Ngôi nhà này mang tên “Bánh Cam” ở Tây Ninh, là món quà mà nữ nhiếp ảnh gia dành tặng bố mẹ và anh chị em của mình.
Do Tây Ninh là vùng có khí hậu nóng bức nên nhóm kiến trúc sư (KTS) đưa ra giải pháp là tận dụng chiều sâu lý tưởng của công trình để tạo ra một không gian xanh xuyên suốt toàn bộ chiều dài ngôi nhà.
Trọng tâm của thiết kế là góc nhìn rộng mở tối đa về phía sân vườn, trong đó tất cả các không gian chức năng đều hướng tầm nhìn về phía mảng xanh để mọi người trong nhà đều cảm thấy được hoà mình vào thiên nhiên xanh mát.
Do chú trọng vào không gian bên trong nên mặt tiền ngôi nhà được thiết kế đơn giản với bậc tam cấp phân chia khu vực sảnh ngoài và sân trước.
Ở khoảng sân vườn, gia chủ trồng nhiều loại cây có khả năng làm mát, thanh lọc không khí như bàng Singapore, chuối cảnh,…
Điểm nhấn của ngôi nhà chính là dãy hành lang dài chạy dọc, kết nối các không gian với nhau và đây cũng chính là khu vực trung tâm giữa các phòng chức năng và sân vườn. Thay vì sử dụng vách ngăn tường hay cửa kính, nhóm thiết kế bố trí dạng hiên mở nhằm tối ưu khí tươi và ánh nắng vào bên trong.
Không gian bên trong các phòng chức năng thoáng rộng và có khả năng linh hoạt khi có đông người. Khu vực phòng khách và bếp ăn được đặt tại vị trí trung tâm của ngôi nhà, giúp kết nối các thành viên trong gia đình với nhau.
Nội thất của bếp được thiết kế tối giản với hệ tủ bếp đóng chạm trần để tối ưu diện tích để đồ.
Phòng tắm – nhà vệ sinh được ốp gạch thẻ màu trắng để tăng độ sáng cho không gian. Trong đó phòng tắm được kết nối với sân vườn nhờ khoảng thông tường lớn.
Để giảm thiểu ánh nắng nóng rát hay mưa, gió, KTS thiết kế hàng hiên sâu và thấp kết hợp với hệ thống rèm tre theo phong cách của ngôi nhà Việt xưa.
Điều đặc biệt nhất là nhà “Bánh Cam” bố trí rất ít cửa, chủ yếu là không gian mở nhằm mang đến một tổng thể thoáng đãng, gần gũi với thiên nhiên.
Bản vẽ mặt bằng và mô phỏng không gian công trình.