Các mảnh chậu, chum vỡ với nhiều người là sản phẩm không có giá trị, đem vứt đi thành “rác”. Nhưng với anh Huynh (Từ Sơn, Bắc Ninh) những thứ không giá trị đó lại được anh trân trọng và mong muốn có được.
“Tôi đã phải đi xin ở khắp nơi. Nhìn thấy mảnh chậu, chum vỡ ở đường, tôi cũng phải dừng lại nhặt bỏ vào túi để đem về”, anh vui vẻ chia sẻ.
Với anh Huynh, những mảnh vỡ đó rất đáng trân trọng. Anh đem về và tạo tác ra các sản phẩm mang giá trị nghệ thuật cao và có thể bán chúng cho những người có nhu cầu.
Những tác phẩm anh Huynh làm từ chum, chậu vỡ.
Theo anh, những chum, chậu bằng gốm đều là sản phẩm đặc trưng của nước ta từ xa xưa. Nhìn thấy nó, chúng ta nghĩ ngay đến cha ông ta ngày xưa... Khi xã hội hiện đại hóa, các sản phẩm này dường như không còn xuất hiện trong các gia đình Việt. Họ thường để một chỗ góc vườn hoặc đem vứt đi.
Điều đó đã khiến anh suy nghĩ về việc xây dựng “cái đẹp” từ những sản phẩm này để phục vụ nhu cầu của bản thân. Sau quá trình tìm hiểu, vào năm 2017, anh đã bắt tay vào làm các tác phẩm nghệ thuật có sự kết hợp của những mảnh chậu, chum vỡ cùng cây cảnh... Để qua đó, anh cũng muốn nhắc nhở mọi người với thông điệp: “Đổ vỡ chưa chắc đã là thứ bỏ đi”.
Đây là tác phẩm đầu tay của anh, ban đầu làm chưa có gì đẹp nhưng sau năm tháng mọi thứ hoàn thiện và đẹp hơn.
Khi tác phẩm đầu tiên hoàn thiện, anh cũng đem khoe với bạn bè và đăng lên mạng xã hội. Anh được rất nhiều người xem ủng hộ và thích thú. “Tôi nghĩ họ cảm nhận được chút hoài niệm với những sản phẩm mang hương vị của dân tộc giống như tôi nên họ mới có thái độ như vậy”, anh nói.
Nhờ sự động viên và khích lệ của mọi người, anh Huynh có động lực hơn trong việc làm các tiểu cảnh này. Dù khó khăn, anh vẫn cố gắng làm để không phụ lòng mong mỏi của những người yêu thích. Nói về những khó khăn, anh cho biết: “Khó khăn lớn nhất là không có nhiều lựa chọn về vật liệu để làm. Và những mảnh chum, chậu vỡ cũng không có nhiều để tôi sử dụng vào quá trình tạo tác phẩm”.
Xuất phát điểm của anh cũng không phải người làm vườn, anh gặp khó khăn trong việc chăm sóc bonsai và việc lựa chọn cây khi trồng. Vì phần quan trọng nhất trong tiểu cảnh này là cây bonsai. Vì không gian hẹp nên cây phải nhỏ và có thể sống được trên đá, cần ít nước. Sau này, anh đã tham gia nhiều hội nhóm và đã có kinh nghiệm hơn.
Sau 3 năm làm, anh đã biết nhiều hơn về cách chăm sóc cây. Tuy nhiên, anh làm chủ yếu vì đam mê nên chưa dành toàn bộ thời gian và thực sự đầu tư cho nó. “Mọi người vẫn động viên làm nhiều để bán vì họ thấy được “hồn” trong tác phẩm của mình. Nhưng thực sự tôi rất bận công việc hiện tại, tôi không có thời gian nhiểu để làm. Chỉ những lúc rảnh rỗi, tôi mới làm một chút”, anh chia sẻ.
Anh trưng bày các tác phẩm của mình khắp sân nhà.
Hiện tại, anh đã có khoảng hơn 20 tác phẩm để ở sân vườn. Anh cũng bán một số chậu tiểu cảnh của mình cho bạn bè, người quen với giá chỉ khoảng 1-2 triệu đồng/chậu.
“Vì những chậu tiểu cảnh này hầu hết tôi đều tận dụng các nguyên, vật liệu từ thiên nhiên, những mảnh chậu vỡ, các viên đá, rêu, thậm chí là cây cũng đi nhặt về. Một số cây mua nhưng cũng không mua giá cao, chỉ khoảng 500.000 – 700.000 đồng/cây”, anh cho hay.
Theo anh, tiểu cảnh này làm không mất quá nhiều thời gian, chỉ cần nửa buổi là hoàn thiện một tác phẩm. Vì thế, anh cũng suy nghĩ đến việc sẽ chuyển sang làm vườn tập trung hơn vào một thời điểm nào đó.