Con gái tôi mới 8 tuổi nhưng đã có những dấu hiệu điển hình của tuổi dậy thì như thay đổi giọng nói, đặc biệt ngực phát triển khá nhanh trong 3-4 tháng gần đây. Khi vệ sinh cho cháu, tôi thấy bộ phận sinh dục của con cũng bắt đầu có những thay đổi và phát triển.
Tôi rất lo lắng việc con dậy thì sớm sẽ ảnh hưởng đến chiều cao và học tập. Sau khi tìm hiểu tôi được biết hiện có thuốc tiêm để ức chế dậy thì sớm ở trẻ, trên mạng tôi cũng thấy có bán nhưng không yên tâm. Vì thế tôi muốn hỏi bác sĩ nên tiêm ở bệnh viện nào thì tốt và cần làm những xét nghiệm gì? Tiêm thuốc đó có tác dụng phụ với trẻ không?
Hiện nay, rất nhiều cha mẹ quan tâm đến tuổi dậy thì của con và luôn lo lắng con bị dậy thì sớm hơn độ tuổi. Thực tế, có không ít người cho con đi khám, mong muốn được tiêm hormone ức chế dậy thì cho con, mục đích là để sau này con cao lớn hơn. Bên cạnh đó, cũng có những người tìm hiểu thông tin trên mạng, tự mua thuốc để ức chế quá trình dậy thì sớm của con. Theo tôi, việc làm này là liều lĩnh, ảnh hưởng lớn đến trẻ.
Việc tiêm hormone ức chế dậy thì sớm phải được chỉ định, theo dõi nghiêm ngặt từ bác sĩ chuyên khoa. Hiện có nhiều cơ sở y tế tiêm được hormone này. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ phải được thăm khám kỹ lưỡng, xét nghiệm nội tiết tố sinh dục trong máu, xét nghiệm đánh giá tuổi xương, chụp MRI não hoặc một số xét nghiệm chuyên sâu, nhằm xác định đúng nguyên nhân gây ra dậy thì sớm thì mới đưa ra quyết định có tiêm hormone hay không.
Có hai nhóm dậy thì sớm:
- Dậy thì sớm trung ương tức là có sự trưởng thành của trục bao gồm ba bộ phận là trung tâm chỉ huy dậy thì ở não - tuyến yên (nơi sản xuất hormone kích thích hoàng thể tố (LH) để chỉ huy buồng trứng và tinh hoàn sản xuất hormon sinh dục) – tuyến sinh dục là tinh hoàn ở trẻ trai và buồng trứng ở trẻ gái.
Bác sĩ Bùi Phương Thảo đang tư vấn cho một trẻ dậy thì sớm tại BV Nhi Trung ương. Ảnh: Lê Phương.
- Dậy thì sớm ngoại biên tức là các biểu hiện dậy thì không phải do kết quả chỉ huy của trung tâm dậy thì ở não, mà do nguyên nhân tại buồng trứng như u nang buồng trứng ở trẻ gái, các nguyên nhân tại thượng thận ở trẻ trai như u vỏ thượng thận, bệnh tăng sản thượng thận bẩm sinh gây sản xuất thừa hormone nam, u tinh hoàn.
Trường hợp trẻ có dậy thì sớm trung ương (với trẻ nữ dưới 6 tuổi và trẻ nam trước 9 tuổi) thì nên tiêm hormone để ức chế dậy thì sớm.
Với những trường hợp nữ dậy thì sớm từ 6 đến 8 tuổi hoặc trên 8 tuổi thì tùy vào trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ giải thích với gia đình hoặc người bảo hộ để đưa ra quyết định cuối cùng. Bởi những trường hợp này điều trị ức chế dậy thì không nhất thiết phải làm. Nếu điều trị chỉ có thể giúp giải quyết những vấn đề ngắn hạn như kìm hãm sự phát triển đặc tính sinh dục phụ, làm chậm thời gian phát triển tuyến vú, lông mu, còn về mặt cải thiện chiều cao thì không còn nhiều, thậm chí không có.
Về tác dụng phụ khi tiêm hormone chắc chắn sẽ có, chẳng hạn như dẫn đến tình trạng đau đầu, bốc hỏa, trẻ phải chịu đau do tiêm, nhiễm khuẩn tại vị trí tiêm, thậm chí là sẽ lão hóa sớm về sau. Ngoài ra, vấn đề kinh phí điều trị cũng là điều đáng quan tâm. Tùy từng loại thuốc và quá trình điều trị sẽ có giá cả khác nhau. Chính vì lý do đó, trước khi áp dụng điều trị cho trẻ, các bác sĩ cùng với gia đình cần bàn bạc để đi đến thống nhất.
Mọi thắc mắc của bạn đọc về các vấn đề sức khỏe sẽ được các chuyên gia tư vấn trong những bài tiếp theo. Mời quý bạn đọc đón đọc các bài Hỏi đáp bác sĩ vào các ngày thứ 3-5 hàng tuần trên mục Sức khỏe. |