫn không khỏi, bé lại có thêm các triệu chứng khác, chị An đưa đi khám thì nhận kết quả: Bệnh cũ chưa hết, con bị thêm sốt virus và viêm amidan.

Những ngày vừa qua, thời tiết ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đang trong giai đoạn nồm ẩm cao điểm, ảnh hưởng lớn tới sinh hoạt và sức khỏe của nhiều người. Môi trường ẩm ướt có thể là tác nhân gây hàng loạt vấn đề sức khỏe như gia tăng bệnh truyền nhiễm, bệnh về đường hô hấp, nhất là với trẻ nhỏ.

Gia đình chị Hoài An (ở Nam Từ Liêm, Hà Nội) có hai con nhỏ, một cháu 3 tuổi, một cháu 5 tuổi, đều đang học cùng một trường mầm non. Sau kỳ nghỉ Tết, hai con chị An mới học được 4 buổi đã phải nghỉ học vì bị đau mắt đỏ.

Theo chia sẻ của chị An, ban đầu, các con chỉ đỏ mắt nên chị cho đi khám và được chẩn đoán bị viêm kết giác mạc, về điều trị tại nhà theo đơn bác sĩ. Tuy nhiên, đến ngày 5/2, cháu nhỏ 3 tuổi ngoài đau mắt còn kèm theo ho và sốt nên chị lại đưa tới viện khám. Tại đây, bác sĩ cho biết cháu bé bị “bệnh chồng bệnh”: vừa đau mắt đỏ vừa sốt virus, viêm amidan cấp. Tuy nhiên, do tình trạng không quá nghiêm trọng nên bé có thể điều trị ngoại trú.

“Quả thật, hai con ốm cùng một lúc rất khó khăn trong việc chăm sóc. Đặc biệt, theo lời khuyên của bác sĩ các con tôi phải dùng riêng đồ, trong khi các cháu nhỏ tuổi tranh giành nhau và đôi lúc rất khó kiểm soát”, chị An chia sẻ.

Bé trai 1 tuổi đang phải nhập viện điều trị vì bị viêm phổi. 

Thực tế, không chỉ chị An mà rất nhiều bà mẹ khác cũng đang đau đầu về vấn đề trẻ ốm do thay đổi thời tiết, nồm ẩm kéo dài. Ghi nhận tại một số bệnh viện cho thấy:

- Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, từ sau Tết Nguyên đán tới nay số bệnh nhi đến khám mỗi ngày khoảng 1.000, không tăng đột biến. Đại diện bệnh viện cho biết, có thể thời tiết nồm ẩm mới bắt đầu được ít ngày nên số trẻ bị ảnh hưởng chưa nhiều, do vậy việc phòng bệnh cho trẻ để tránh bệnh, nhất là bệnh về đường hô hấp, da liễu, bệnh truyền nhiễm là rất quan trọng.

- Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, bác sĩ Nghiêm Thị Mai Sang, Phó trưởng Khoa Nhi (Bệnh viện Thanh Nhàn) cho biết, những ngày vừa qua số lượng bệnh nhi đến khám bắt đầu có xu gia tăng, đa số trẻ mắc các bệnh như như viêm phế quản, tiểu phế quản và một số bệnh truyền nhiễm như cúm, thủy đậu.

Bác sĩ Thu Phương cho biết, trong 2 ngày qua khoa Nhi, Bệnh viện E số trẻ đến khám tăng gấp 3 lần. 

- Tại Bệnh viện E Trung ương, bác sĩ Lê Thị Thu Phương (Khoa Nội Nhi tổng hợp) cho biết, trong hai ngày vừa qua số lượng bệnh nhi đến khám tăng gấp 3 lần so với những ngày trước đó. Đặc biệt, lượng trẻ đến khám buổi tối cũng gia tăng với khoảng 20 bệnh nhân/1 đêm.

