Mang niềm đam mê mãnh liệt với đồ cổ và bát đĩa sứ truyền thống, anh Phạm Văn Hai ở Cần Thơ đã dành nhiều năm để trang trí ngôi nhà của mình với gần 5.000 chiếc bát, đĩa và bình sứ giá trị.
Ghé thăm căn nhà của anh Hai, nhiều người không khỏi khen ngợi gia chủ khi dày công sưu tầm hàng nghìn món đồ xưa quý hiếm, phủ kín ngôi nhà 2 tầng.
Nơi đây vừa là quán café trưng bày đồ xưa, cũ, vừa là nơi ở của anh Hai, đồng thời còn là nơi anh cùng bạn bè giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm về cổ vật.
Theo chủ nhân quán cafe, những món đồ cổ được trang trí, dán kín tường cả trong lẫn ngoài ngôi nhà đều có tuổi đời từ thời văn hóa Óc Eo cho đến gần 100 năm tuổi.
Ngoài những món gốm sứ cổ, anh Hai còn sưu tầm nhiều cổ vật bằng đồng, đèn dầu, máy móc, lư, tiền cổ…
Trong bộ sưu tập của người đàn ông này có hơn 3.000 món đồ gốm sứ được bố trí ở các vách nhà, ngoài ra còn có khoảng 2.000 món bằng đồng và các chất liệu khác.
Trong số đó có nhiều món quý hiếm như gốm Chu Đậu, bộ lư đồng, thố cổ từ năm 1937…
Theo anh Hai chia sẻ, chiếc thố cổ năm 1937 được anh sưu tầm ở Trà Vinh. Đây là vật dụng thuộc sở hữu của một công nhân năm 1937.
Chiếc thố này được dùng để đựng tiền dành dụm của chủ cũ.
Anh Hai bỏ ra hơn 4 năm trời để sưu tầm các món đồ cổ, đồ gốm sứ. Anh không nhớ nổi đã chi bao nhiêu tiền để sở hữu số tài sản quý giá này, vì theo anh Hai, nó xuất phát từ niềm đam mê chứ không phải vì mục đích thương mại.
Cổ vật Động Thủy Liêm của anh Phạm Văn Hai được Trung tâm nguyên cứu, bảo tồn cổ vật UNESCO Việt Nam đem đi tham gia triển lãm tại Festival làng nghề truyền thống tại Huế năm 2009.
Từng không gian của căn nhà đều được gia chủ khéo léo bài trí với những món đồ cổ đẹp mắt.
Anh Hai còn sáng tạo kết hợp những món đồ xưa, đồ cổ lại với nhau bằng lối thiết kế độc đáo, tạo điểm nhấn cho ngôi nhà.
Những bộ đồ bằng sứ quý hiếm được cất trong tủ kính, dựng sát tường bên trong căn nhà.
Anh Phạm Văn Hai hiện được xem là người sở hữu nhiều bộ thố cổ nhất nhì miền Tây.