Những ngày gần đây, miền Bắc lại có “đặc sản mùa xuân” – trời nồm. Trời giăng đầy sương mù, sàn nhà và tường “đổ mồ hôi”, độ ẩm không khí cao gây bất lợi cho cuộc sống sinh hoạt của người dân.
Nhưng có lẽ điều khiến nhiều người khó chịu nhất trong mùa nồm ẩm chính là phơi quần áo lâu khô, dù đã giặt giũ nhưng vẫn có mùi ẩm mốc
Trong trường hợp này, nhiều gia đình sẽ sử dụng máy sấy hoặc mang quần áo ra ngoài tiệm giặt là. Tuy nhiên không phải ai cũng có điều kiện để mua máy sấy, để mang đồ ra tiệm giặt.
Nếu giặt đồ tại nhà mà vẫn muốn đồ khô nhanh, thơm tho sạch sẽ, bạn có thể tham khảo 7 cách sau đây:
1. Giặt và phơi quần áo vào sáng sớm
Nhiều người thường giặt đồ vào ban đêm vì khi ấy sẽ có nhiều thời gian hơn. Tuy nhiên, buổi tối không có ánh nắng mặt trời và không có gió, độ ẩm tăng cao. Giặt và phơi đồ vào thời điểm này sẽ khiến quần áo thêm ẩm và gây mùi hôi khó chịu.
Vì vậy tốt hơn hết, bạn nên giặt và phơi quần áo vào sáng sớm. Đây là lúc thời tiết đẹp nhất trong ngày, có đủ thời gian cả ngày để quần áo được khô đều nhất.
Bạn cũng không nên giặt quần áo vào ban đêm, để trong máy giặt rồi sáng mai mới phơi. Vì trong máy giặt, độ ẩm tăng lên, để qua đêm sẽ khiến vi khuẩn và mùi hôi sinh sôi khiến quần áo bốc mùi.
2. Chia quần áo thành nhiều lần giặt, vắt thật khô
Nếu giặt bằng máy, việc giặt quá nhiều đồ sẽ khiến đồ không được vắt kỹ, giặt không sạch. Như thế sẽ khiến quần áo lâu khô và tiềm ẩm nguy cơ gây nấm mốc, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi.
Vì vậy nếu quần áo quá nhiều, không nên nhồi nhét mà nên chia ra thành nhiều lần giặt. Như vậy quần áo vừa được giặt sạch hơn, vắt khô hơn, đồng thời giúp bảo vệ máy giặt.
3. Giặt đồ bằng nước nóng
Vào những ngày nồm ẩm, bạn có thể giặt đồ bằng nước nóng. Tuy sẽ tốn điện, tốn nước hơn một chút nhưng giặt quần áo bằng nước nóng sẽ giúp khử sạch vi khuẩn. Đồng thời, nước nóng bay hơi nhanh hơn nước lạnh, nhờ đó giúp quần áo khô nhanh hơn.
Nếu nhà không có máy giặt, hoặc máy giặt không có chế độ giặt nước nóng, bạn có thể bật bình nóng lạnh hoặc đun nước nóng vừa đủ để giặt. Ở lần giặt cuối cùng, bạn hãy giặt bằng nước ấm, vắt khô quần áo rồi mang đi phơi.
4. Dùng thêm nước xả vải
Với những ngày nắng, đôi khi chẳng cần dùng nước xả vải quần áo giặt xong vẫn thơm tho. Tuy nhiên vào những ngày nồm ẩm, không có nắng, tốt hơn hết bạn nên dùng thêm nước xả vải.
Sử dụng nước xả vải sẽ giúp quần áo của bạn thơm tho hơn. Không những vậy, dùng nước xả vải cũng giúp quần áo nhanh khô hơn, giúp loại bỏ bớt vi khuẩn nên sẽ ngăn chặn được tình trạng bốc mùi trên quần áo.
5. Trải rộng quần áo nhất có thể khi phơi
Sau khi giặt xong, hãy vắt quần áo thật ráo nước, giũ mạnh để đồ không bị nhăn rồi hẵng treo. Nếu nhà không có máy móc gì để hỗ trợ, hãy ủ quần áo trong khăn bông dày một lúc cho khăn hút bớt ẩm rồi đem phơi.
Khi phơi, nên phơi quần áo ở khoảng không gian rộng lớn. Cố gắng trải rộng nhất có thể, đảm bảo khoảng cách giữa hai móc ít nhất là 5cm, khi đó quần áo sẽ khô nhanh hơn.
Phơi bằng sào hoặc dây thiếc quần áo dễ bị dồn lại một chỗ khi có gió thổi qua. Tốt hơn hết bạn nên cố định quần áo bằng kẹp hoặc dùng các loại dây có lỗ, móc cố định để tránh móc phơi quần áo bị xê dịch.
6. Tận dụng quạt sưởi, máy sưởi
Không khí rất cần thiết để quần áo khô nhanh và có mùi thơm. Nếu không có nơi rộng rãi, thông gió để phơi quần áo, bạn có thể tận dụng quạt sưởi hoặc máy sưởi.
Những thiết bị này sẽ tỏa ra nhiệt, làm nóng các phòng nhỏ và ẩm ướt. Đặt giá phơi bên cạnh quạt sưởi, máy sưởi sẽ giúp quần áo của bạn khô sau vài giờ.
Lưu ý, tuyệt đối không sử dụng quạt để hong khô quần áo trong mùa nồm ẩm. Cách này chỉ khiến hơi nước xung quanh ngưng tụ lại nhiều hơn, quần áo lâu khô hơn mà ngay cả nhà bạn cũng sẽ “đổ mồ hôi” nhiều hơn mà thôi.
7. Ủi đồ trước khi phơi và ủi trước khi mặc
Nếu không có quạt sưởi cũng chẳng có máy sấy, bạn có thể sử dụng bàn ủi đa năng để giúp quần áo nhanh khô. Chúng không chỉ có thể làm thẳng đồ mà nhiệt tỏa ra từ bàn ủi cũng giúp quần áo nhanh khô hơn.
Cụ thể sau khi giặt đồ xong, bạn hãy vắt quần áo thật ráo nước rồi trải ra mặt phẳng. Dùng bản ủi khô để ủi đồ rồi mang ra phơi.
Để chắc chắn đã loại bỏ hết vi khuẩn trong quần áo, trước khi mặc bạn cũng có thể mang đồ ra ủi lần nữa hoặc dùng máy sấy để sấy qua quần áo. Việc này không chỉ giúp loại bỏ hơi ẩm còn đọng lại mà còn giúp diệt toàn bộ vi khuẩn trong quần áo, đồng thời khiến đồ vào nếp gọn gàng hơn.