Bác sĩ Phương nhận định, nguyên nhân khiến trẻ nhập viện gia tăng là do thời điểm giao mùa, thời tiết nồm ẩm nên các bệnh lý về đường hô hấp, bệnh lý truyền nhiễm do virus tăng lên rõ rệt. Đặc biệt là những trẻ bị sẵn các bệnh mãn tính như hen phế quản, viêm tiểu phế quản tăng cao.

Ngoài các bệnh về hô hấp, bác sĩ Phương chia sẻ, khoa cũng đã tiếp nhận một số trường hợp bị viêm kết giác mạc (đau mắt đỏ). Theo bác sĩ Phương, đa số trẻ bị lây bệnh do thói quen sinh hoạt hàng ngày hoặc lây ở trường lớp. Cụ thể, với trẻ sơ sinh, nhiều phụ huynh trước khi chăm sóc cho trẻ không vệ sinh tay trước khiến vi khuẩn hoặc virus xâm nhập và gây bệnh cho trẻ.

Rất nhiều trẻ không chỉ bị đau mắt đỏ mà còn bị kết hợp nhiều bệnh khác cùng lúc. 

Bác sĩ Phương lưu ý, với trẻ trong độ tuổi mầm non, nếu các cô giáo không tuân thủ các biện pháp phòng bệnh trong quá trình chăm sóc trẻ thì nguy cơ bệnh đau mắt đỏ lây lan ra cả lớp học là rất dễ xảy ra.

“Tại trường học cần chú ý khâu vệ sinh tay, vệ sinh cá nhân cho trẻ. Tuyệt đối không dùng chung khăn mặt, cốc chén uống nước, dụng cụ ăn uống. Ngoài ra cần thường xuyên lau dọn tay nắm cửa, đồ chơi vì đó là nơi vi khuẩn, virus trú ẩn và khi trẻ cầm nắm vào đồ vật đó rồi đưa tay lên mắt thì nguy cơ mắc bệnh rất cao”, bác sĩ Phương cảnh báo.

Theo bác sĩ Phương, trong điều kiện thời tiết nồm ẩm như hiện nay, mọi người nên phòng bệnh bằng cách ăn uống đủ chất để tăng đề kháng cho cơ thể, giữ gìn vệ sinh nhất là vệ sinh tay, đeo khẩu trang nơi công cộng. Ngoài ra, tuyệt đối không dùng chung đồ dùng như khăn mặt, cốc chén...

Đồng thời, mọi người nên giữ ấm cho trẻ, nếu có điều kiện nên dùng máy hút ẩm để môi trường thông thoáng, hạn chế sự phát triển của virus, vi khuẩn. Khi thấy trẻ có các dấu hiệu như đỏ mắt, dụi mắt, sốt, ho, khò khè cần đưa đến các cơ sở y tế có chuyên khoa nhi để được thăm khám kịp thời.

Để phòng bệnh khi thời tiết nồm ẩm:

- Uống đủ nước để giữ ẩm cho cơ thể.

- Tránh tiếp xúc với những nguồn nồm ẩm.

- Giữ vệ sinh môi trường sống: Làm sạch và thông thoáng không gian trong nhà, không hút thuốc lá.

- Làm khô không gian sống: Bằng cách sử dụng điều hòa nhiệt độ, máy hút ẩm, không phơi quần áo ướt trong nhà, dùng khăn khô để lau sàn.

- Vệ sinh thân thể và đồ dùng cá nhân: Quần áo khó khô hẳn khi độ ẩm quá cao nên nếu có thể, hãy dùng máy sấy, bàn là đồ trước khi mặc, tránh các nấm mốc, các bệnh ngoài da.

- Chế độ ăn và tập luyện: Đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, duy trì việc luyện tập thể dục (có thể thực hiện trong nhà nếu ngoài trời mưa) để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.

Lưu ý: Những người có bệnh mãn tính cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, duy trì đơn thuốc và các biện pháp kiểm soát bệnh tốt để yếu tố môi trường không kích thích bệnh phát tác. Khi thấy có các biểu hiện bất thường, cần liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn.

Bé trai Khánh Hòa xuất huyết não nghi do bế xốc nách, rung lắc khi chuyển tay nhiều người lúc đi chơi