Bàn trà là món đồ nội thất từng được xem là tiêu chuẩn không thể thiếu trong phòng khách, từ lâu đã chiếm giữ vị trí trung tâm về thị giác và chức năng. Thiếu nó, cảm giác như cả thiết kế ngôi nhà mất đi điểm nhấn, trở nên không hoàn chỉnh.
Tuy nhiên hiện nay, bàn trà đang có dấu hiệu "thất sủng", trong không ít thiết kế nội thất, nó không còn là "nhân vật chính" bất di bất dịch trong phòng khách nữa, mà đang dần dần rút khỏi các gia đình. Đằng sau sự thay đổi này là sự chuyển biến âm thầm trong lối sống và gu thẩm mỹ nội thất của con người.
Lý do khiến ngày càng nhiều người từ bỏ bàn trà ra khỏi phòng khách
- Chiếm quá nhiều diện tích
Nhược điểm lớn nhất của bàn trà là chiếm diện tích. Thông thường bàn trà có kích thước khá lớn, chiếm không ít không gian phòng khách, khiến cho căn phòng vốn đã không rộng rãi càng trở nên chật chội hơn.
Đặc biệt đối với các căn hộ nhỏ, từng tấc đất đều quý giá, nếu lại đặt thêm một chiếc bàn trà lớn thì không chỉ làm hạn chế không gian di chuyển, mà còn khiến toàn bộ phòng khách trở nên ngột ngạt.
Chị T., một cư dân mạng chia sẻ: “Chiếc bàn trà là quyết định thiết kế khiến tôi hối hận nhất. Không dùng thì tiếc, để lại thì vướng víu, làm cho không gian lúc nào cũng có cảm giác chật chội, bị bó hẹp”.
- Nguy cơ mất an toàn
Không chỉ chiếm chỗ, bàn trà còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, đặc biệt là với trẻ em. Có không ít trường hợp trẻ em bị rách trán và phải khâu nhiều mũi do va vào góc bàn trà. Gia đình không kịp dán viền chống va đập, tai nạn xảy ra chỉ trong tích tắc.
Không ít người cũng thừa nhận từng bị va chân, đập gối khi đứng lên đột ngột hoặc di chuyển trong phòng khách. Với thiết kế nhiều cạnh sắc, bàn trà trở thành vật dụng dễ gây tai nạn trong những không gian sinh hoạt hẹp.
- Dễ trở thành nơi chứa đủ thứ đồ lặt vặt
Một thực tế không thể phủ nhận, bàn trà rất dễ trở thành nơi chứa đủ thứ đồ lặt vặt trong nhà. Mặc dù trên mạng xã hội đầy rẫy những bức ảnh bàn trà tinh tươm, trang trí gọn gàng nhưng đó thường chỉ là những khoảnh khắc “sống ảo”. Thực tế thì... dọn xong chưa được 3 ngày, bàn trà lại trở về trạng thái bừa bộn như cũ.
Lý do đơn giản là bàn trà thường nằm ở vị trí trung tâm, mặt bàn lớn và tiện tay, nên cả nhà ai đi ngang qua cũng có xu hướng “tiện tay đặt tạm” mọi thứ lên đó, từ điều khiển, ly nước, chìa khóa, mỹ phẩm cho đến đơn thuốc, kéo, khăn giấy...
Một cư dân mạng than thở: “Bàn trà nhà tôi chất đầy cốc uống nước, thuốc mỡ, mỹ phẩm, kéo, khăn giấy… Nhìn thôi đã thấy ngột ngạt. Tối đến nhìn là phát cáu, chỉ muốn vứt nó đi cho đỡ bực!”
Trong các gia đình có trẻ nhỏ hoặc người già, vấn đề này còn trở nên trầm trọng hơn khi bàn trà trở thành nơi để thuốc men, đồ chơi, đồ ăn vặt, khiến không gian sống thêm phần lộn xộn và thiếu thẩm mỹ.
- Chức năng đơn điệu
Ngày càng nhiều người nhận ra rằng bàn trà có công năng rất hạn chế, ngoài việc đặt đồ vật thì hầu như không còn giá trị sử dụng nào khác. Nếu trẻ con dùng để viết bài, bàn lại quá thấp, ảnh hưởng xấu đến tư thế và sự phát triển thể chất. Thêm vào đó, khả năng lưu trữ của bàn trà cũng rất giới hạn, không thể giúp phòng khách gọn gàng hơn.
