Xung quanh chuyện mang bầu và sinh con, có vô vàn câu chuyện bí ẩn, khó có thể giải thích, chẳng hạn như một cặp sinh đôi cùng mẹ nhưng khác cha. Thế nhưng, những câu chuyện dưới đây còn bất ngờ và kì lạ hơn nữa khi tự sinh con mà lại không phải con ruột về mặt di truyền.
"Mang nặng đẻ đau" nhưng lại chỉ là dì ruột của con
Lydia Fairchild có lẽ là trường hợp nổi tiếng nhất về tình huống này. Sau khi li hôn chồng vào năm 2002, Lydia nộp đơn xin trợ cấp nuôi con. Cùng thời điểm đó, cô cũng đang mang bầu em bé thứ ba.
Hồ sơ trợ cấp nuôi con buộc cô phải chứng minh mối quan hệ mẹ con của mình, vì thế, cô nộp mẫu ADN của mình và các con để làm xét nghiệm ADN. Thế nhưng, kết quả khiến cô không khỏi bất ngờ, mặc dù chồng cô được xác nhận là cha của các đứa bé về mặt di truyền, kết quả lại chứng minh cô không phải là mẹ của các con mình.
Lydia ngỡ ngàng khi nhận tin con mình lại không mang ADN của mình.
Điều này thực sự không thể tin được, bởi Lydia đã mang thai và sinh con của mình hoàn toàn bình thường. Suốt 9 tháng 10 ngày, chịu bao đau đớn để sinh ra, đó là sự thật, thế nhưng, xét nghiệm ADN vốn luôn được coi là căn cứ khoa học chính xác nhất để xác định mối quan hệ ruột thịt. Thậm chí, chính em bé đang nằm trong bụng Lydia, qua kết quả xét nghiệm, cũng không phải là "con" của cô, mà là "cháu" của cô về mặt sinh học.
Vợ sinh quý tử xong chồng đi xét nghiệm lại là con của "em trai"
Anh Lưu (sống ở Trung Quốc) đã kết hôn được 10 năm và có một cậu con trai 8 tuổi. Gia đình anh là một gia đình bình thường, hạnh phúc khi vợ chồng yêu thương nhau, chăm chỉ làm việc và con cái ngoan ngoãn.
Vậy nhưng "sóng gió" đã ập đến vào một năm trước, khi anh Lưu đưa con trai đi xét nghiệm máu. Ai ngờ kết quả khiến anh Lưu tá hỏa. Nhóm máu của con trai anh là AB trong khi cả hai vợ chồng anh Lưu đều mang nhóm máu O. Nghi ngờ kết quả có “vấn đề”, anh đưa con đi xét nghiệm thêm lần nữa ở một trung tâm khác nhưng không có gì thay đổi.
Con trai không mang gen của anh Lưu mà của người "em trai" không tồn tại.
Vì vậy, anh nghi ngờ vợ đã ngoại tình và mình là kẻ "đổ vỏ". Còn vợ anh thì khăng khăng rằng mình chung thủy và từ ngày kết hôn chưa từng có chuyện "vụng trộm". Cuối cùng, cả hai quyết định đưa con đi giám định ADN để làm rõ sự thật.
Một tuần sau, kết quả giám định ADN cho thấy bộ gen của con trai anh Lưu không trùng khớp với anh mà lại là với người "em trai" sinh đôi, đồng nghĩa với việc đứa trẻ xét về mặt sinh học là con của người "em trai" này. Vậy nhưng anh Lưu không hiểu vì mình là con một, không hề có anh em sinh đôi nào cả.
Vợ chồng đi thụ tinh trong ống nghiệm, sinh ra con khác nhóm máu
Theo Buzzfeed, một đôi vợ chồng giấu tên ở bang Washington (Mỹ) đã sinh con trai nhờ vào sự hỗ trợ của y khoa vào năm 2014. Tuy nhiên, hai người nhanh chóng phát hiện nhóm máu của đứa trẻ hoàn toàn khác với cả cha lẫn mẹ.
Họ chất vấn trung tâm tiến hành quá trình thụ tinh ống nghiệm (IVF), với lo ngại rằng có thể các chuyên viên tại đây đã nhầm lẫn khi chọn tinh trùng, dẫn đến sinh con hộ người khác. Phòng khám này rà soát lại toàn bộ quy trình và khẳng định không hề có sơ sót gì trong quá trình IVF.
Đôi vợ chồng trong lúc hoang mang đã thuê một luật sư và đăng ký kiểm tra ADN tại một phòng thí nghiệm có uy tín để xác định một lần nữa kết quả. Tuy nhiên, cuộc kiểm tra tế bào da ở má của người chồng 34 tuổi đã đưa ra kết luận tương tự.
Cặp vợ chồng nghi bị tráo tinh trùng khi làm thụ tinh trong ống nghiệm. (Ảnh minh họa)
Thế là họ quyết định nhờ cậy sự tư vấn của nhà di truyền học Barry Starr thuộc Đại học Stanford. Chuyên gia Starr đề nghị người cha thử xét nghiệm gien tổ tiên thông qua một thiết bị được cung cấp trực tiếp cho khách hàng. Ông giải thích rằng không như các cuộc kiểm tra quan hệ cha con tiêu chuẩn, vốn chỉ tìm kiếm 15 chất đánh dấu di truyền dựa trên mẫu da phết từ má, cuộc kiểm tra thừa hưởng gien di truyền rà soát hàng trăm chất đánh dấu trong số hàng ngàn. Kết quả kiểm tra tinh trùng cho thấy người cha sinh học trên thực tế chính là chú của đứa bé.
Hội chứng Chimera
Câu trả lời cho cả 3 câu chuyện trên chính là hội chứng Chimera. Chimera là cụm từ có nguồn gốc từ thần thoại Hy Lạp, là tên của một con quái vật có cơ thể mang những bộ phận của nhiều loài vật khác nhau. Trong y học, chimera được chỉ những người mang bộ gene tập hợp từ nhiều cá thể. Hiện tượng này được gọi là Chimerism, hiện tượng loạn gen trong một cơ thể.
Chimera là hiện tượng loạn gen, thường xảy ra ở các cặp thai đôi.
Trong câu chuyện của Lydia, hiện tượng loạn gen của cô gây ra bởi "hội chứng biến mất song sinh". Nói cách khác, ban đầu, Lydia thuộc một cặp song sinh, tuy nhiên, vì một lí do nào đó mà bỗng dưng "giảm xuống" chỉ còn một em bé. Khi đó, một phôi thai không còn tồn tại nữa, nhưng các tế bào của phôi lại bị hấp thụ bởi phôi còn lại và mẹ. Phôi còn sống sót kết hợp các tế bào từ phôi đã biến mất vào các tế bào của mình, và phát triển thành một em bé chimera.
Và hai người bố trong hai câu chuyện sau cũng tương tự. Họ từng là một cặp song sinh trong bụng mẹ nhưng sau đó một bào thai biến mất và cơ thể họ "hấp thụ" mẫu gen từ em trai. Đến khi có con, em bé đã được di truyền mẫu gen từ "người chú" đã mất chứ không phải từ bố.