Được sống trong không gian rộng rãi, có sân vườn thoáng đãng và khí hậu trong lành là niềm mong ước của rất nhiều người. Ở đó có vài luống rau, ao cá, đặt một vài tiểu cảnh, sắp đặt một góc nghỉ để trà nước thư thái.
Căn nhà vườn trên diện tích 7000m² của cô giáo về hưu Nguyễn Thị Bích Liên (59 tuổi) tại huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình là một trong những không gian trong lành như vậy.
Căn nhà sàn nằm trên diện tích 7000m² được cô Liên cùng ông xã thiết kế khá độc đáo song không kém phần duyên dáng.
Cô Liên chia sẻ, bản thân cô là giáo viên về hưu, sinh ra và lớn lên ở thủ đô Hà Nội, còn ông xã cô là kiến trúc sư với nhiều năm trong nghề. Vì yêu thích chốn thôn quê yên bình cô đã tính đến chuyện sẽ mua mảnh đất cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng một giờ đồng hồ chạy xe.
Nghĩ là làm, năm 2001 cô Liên tìm đến thung lũng nhiều gió và cây cối thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình mua lại mảnh vườn của một vài hộ gia đình có diện tích rộng 7000m² cùng vườn cây ăn quả có sẵn, thêm 1 - 2 căn nhà cấp 4 bị đổ nát vì lâu ngày không có người dùng đến.
Giới thiệu về khu đất được 2 vợ chồng lựa chọn, cô Liên cho biết đó là một khu vườn nằm giữa một thung lũng, xung quanh là đồi núi nên khí hậu rất tuyệt, đông ấm, hè mát, bởi vậy cây cối của vườn luôn xanh tươi.
Mua đất từ năm 2001 nhưng phải đến tận 4 năm sau đó cô mới có thời gian để bắt đầu quy hoạch dần dần. Mỗi năm làm một chút và đến năm 2012, ngôi nhà vườn mới hoàn chỉnh. Nhà sàn được vợ chồng cô thiết kế trên khoảng diện tích 110m², đủ để tạo nên không gian dung dị, đời thường để bạn bè, người thân có thể đến chơi và nghỉ ngơi tại đây.
Ngôi nhà vườn được thiết kế dựa trên ý tưởng nhà sàn dân tộc, một kiểu nhà phù hợp với không gian vùng núi, hòa mình với thiên nhiên. Tuy nhiên, nếu làm nhà sàn thuần túy thường không có giá trị sử dụng lâu dài, không tiện lợi khi sử dụng, lại hay bị mối mọt, côn trùng bay vào. Vì thế, vợ chồng cô Liên đã quyết định chọn phương án làm biệt thự nhà sàn.
Ngôi nhà vườn được thiết kế dựa trên ý tưởng nhà sàn dân tộc, một kiểu nhà phù hợp với không gian vùng núi, hòa mình với thiên nhiên.
Nói về ngôi nhà sàn “cách tân” của mình, cô Liên cho biết, tầng 1 có không gian mở như nhà sàn truyền thống, nhưng được thi công kiên cố với khung cột bê tông, sàn gỗ mát lạnh, phía trên lợp ngói xanh để không gian nhà dễ dàng cân đối, hài hòa với thiên nhiên.
Để ý sẽ thấy, từ bậc thang tầng 1 bước lên tầng 2, là nơi cô dành nhiều thời gian để trang trí, lựa chọn nội thất. Bên trong ngôi nhà sàn được thiết kế khá nhiều những khung cửa rộng. Ngồi bên trong nhà, mọi người dễ dàng cảm nhận được mây trời trong xanh, vẻ đẹp trong lành của vườn cây, ao cá. Đây cũng là nơi vợ chồng cô dành nhiều tâm huyết trong việc thiết kế, tạo một không gian thuần Việt để giúp bất kỳ ai đến thăm, đều cảm thấy như được về quê của mình, được sống những ngày bình yên của thời thơ ấu.
Cách bố trí không gian đơn giản, nhường lại cho vẻ đẹp dịu dàng, thân thiện của gỗ, sàn gỗ, tường gỗ, bàn trà bằng gỗ, tủ gỗ… Tất cả những nội thất, vật dụng trang trí đều được bố trí, sắp đặt khéo léo, tạo vẻ đẹp tinh tế đầy tính nghệ thuật cho từng góc nhỏ.
