Vào năm học mới nhiều mẹ “giật mình” khi con thấp còi hơn bạn, bác sĩ tiết lộ 4 cách “kích” chiều cao hiệu quả

Khi con đến trường, ngoài trang bị kiến thức thì chiều cao của trẻ cũng được các bố mẹ đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, làm sao "kích" được chiều cao cũng như giúp con phát triển toàn diện nhất thì không phải ai cũng biết.
TS.BS. Nguyễn Trọng Hưng

Trưởng khoa Khám và Tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia.

Xem tất cả bài viết của chuyên gia

Dưới đây là bài viết của TS.BS Nguyễn Trọng Hưng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) chia sẻ về cách giúp trẻ phát triển được chiều cao tối ưu, nhất là khi năm học mới đã bắt đầu.

Trong nhiều năm khám, tư vấn tại Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tôi nhận thấy các phụ huynh đã quan tâm đến các trẻ tương đối tốt về mặt dinh dưỡng. Tuy nhiên, không ít gia đình sau kỳ nghỉ hè giật mình khi con mình thấp bé hơn so với các bạn đồng trang lứa, sợ việc này ảnh hưởng đến tâm lý trẻ và khiến con chịu nhiều thiệt thòi trong tương lai.

Vào năm học mới nhiều mẹ “giật mình” khi con thấp còi hơn bạn, bác sĩ tiết lộ 4 cách “kích” chiều cao hiệu quả - 1

Chiều cao của trẻ liên quan tới nhiều yếu tố. Ảnh minh họa. 

Để phát triển chiều cao, có rất nhiều yếu tố tác động đến. Đầu tiên phải kể đến yếu tố di truyền (gene). Có khoảng 700 gene khác nhau tác động đến chiều cao của trẻ, chính điều này sẽ rất khó khăn cho việc dự đoán chính xác chiều cao trẻ có thể đạt được. Tiếp đến là chế độ dinh dưỡng hợp lý, hoạt động thể lực và các yếu tố môi trường khác.

Chắc hẳn bạn từng đọc hoặc nghe đâu đó thông tin: “Nếu coi các yếu tố tác động đến phát triển chiều cao là 100%, thì gene chỉ chiếm 23%, dinh dưỡng hợp lý chiếm 31%, hoạt động thể lực chiếm 20%, còn lại do môi trường và tâm lý xã hội”. Do vậy, các bậc phụ huynh cũng không quá lo lắng con mình sẽ thấp như bố mẹ, nhưng cũng nên quan tâm để cải thiện các yếu tố có thể (như dinh dưỡng, tập luyện....) để giúp con phát triển chiều cao tốt nhất ngay từ bây giờ.

Vào năm học mới nhiều mẹ “giật mình” khi con thấp còi hơn bạn, bác sĩ tiết lộ 4 cách “kích” chiều cao hiệu quả - 2

Theo TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, để trẻ phát triển chiều cao cần kết hợp tổng thể nhiều yếu tố. Ảnh: Lê Phương.

Đầu tiên với các gia đình sắp có em bé, hãy chuẩn bị tốt nhất cho 1.000 ngày vàng đầu đời, để bé phát triển tối ưu nhất, trong đó có chiều cao. Bố mẹ cũng cần đặc biệt quan tâm tới giai đoạn cuối cùng để can thiệp chiều cao cho trẻ, là khi tiền dậy thì. Trong giai đoạn tăng tốc này, việc có chế độ ăn và hoạt động thể lực cũng như sinh hoạt hợp lý, có thể giúp bé phát triển chiều cao rất nhanh.

4 điều bố mẹ có thể làm để "kích" chiều cao cho trẻ:

1. Về chế độ dinh dưỡng: Cần đảm bảo đủ nhu cầu dinh dưỡng cũng như các vi chất cho lứa tuổi theo khuyến nghị của Viện Dinh Dưỡng dành cho người Việt Nam.

Nên ăn đa dạng thực phẩm và cân đối 4 nhóm thực phẩm để đảm bảo đủ năng lượng, giàu chất đạm (có nhiều trong thịt, cá, trứng, tôm, cua…) giúp tăng trưởng và phát triển.

Rau xanh, hoa quả tươi là nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất rất tốt, góp phần giúp bộ xương cứng cáp hơn. Canxi có nhiều trong tôm, cua, cá bé, sữa và các sản phẩm từ sữa (pho mát, sữa chua, sữa công thức cho từng lứa tuổi, ...) giúp xương phát triển và chắc khỏe.

2. Về hoạt động thể lực: Bố mẹ nên động viên hoặc tốt hơn nữa là chơi cùng con những môn thể thao như bơi, cầu lông, bóng rổ, đi bộ, chạy, đi xe đạp... Nên khích lệ trẻ trẻ tập 30 phút/ngày, tuần tập 5 ngày, hoạt động thể lực vừa giúp bé khỏe mạnh và giúp phát triển chiều cao.

Vào năm học mới nhiều mẹ “giật mình” khi con thấp còi hơn bạn, bác sĩ tiết lộ 4 cách “kích” chiều cao hiệu quả - 4

Ngủ sớm và đủ giấc cũng giúp trẻ phát triển chiều cao tốt. Ảnh minh họa. 

3. Về giấc ngủ, đảm bảo cho trẻ ngủ đủ giấc theo khuyến nghị của từng độ tuổi, ít nhất 8 tiếng một ngày và tốt nhất nên đi ngủ trước 22h. Một số nghiên cứu đã cho thấy 90% sự phát triển xương xảy ra vào ban đêm. Thời gian từ 22h cơ thể tiết ra nhiều hoóc môn tăng trưởng giúp bé phát triển chiều cao.

4. Bổ sung vi chất hợp lý, theo tư vấn của bác sĩ. Việc sử dụng thuốc nói chung hay uống vitamin D, canxi... nói riêng không nên tự dùng hay giao phó cho "bác sĩ Google”. Các phụ huynh nên đưa con đến các cơ sở y tế chuyên khoa sâu để thăm khám. Dựa vào tình trạng cụ thể của trẻ, bác sĩ sẽ cho bạn biết trẻ nên bổ sung như thế nào và bổ sung bao nhiêu lâu… Tóm lại, hãy kiên trì và đồng hành cùng bác sĩ (khi có vấn đề) để nuôi dưỡng tốt nhất trong suốt quá trình phát triển của trẻ nói chung, phát triển chiều cao nói riêng.

Trẻ sắp đến tuổi dậy thì nên cho ăn những thực phẩm gì để kích chiều cao tốt nhất?