Nhiều người thường nói "trẻ nhỏ thì biết gì", câu này thực sự đúng trong tình huống con không được bố mẹ hướng dẫn, chỉ dạy ngay từ khi còn bé. Vì trên thực tế, trẻ em học rất nhanh, quan trọng là ở bố mẹ. Chính vì thế mà trong những trường hợp con làm sai hoặc gây ra vấn đề rắc rối, phụ huynh không thể trách con, lỗi đầu tiên là nên nhìn lại chính mình. Tương tự như câu chuyện được lan truyền rộng rãi mới đây trên mạng xã hội đã thức tỉnh rất nhiều bậc bố mẹ về trách nhiệm dạy con của mình.
Cụ thể một tài khoản giấu tên đã chia sẻ: "Hôm qua vừa đi đu đỉnh mua vàng thì bé trai nhà mình (lớp 2) không biết sao mà con lấy nhẫn mang đi tặng bạn cùng lớp. Mình nhắn phụ huynh bé kia thì mẹ bé chặn cả mình. Giờ mình nên làm gì cả nhà ơi, có nên báo công an không ạ? Bill (hoá đơn) mua vàng mình có đủ, nhẫn 5 chỉ SJC ạ".
Được biết 5 chỉ vàng SJC hiện đang có giá bán ra thị trường là gần 40 triệu VNĐ, một số tiền khá lớn chứ không hề nhỏ. Chính vì như thế mà sau khi phát hiện sự việc xảy ra, người mẹ này đã ngay lập tức liên lạc với phụ huynh bạn học của con trai để xác minh và bày tỏ mong muốn được nhận lại thứ tài sản vô cùng có giá trị trên.
Đoạn tin nhắn của mẹ bé trai với mẹ bé gái gây tranh cãi (Nguồn: Nhật ký).
Tuy nhiên, sau khi người mẹ đăng tải 2 hình ảnh lộ rõ chi tiết đoạn tin nhắn giữa mình với phụ huynh của bé gái được con trai tặng nhẫn vàng, nó đã ngay lập tức gây nên làn sáng tranh cãi dữ dội của cộng đồng mạng, đặc biệt là các ông bố bà mẹ.
Có hai nhóm phản ứng của các bậc phụ huynh được bộc lộ rõ trong tình huống này. Nhóm đầu tiên, nhiều người cảm thấy phẫn nộ, bức xúc trước thái độ của mẹ bé trai, vì cho rằng cô có giọng điệu nhờ vả không phù hợp mà giống như đang ra lệnh buộc mẹ bé gái phải giúp mình tìm lại nhẫn rồi đem trả. Trong khi đó, đa số đều trách đây là lỗi của mẹ bé trai, vì không biết tự giữ tài sản có giá trị lớn như thế.
Một số bình luận nổi bật như:
- Tài sản không cất cẩn thận thì trách bản thân trước đã. Thế giờ bé gái chẳng may lúc ở trường làm rơi hay mất rồi thì tính sao nhỉ.
- Vàng 9999 mà làm như vàng mã cất cũng không xong, vừa vụng vừa ẩu thì ráng mà chịu.
- Bỏ "số tiền lớn" để mua vàng. Với những gia đình kinh tế bình thường thì họ sẽ giữ rất cẩn thận và kín đáo cái "nhẫn 5 chỉ". Chứ không xuề xoà, vất lung tung như đồ vớ vẩn để trẻ con nó lấy nó mang đi đến lớp đâu.
- Phải là mình thì mình cũng chặn nhưng đồng thời cũng sẽ đem trả. Chặn không phải để tham mà không muốn nói chuyện với những người như kia. Đó không phải thái độ của người đi nhờ người khác.
- Quan trọng vẫn là cái thái độ! Con mình tự mang đi tặng chứ có phải bạn kia ăn cắp đâu?
Trái với phản ứng của nhóm đầu tiên, nhóm phụ huynh thứ hai đều bày tỏ sự đồng cảm và thấu hiểu cho tâm lý của mẹ bé trai. Họ cho rằng trong trường hợp này thì ai cũng sẽ hoảng loạn, sốt ruột và lo lắng vì tài sản bị mất có giá trị lớn. Chính vì thế mà mẹ bé trai có những lời nói như thế cũng là điều dễ hiểu.
Một số bình luận nổi bật như:
- Em thấy các chị không mất của thì cứ bênh mẹ bé gái kia. Đã biết có cái nhẫn ấy ở nhà mình rồi thì ra tìm ngay rồi chụp ảnh cho mẹ bé trai ấy xem bảo là con mình ngủ rồi. Nhẫn mình cầm đây rồi chị cứ yên tâm. Sao con người mà khó tính với nhau quá vậy!
- Thực ra đi nhờ người ta mà nói như kia cũng gây bực mình thật, mà sao mua vàng về không cất nhỉ, sao con lấy được chứ. Nhưng nếu mình là mẹ bé gái mình sẽ gọi con dậy, vàng là vật có giá trị, họ mất họ cũng xót, cũng như mình thôi, nếu con gái mình làm mất là mình cũng thấy xót thay người ta.
- Đặt mình vào hoàn cảnh của mẹ bé trai có thể thông cảm. Tiền của ai người đó xót. Nhỡ đâu bé quăng linh tinh rồi mai mẹ con bận rộn đi học, đi làm không tìm kịp mất của người ta. Là mình mình gọi con dậy hỏi luôn có sao đâu. Cả mấy chục triệu có phải ít đâu.