Ngoài không gian chính là phòng nghỉ ngơi, một không gian đầy ắp kỷ niệm với những tác phẩm nghệ thuật, những đồ lưu niệm được gia đình chọn trong những chuyến du lịch, hay những nội thất được chăm chút, chọn lựa kỹ lưỡng trước khi sắp xếp một cách khéo léo trong phòng.
Tất cả nội thất và đồ đạc được bài trí hài hòa trong tổng thể không gian. Mọi chi tiết đều đẹp như một bức tranh trữ tình, đều dịu dàng, nên thơ, đều mang đến những ấn tượng đẹp đẽ dành cho mọi người khi có cơ hội được đến thăm ngôi nhà vườn xinh xắn.
Cách bố trí không gian đơn giản, nhường lại cho vẻ đẹp dịu dàng, thân thiện của gỗ, sàn gỗ, tường gỗ, bàn trà bằng gỗ, tủ gỗ…
Không gian gần gũi của ngôi nhà vườn con bị hút hồn bởi vẻ đẹp của vườn rau xanh mướt một màu, với hàng cau già in bóng xuống mặt nước trong xanh, nơi có những đàn cá bơi lội tung tăng bên những bông súng đang vươn mình tỏa sắc duyên dáng trong nắng.
Nếu một lần được đến thăm ngôi nhà vườn của cô Liên, chắc hẳn ấn tượng để lại không thể không nhắc đến nét thanh tịnh, bình yên của cuộc sống đậm chất thôn quê. Trong vườn cô trồng một số loại cây ăn quả như mít thái, bưởi diễn, nhót, na... Cùng nhiều loại ra như rau muống, rau dền, rau ngót, rau cải, rau gia vị các loại..., mùa nào thức đấy.
Không gian gần gũi của ngôi nhà vườn con bị hút hồn bởi vẻ đẹp của vườn rau xanh mướt một màu.
Với hàng cau già in bóng xuống mặt nước trong xanh, nơi có những đàn cá bơi lội tung tăng bên những bông súng đang vươn mình tỏa sắc duyên dáng trong nắng.
Vì yêu hoa, yêu cây nên cô Liên dành nhiều thời gian để chăm chút cho khu vườn. Cô thường chọn những loại cây hoa dễ chăm sóc, có thể tự giâm cành để nhân giống như hồng quế, ngọc thảo, cúc mặc trời, hoa giấy, ngũ sắc, dâm bụt… Những loại hoa dễ dàng sống trong mọi thời tiết, dễ dàng tỏa sắc hương để mang đến vẻ đẹp rực rỡ, xinh xắn cho tổ ấm của gia đình.
Theo cô Liên, khu vườn đã tiếp nhiều bạn bè, người quen đến chơi và đều để lại kỷ niệm sâu sắc trong lòng mỗi người. Cô nói: “Mọi người đều rất thích khi đến chơi ở đây và để lại nhận xét rằng: Đây là một công trình độc đáo song không kém phần duyên dáng”.
Để tích lũy cho mình nhiều hơn nữa kinh nghiệm chơi hoa và cây cối, cô Liên đã tham gia vào các hội yêu hoa và chia sẻ giống hoa miễn phí… Mọi người trong hội tư vấn cách trồng hoa, cách giâm cành và được tặng nhiều cây giống, hạt hoa.
Nhìn ngắm không gian sống trong lành do hai vợ chồng chăm chút, cô Liên xúc động: “Mỗi sáng thức dậy, ngắm khu vườn tràn ngập màu xanh của hoa lá cỏ cây, hít hà hương thơm của các loại hoa đang đua nhau nở như hoa cau, hoa sen, hoa hồng... cô thấy lòng bình yên và thấy mình là một người may mắn”.
Từ khu vườn xanh mướt của mình, cô Liên nhắn nhủ đến mỗi chị em, hãy cố gắng tạo ra một góc vườn dù rất nhỏ cho không gian sống của mình, dù chỉ là ban công của chung cư, một chút màu xanh của cây, một chút hương thơm của hoa sẽ mang đến năng lượng sống cho ta mỗi ngày.
Khu vườn đã tiếp nhiều bạn bè, người quen đến chơi và đều để lại kỷ niệm sâu sắc trong lòng mỗi người.