Hỏa hoạn từ thiết bị thiết yếu trong nhà
Việc lắp đặt một chiếc quạt thông gió là vô cùng cần thiết vì không chỉ làm cho không gian thêm sang trọng mà còn làm không khí bị ô nhiễm trở nên trong lành hơn. Trong những không gian sống hiện đại ngày nay, quạt thông gió ngày càng trở thành một thiết bị nội thất quan trọng và không thể thiếu. Tuy nhiên, nếu không cẩn thận, thiết bị này lại là nguyên nhân gây hỏa hoạn.
Điển hình một vụ cháy từng xảy ra tại quán Beer - Club ở Cầu Giấy, Hà Nội khiến toàn bộ tài sản thiêu rụi. Thủ phạm xác định gây cháy chính là quạt hút mùi, quạt thông gió hoạt động trong nhiều tháng không bảo dưỡng lau chùi. Rất may lực lượng chức năng có mặt kịp thời dập tắt đám cháy ngay sau đó, nên không có thiệt hại về người.
Ở các nước khác, như Trung Quốc cũng đã xảy ra sự việc nhà vệ sinh phát nổ. Bồn cầu, bồn rửa tay và các vật dụng đều hư hỏng, may mắn khi sự việc xảy ra không có thiệt hại về người. Sau khi cơ quan chức năng tiến hành điều tra làm rõ, nguyên nhân của vụ nổ đã được xác định là do quạt thông gió đã bị chập cháy.
Ảnh TL
Theo PGS.TS Nguyễn Trường Luyện – nguyên cán bộ Viện Vật lý kỹ thuật (Đại học Bách khoa Hà Nội), nguy cơ chập điện, gây cháy nổ từ quạt thông gió có thể xảy ra sau một thời gian dùng hoặc việc lắp đặt không đúng cách. Do đó, mọi người cũng lưu ý thường xuyên kiểm tra xem quạt hút có hoạt động bình thường hay không. Nếu như quạt lại phát ra tiếng động lạ càng cần phải chú ý.
Thông thường quạt thông gió, quạt hút mùi thường được lắp đặt ở những vị trí cao, khuất tầm nhìn nên đa phần mọi người ít chú ý. Hơn nữa, mọi người thường nghĩ không cần vệ sinh quạt thông gió, vì quạt giúp loại bỏ bụi bẩn ra ngoài.
Tuy nhiên, quạt thông gió cũng giống như quạt thông thường khác cần được vệ sinh thường xuyên để bảo vệ quạt. Việc không được vệ sinh thường xuyên không chỉ ảnh hưởng tới thiết bị mà còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ do hiện tượng quá nhiệt, ảnh hưởng đến quá trình lọc khí. Nhất là ở khu vực bếp, quạt dễ bị dầu mỡ bám vào, khi bật quạt không hoạt động được lại không biết dẫn tới chập cháy.
Lưu ý khi vệ sinh quạt thông gió
Theo các chuyên gia khuyến cáo, các gia đình khi trang bị quạt thông gió cần định kỳ kiểm tra. Tốt nhất vẫn nên báo thợ chuyên nghiệp để họ tới bảo dưỡng, vệ sinh, kiểm tra tránh các sự cố. Một năm nên kiểm tra ít nhất một lần.
Quạt thông gió cần được vệ sinh thường xuyên
Nếu tự vệ sinh quạt thông gió, mọi người cần lưu ý:
+ Đầu tiên, ngắt nguồn điện vào thiết bị. Tùy vào vị trí và hệ thống lắp đặt mà người dùng có thể ngắt cầu giao hoặc rút phích cắm điện nối quạt với ổ cắm.
+ Sau khi đã ngắt nguồn điện, tháo mặt mặt ngoài của quạt thông gió. Do thường nằm ở những vị trí cao, người dùng sẽ cần sử dụng thang hoặc một chiếc ghế chắc chắn để thực hiện công việc này. Bên cạnh đó, nếu chuẩn bị được một vật dụng để hứng bụi rơi ra từ quạt thì càng tốt.
+ Tiếp đó tháo quạt ra khỏi giá đỡ. Cần thực hiện cẩn thận, tránh để quạt rơi từ trên cao xuống vì có thể làm cánh quạt bị hỏng, gãy, làm quạt kêu to hoặc hoạt động kém hiệu quả.
+ Dùng hút bụi hoặc xả dưới vòi nước, rồi dùng khăn mềm để làm sạch các loại bụi bẩn là xong. Mọi người cũng có thể hòa nước xà phòng để tẩy rửa những lớp bụi bẩn. Với phần vỏ quạt thông gió, có thể dùng khăn mềm vệ sinh. Trước khi lắp lại, cánh quạt nên được lau hoặc phơi khô.
Với trường hợp quạt thông gió ở khu vực nhà bếp dễ bám dầu mỡ, mọi người có thể dùng mùn cưa vệ sinh. Bạn có thể dùng vải thưa bọc mùn cưa để lau sạch lớp cặn dầu này ở cả mặt trong và ngoài của lớp vỏ quạt và cánh quạt. Ở những khu vực bị khuất nên dùng tăm bông để lau.