Chính vì vậy, khi ngày càng nhiều người nhận ra điều này, một làn sóng thiết kế loại bỏ bàn trà hoặc giảm vai trò bàn trà đã bắt đầu nổi lên. Xu hướng này nhanh chóng được các gia đình theo đuổi lối sống chất lượng đón nhận và làm theo, nhờ tính ứng dụng cao và cảm giác không gian hoàn toàn mới mẻ mà nó mang lại.
- Khó vệ sinh
Không chỉ dễ bừa bộn, bàn trà còn rất khó lau dọn, đặc biệt là với các loại bàn gỗ nặng, chân thấp, sát sàn. Mặt bàn thường xuyên bị bám bụi hoặc dính nước, trong khi các vật dụng chất đầy khiến việc lau dọn phải qua nhiều công đoạn: dọn đồ – lau bàn – xếp lại – rồi lại bừa như cũ.
Phần gầm bàn lại càng là “vùng đất chết” trong công cuộc vệ sinh nhà cửa. Vì bàn nặng và nằm sát đất, muốn lau sạch phải khiêng hoặc dịch chuyển, rất tốn công và mất thời gian, chưa kể nguy cơ trầy xước sàn nhà.
Đối với những người bận rộn hoặc sống trong căn hộ nhỏ không có nhiều thời gian chăm sóc nhà cửa, bàn trà vô tình trở thành gánh nặng hơn là món nội thất hữu ích.
Những giải pháp thay thế bàn trà được nhiều người yêu thích
- Thiết kế loại bỏ bàn trà
Việc loại bỏ bàn trà khiến không gian trở nên thoáng đãng và dễ chịu hơn nhiều. Phòng khách không còn bị chiếm dụng bởi một món đồ nặng nề ở giữa, trông rộng rãi hẳn ra.
Phòng khách truyền thống thường có bố cục khép kín, với bàn trà ở trung tâm, bao quanh là sofa và tivi – một cách bố trí quá quen thuộc và công năng quá đơn điệu. Khi loại bỏ bàn trà, không gian trở nên linh hoạt hơn, có thể biến thành khu vui chơi cho trẻ nhỏ, khu tập luyện thể thao cho người lớn, hoặc sau này khi con lớn, chỉ cần dọn thảm và đặt một chiếc bàn dài, bạn đã có ngay một khu học tập hay làm việc tại nhà. Việc tận dụng không gian trở nên hợp lý và đa năng hơn nhiều so với việc đặt một chiếc bàn trà lớn giữa phòng.
Còn chuyện tiếp khách thì sao? Hãy thử nghĩ xem, mỗi năm bạn tiếp bao nhiêu khách? Thiết kế không nên chỉ để phục vụ cho những vị khách thỉnh thoảng mới ghé qua, mà cần hướng đến việc tạo ra một không gian sống thoải mái, phù hợp với thói quen của chính bạn và gia đình. Đó mới là một thiết kế lý tưởng.
- Thay bàn trà bằng thảm tatami
Sau khi bỏ bàn trà, bạn trải một tấm thảm tatami lớn ngay giữa phòng khách, biến không gian thành một chiếc “giường lớn” giữa nhà. Có thể gọi đó là phiên bản người lớn của thảm chơi trẻ em, vừa thoải mái, vừa linh hoạt, là nơi cả nhà có thể nằm nghỉ, chơi đùa, đọc sách, thư giãn… mà không bị ràng buộc bởi bố cục cứng nhắc kiểu cũ.
Không gian sống nhờ đó trở nên tự do, phóng khoáng và mang dấu ấn cá nhân rõ nét, điều mà ngày càng nhiều người trẻ tìm kiếm trong thiết kế nội thất.
- Thay bàn trà bằng bàn trà mini, xe đẩy tiện lợi
Tất nhiên, không phải ai cũng sẵn sàng “tuyệt giao” hoàn toàn với bàn trà. Những lúc xem phim hay uống trà cuối tuần, chúng ta vẫn cần một chỗ để đặt ly, đĩa bánh hay sách báo. Khi đó, các mẫu xe đẩy nhỏ gọn, bàn phụ di động là giải pháp cực kỳ hiệu quả. Bạn có thể dễ dàng di chuyển chúng bên sofa, bàn ăn, thậm chí sang phòng ngủ hay làm việc nếu cần.
Thay vì biến mất, bàn trà đang tiến hóa từ một món nội thất cồng kềnh, cố định, trở thành vật dụng linh hoạt, đa năng và “ẩn mình” hơn, phù hợp với nhịp sống hiện đại và nhu cầu cá nhân hóa không gian.