- Phải nhà mình thì mình dựng dậy hỏi con rồi nó ngủ tiếp, nhiều khi cũng nên sống vì mọi người 1 chút chứ, nhỡ nó vứt gần nhà thì còn đi tìm hô người ta. Sao lại chặn luôn thế kia đúng là sống chỉ biết 1 mình mình rồi.
Trong trường hợp này, mỗi bố mẹ sẽ có quan điểm và cách nhìn nhận vấn đề khác nhau. Nhưng tựu chung từ tình huống trên có thể thấy, đây là một sự cảnh tỉnh dành cho rất nhiều phụ huynh. Bố mẹ là người có trách nhiệm trong việc giáo dục con cái nhận thức về tài sản của gia đình, trước khi những hoàn cảnh tương tự xảy ra khiến bố mẹ phải đau đầu tìm cách giải quyết hay thậm chí là hối hận vì đã không dạy con sớm hơn.
Câu chuyện như một lời nhắc nhở các bậc cha mẹ nếu trong nhà có những đồ vật có giá trị như vòng tay vàng, trang sức bằng vàng, tượng nhỏ bằng vàng.... thì không nên để ở nơi trẻ dễ tìm thấy mà hãy cất giữ thật kĩ. Bằng không trẻ nhỏ sẽ mang ra ngoài gây tổn thất nặng nề.
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần trao đổi với trẻ một số quan điểm chung về tiền bạc, đồ trang sức để trẻ hiểu được những vật có giá trị, những gì được tặng, những gì không được tặng.
Nói với con về tiền bạc ngay từ nhỏ
Tiền bạc là một chủ đề quan trọng trong cuộc sống, và nó không nên bị coi là cấm kỵ trong việc giáo dục con cái. Ngay từ khi con còn nhỏ, bố mẹ nên bắt đầu nói về những vấn đề xung quanh tiền bạc, như nguồn gốc của tiền, mục đích sử dụng và cách kiếm tiền.
Bố mẹ có thể bắt đầu nói với con về công việc của mình và lý do tại sao phải đi làm để kiếm tiền. Bố mẹ có thể giải thích cho con về mức lương của mình, và cách mà họ sử dụng tiền để chi tiêu cho gia đình. Điều này sẽ giúp con hiểu rõ hơn về giá trị của tiền bạc và tầm quan trọng của việc kiếm tiền.
Tuy nhiên, khi áp dụng cách này, bố mẹ cũng cần lưu ý rằng không nên dạy con về sự giàu có hoặc tiêu tiền một cách vô độ. Thay vào đó, hãy truyền đạt cho con những giá trị về tiết kiệm, đầu tư và sử dụng tiền một cách có trách nhiệm.
Giao cho con nhiệm vụ đi mua đồ để con biết giá trị của từng món đồ
Một cách tuyệt vời để giúp trẻ hiểu về giá trị của tiền bạc là giao cho chúng nhiệm vụ đi mua đồ ở siêu thị, hoặc cửa hàng tạp hóa. Điều này giúp trẻ phát triển kỹ năng quản lý tài chính và trách nhiệm sử dụng tiền bạc.
Để giúp trẻ em thực hiện nhiệm vụ này, bố mẹ có thể lên danh sách các món đồ cần mua và ghi giá tiền cụ thể. Trẻ có thể chọn các món đồ trong danh sách và không bị phân tâm bởi những món đồ khác. Bố mẹ cũng nên dạy con cách tính tổng số tiền và đưa cho nhân viên thu ngân số tiền thích hợp.
Để bắt đầu, bố mẹ có thể giao cho trẻ mua những món đồ giá trị nhỏ trước. Khi trẻ cảm thấy tự tin hơn, có thể cho trẻ mua những món đồ có giá trị lớn hơn và tăng dần độ khó của nhiệm vụ.
Ngoài việc giúp trẻ em phát triển kỹ năng quản lý tài chính, việc giao cho trẻ nhiệm vụ mua sắm cũng giúp trẻ học hỏi về sự trách nhiệm và độc lập trong cuộc sống. Bố mẹ cũng có thể sử dụng cơ hội này để truyền đạt cho trẻ những giá trị về tiền bạc, như tiết kiệm và sử dụng tiền một cách có trách nhiệm.
Cùng con chơi các trò kinh tế
Một cách tuyệt vời để giúp trẻ em hiểu về các khái niệm kinh tế quan trọng là cho chúng tham gia vào các trò chơi kinh tế như Monopoly - phiên bản Việt là "Cờ tỉ phú". Trò chơi này giúp trẻ tìm hiểu về các khái niệm kinh tế quan trọng như đầu tư, tài sản, nợ và thuế. Ngoài ra, trò chơi này còn giúp trẻ em phát triển kỹ năng quản lý tài chính và tư duy chiến lược.
Bố mẹ có thể sử dụng trò chơi này để giải thích cho trẻ về cách thức hoạt động của thị trường, các hoạt động kinh doanh và quản lý tài sản. Trò chơi này cũng giúp trẻ em hiểu rõ hơn về việc quản lý tiền bạc và đầu tư, từ đó giúp trẻ em phát triển kỹ năng quản lý tài chính và tư duy chiến lược.
Đối với trẻ lớn hơn, bố mẹ có thể sử dụng các trò chơi khác như The Game of Life hoặc Cashflow để giúp trẻ hiểu rõ hơn về các khái niệm kinh tế. Đồng thời, giúp trẻ thực hành quản lý tài chính và phát triển kỹ năng tư duy chiến lược.