Có người mang thai rất dễ dàng nhưng con đường tìm con của một số người lại vô cùng gian nan, thậm chí phải đánh đổi bằng sức khỏe, tính mạng của chính mình. Serena Jardine (53 tuổi, Tây Sussex, nước Anh) vì muốn có một mụn con mà chị cũng phải đánh đổi bằng sức khỏe của mình – một khối u trong não to bằng quả cam.
Theo đó, vào năm 2005, khi Serena 38 tuổi, cô kết hôn cùng chồng là anh Scott và cả hai cố gắng có con nhưng không thành. Sau 3 năm, vợ chồng cô đã chọn phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, bao gồm việc sử dụng hormone để tăng khả năng sinh sản.
Serena Jardine đã có con sau 5 lần thụ tinh trong ống nghiệm.
Phương pháp đó có hiệu quả nhưng Serena đã mất một em bé ở tuần thứ 12. Lần thứ 2, việc thụ tinh không thành công. Đến năm 2010, cặp đôi đã bay tới Praha, nơi có chi phí điều trị rẻ hơn để “tìm con”. Người phụ nữ tiếp tục mang thai nhưng lại sảy thai không lâu sau đó. Lần thụ tinh tiếp theo, tức lần thứ 4, lại thất bại.
Khi sắp từ bỏ hy vọng được làm mẹ, Serena nhìn thấy trên TV về các phương pháp mới. Vì vậy, cô đến tìm tới sự giúp đỡ của một chuyên gia sinh sản, người này đã gửi 23 lọ máu của cô tới Mỹ để xét nghiệm. Kết quả cho thấy, một gen đột biến đang khiến cơ thể của người phụ nữ coi từng phôi lai là tế bào ngoại lai và loại bỏ. Sau đó, Serena được mời tham gia thử nghiệm sử dụng dịch truyền để chống lại các vấn đề miễn dịch.
Hành trình tìm con của người phụ nữ này quả thật không hề dễ dàng.
Sau một đợt thụ tinh ống nghiệm khác ở Praha, người phụ nữ phải truyền dịch và lại mang thai thêm lần nữa. Vào tháng 12/2012, sau 5 lần thụ tinh trong ống nghiệm và 3 lần sảy thai, cô đã hạ sinh thành công bé James nặng 3.34kg.
“Cuối cùng tôi cũng được ôm James. Thật tuyệt vời, điều đó thật phi thường. Tôi không thể diễn ra được cảm giác đó. Sau tất cả những gì trải qua, cuối cùng chúng tôi cũng có được niềm vui nho nhỏ này”, bà mẹ vui mừng nhớ lại khoảnh khắc lúc đó.
Bé James chào đời khỏe mạnh với cân nặng 3.34kg.
Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau sinh, sản phụ bắt đầu gặp khó khăn về sức khỏe, chẳng hạn như chóng mặt, đau nửa đầu và hay quên trước quên sau. “Tôi bắt đầu làm những việc ngu ngốc như quên chìa khóa và bắt đầu đau nửa đầu thường xuyên sau khi sinh James được 6 tháng. Tính cách của tôi cũng thay đổi. Tôi ngay lập tức cáu giận nếu có điều gì đó khiến tôi khó chịu và rất dễ xúc động. Rồi một ngày, chồng hỏi tôi một câu và tôi phát hiện ra mình không thể nói được”, bà mẹ một con kể lại.
Serena nhanh chóng được chồng chở tới Bệnh viện Worthing thăm khám và kết quả chụp cắt lớp cho thấy cô có một khối u trong não. Khối u đang đè lên não và có kích thước bằng cả quả cam, nhưng may mắn thay đó là khối u lành tính. Ba tuần sau khi phát hiện khối u, tức ngày 8/4/2014, bà mẹ một con được phẫu thuật.
Khối u to bằng quả cam đè lên não của Serena.
Trước khi ca phẫu thuật bắt đầu, Serena và chồng vô cùng lo lắng, thậm chí cô còn viết di chúc, phòng cho trường hợp xấu nhất xảy ra. “Tôi nghĩ thế là xong, tôi sắp chết rồi. Tôi đã chuẩn bị mọi thứ nếu không thể vượt qua ca phẫu thuật. Nhưng tôi sẽ không rời bỏ James nên đã nhờ các bác sĩ giúp đỡ”, bà mẹ chia sẻ. Ca phẫu thuật kéo dài suốt 10 tiếng và thành công, nhưng Serena bị mất thị lực một phần, có khả năng phải xạ trị vì 5% khối u vẫn còn bao quanh dây thần kinh thị giác của cô. Ngoài ra, tuyến giáp của cô cũng bị ảnh hưởng.
Nói về trường hợp của bà mẹ, các chuyên gia tin rằng khối u màng não lành tính đã phát triển nhanh chóng sau khi phản ứng với các hormone được sử dụng trong quá trình thụ tinh trong ống nghiệm. Thực ra, vào năm 2006, các bác sĩ đã tìm thấy một khối u (mặc dù rất nhỏ vào thời điểm đó) nhưng không hề được phát hiện trên bản chụp cắt lớp não của cô sau khi cô bị đau tai dữ dội.
Serena và con trai James, hiện đã 8 tuổi.
“Tôi đã rất vui khi có con trai nhưng đó không phải là hành trình dễ dàng. Không ai nói với tôi bất cứ điều gì về những mặt trái tiềm ẩn, chỉ là đây là những gì chúng tôi phải làm để có con. Tôi được yêu cầu tiêm thứ này hàng ngày và uống thứ kia, nhưng không ai nói rõ được các hormone này có thể gây ra tác hại tiềm ẩn gì. Tôi không hề biết tôi bị u não và những loại hormone tôi uống có thể đẩy nhanh sự phát triển của nó”, giáo viên tiểu học nói.
Anh Scott, chồng của Serena bên cạnh con trai.
Serena sau đó đã thay đổi chế độ ăn uống và sử dụng các loại thảo mộc để hỗ trợ điều trị tuyến giáp. Tình trạng sức khỏe của cô đã khá hơn, thậm chí giờ đây cô còn có một lượng kiến thức nhất định về thảo dược để giúp đỡ người khác.
Những rủi ro và biến chứng khi thụ tinh trong ống nghiệm (IVF)
Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF ) cơ bản là qui trình an toàn, tuy vậy vẫn có một số rủi ro, tai biến và biến chứng như quá kích buồng trứng, đa thai, chửa ngoài dạ con…
Chính vì vậy khi thực hiện IVF, các cặp vợ chồng hiếm muộn nên lựa chọn địa chỉ uy tín, thăm khám đầy đủ và thực hiện theo quy trình được bác sĩ chuyên khoa đưa ra.