Trong những ngày giáp Tết, rất nhiều người đã chọn mua cây hoa hồng trồng chậu để chưng. Cây hoa hồng có khả năng sống rất lâu và sẽ cho hoa liên tục trong mỗi tháng nếu các chậu hoa hồng sau khi chưng Tết được chăm sóc lại đúng cách.
Như vậy để đỡ phí của đừng vội vứt đi bạn có thể mang lên sân thượng nhà mình trồng theo cách sau:
1. Cắt tỉa nhánh cho cây hoa hồng
Những chậu hoa hồng sau Tết khi hoa đã bắt đầu tàn 2/3 số hoa trên cây thì nên tiến hành cắt tỉa hết các nhánh để dưỡng cây mau phục hồi sau đợt hoa Tết. Khi cắt tỉa, các nhánh nên cắt sâu từ 2-4 tầng lá.
2. Thay chậu cho cây hoa hồng
Sau khi cắt tỉa nhánh hoa hồng đã xong, ta sẽ thay chậu cho chậu hồng. Để thuận tiện cho việc chăm sóc sau này, có thể dùng chậu nhựa vừa rẻ tiền vừa thuận tiện cho việc di chuyển chậu hoa hồng (nhưng tốt nhất là trồng chậu gốm hoặc chậu sành để bộ rễ cây hoa hồng phát triển tốt vì chậu nhựa nắng rọi vào khá nóng rễ cây hoa hồng). Hoặc có thể tận dụng các bồn hoa xung quanh nhà để đặt cây hoa hồng xuống đất.
Để hoa hồng có thể ra rễ và cho nhiều hoa nên chọn chậu trồng lại có kích thước tương đối cỡ đường kính chậu từ 25-30 cm, chiều cao từ 30-35 cm.
Trường hợp ở nhà có sẵn bồn đất thì tận dụng trồng lại hoa hồng thẳng vào bồn nhưng phải nhớ xới xáo đất và thêm đất phân cho cây hoa hồng mau phát triển.
3. Cách trồng cây
Khi trồng cây hoa hồng trở lại vào đất, thao tác nhẹ nhàng hạn chế thấp nhất không gây tổn thương đến bộ rễ cây. Lưu ý khi trồng nhớ đặt bộ rễ trên lớp đất dầy 10-15 cm và tại giữa chậu xong lấy đất trồng cây nén lại xung quanh giúp cây vững vàng không bị lung lay gốc, tưới nước đẫm thường xuyên sau khi trồng.
Để cây ra hoa thường xuyên nên để chậu nơi có ánh nắng chiếu vào buổi sáng từ 4-5 giờ chiếu sáng (hướng đông). Nếu để cây hoa hồng hướng tây cây cũng ra hoa nhưng lá bị vàng do bị nắng gắt kéo dài. Ngược lại nếu không đủ ánh sáng , cây hoa hồng rất khó ra hoa.
4. Bón phân bón
Sau khi cây hoa hồng đã thay chậu, cây hoa hồng cần nhiều Đạm (N), và Lân (P2O5) để kích thích cây hoa hồng đâm chồi, to nhánh. Đồng thời cũng cần bổ sung thêm 1 số phân vi lượng như Sắt, Kẽm, Magie…
+ Phân bón hữu cơ HVP 301 có 20% hữu cơ, 3 % đạm và 3 % lân và các vi lượng đi kèm với phân bón.
+ Hoặc các loại phân bón dạng hạt NPK như NPK 20-20-15 (20% Đạm N, 20% Lân P2O5 ) bón vào chậu hoa hồng.
5. Phun thuốc phòng nấm bệnh và nhện đỏ, bọ trĩ cho chậu hoa hồng
Sau cùng của quá trình chăm sóc cây hoa hồng sau Tết là phun 1 lần thuốc phòng ngừa nấm bệnh cho cây.
Lưu ý: Tỉa bỏ lá già khô, lá vàng, các nhánh ốm yếu không cho hoa để hạn chế mầm bệnh khi có thời tiết bất thường. Nếu người trồng hoa có thời gian nên bón thêm phân bón lá để bổ sung phân vi lượng và vitamin giúp cây xanh tốt.