Nước vo gạo được cho là loại "nước vàng" trong chăm sóc hoa, cây cảnh. Trong nước vo gạo có chứa nhiều thành phần có lợi như tinh bột, vitamin nhóm B (B1, B3, B5) và các khoáng chất như kali, phốt pho, sắt, kẽm… giúp cung cấp dinh dưỡng cho cây, thúc đẩy sự phát triển của rễ, thân và lá.
Bên cạnh đó, nước vo gạo còn nuôi dưỡng các vi sinh vật có lợi trong đất, giúp đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng hơn và hạn chế một số loại vi khuẩn, nấm gây hại ở mức độ nhẹ. Việc tưới nước vo gạo đều đặn 1–2 lần mỗi tuần còn giúp cây giữ ẩm tốt, đặc biệt trong điều kiện thời tiết khô hạn.
Tuy nhiên, nếu biết cách thêm vào đó một vài nguyên liệu, bạn sẽ tạo ra loại phân bón tự nhiên mạnh gấp 10 lần so với nước vo gạo thông thường, giúp cây trồng lớn nhanh, xanh mướt và khỏe mạnh hơn gấp nhiều lần.
1. Đường nâu
Đường nâu không chỉ thúc đẩy quá trình lên men nhờ vào lượng đường tự nhiên cao mà còn bổ sung khoáng chất và vi lượng cho cây trồng.
Cách làm rất đơn giản, bạn hãy đổ nước vo gạo vào chai nhựa 5 lít, đừng đầy quá, khoảng 80% là vừa. Thêm vào đó một muỗng nhỏ đường nâu, lắc đều rồi đậy kín nắp để bắt đầu quá trình lên men.
Mỗi hai ngày nên mở nắp một lần để xả bớt khí. Sau khoảng 20 ngày, dung dịch đã lên men là có thể sử dụng, nhưng nhớ pha loãng với nước theo tỷ lệ 1:20 trước khi tưới lên cây.
2. Bã rượu
Bã rượu là phần cặn còn lại sau khi nấu rượu, là một nguyên liệu cực kỳ lý tưởng để ủ phân nhờ chứa men rượu và vi khuẩn lactic tự nhiên. Khi kết hợp với nước vo gạo, hỗn hợp này không chỉ rút ngắn thời gian lên men mà còn bổ sung nhiều chất dinh dưỡng hơn cho cây trồng nhờ hàm lượng protein thô và axit amin.
Không những vậy, phân bón ủ từ bã rượu không có mùi hôi như các loại phân hữu cơ khác, ngược lại, lại có mùi thơm nhẹ như rượu gạo.
Để kết hợp bã rượu với nước vo gạo, bạn hãy cho 30g bã rượu vào 5 lít nước vo gạo, khuấy đều và đậy kín. Mở nắp định kỳ để xả khí, sau khoảng 10 ngày, nước sẽ trong hơn. Lúc này, bạn có thể chắt ra pha loãng với nước theo tỷ lệ 1: 20 để tưới cây. Phần bã phía dưới có thể tiếp tục ủ hoặc trộn cùng rác hữu cơ để làm đất mùn.
3. Vỏ cam, quýt, bưởi
Trong quá trình lên men, tinh dầu từ các loại vỏ này giúp khử mùi và tăng độ chua nhẹ cho dung dịch, rất thích hợp với các loại cây ưa đất chua như lan chi, trầu bà, dương xỉ, hoa dành dành,…
Bạn chỉ cần cho vỏ cam, quýt,... còn dư vào nước vo gạo và đậy kín để lên men. Sau vài tuần, dung dịch đã lên men hãy mang pha loãng với nước theo tỷ lệ 1:20 để tưới cây. Dung dịch này sẽ giúp cây mọc nhiều nhánh, lá xanh bóng tràn đầy sức sống.
4. Sữa chua
Sữa chua chứa nhiều lợi khuẩn như lactobacillus và nấm men, có thể đẩy nhanh quá trình lên men mà không gây ra mùi hôi. Vì vậy nếu có sữa chua hết hạn, hoặc sau khi ăn sữa chua xong, bạn có thể dùng nước tráng vỏ rồi đổ thẳng vào nước vo gạo, đậy kín ủ trong 10-15 ngày.
Sau thời gian này, hãy pha loãng với nước theo tỷ lệ 1:10~20 lần để tưới cây, 15 ngày/lần.
5. Bia
Bia chứa nhiều dưỡng chất như đường, axit amin và phosphate, rất phù hợp để ủ cùng nước vo gạo. Sự kết hợp này không chỉ giúp tăng tốc độ lên men mà còn tăng chất dinh dưỡng trong phân bón. Bạn có thể dùng phần bia còn thừa hoặc nước rửa chai bia đổ vào nước vo gạo theo tỉ lệ 1:1, rồi đậy kín và đem ra nơi có nắng để lên men.
Vào mùa hè, chỉ cần ủ khoảng 10 ngày, mùa thu hoặc đông thì mất khoảng 20 ngày. Sau khi lên men, pha loãng với nước theo tỷ lệ 1: 50 rồi tưới cây định kỳ 2 tuần/lần. Loại phân này phù hợp với nhiều cây cảnh như lan chi, lan quân tử, trầu bà, hoặc dành dành,...
6. Bột quế
Bột quế không chỉ có hương thơm dịu nhẹ mà còn có tác dụng kháng khuẩn, khử trùng rất tốt. Khi thêm vào nước vo gạo để ủ, bột quế giúp ngăn ngừa sự sinh sôi của vi khuẩn có hại và côn trùng trong quá trình lên men.
Cách làm rất đơn giản, hãy pha một muỗng bột quế với một ít nước cho tan, sau đó đổ vào nước vo gạo, lắc đều rồi đậy kín. Sau khoảng 20 ngày, bạn có thể mang ra sử dụng mà không lo mùi hôi hay bị ruồi bọ kéo đến.
Ngoài các nguyên liệu kể trên, bạn còn có thể kết hợp nước vo gạo với chế phẩm sinh học EM, bột vỏ trứng, vỏ rau củ, bã thuốc bắc... Tất cả đều có tác dụng tăng cường chất dinh dưỡng, cải tạo đất và kích thích cây trồng phát triển mạnh mẽ hơn. Những công thức đơn giản này không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn cực kỳ thân thiện với môi trường.