Không chỉ đẹp, lưỡi hổ còn có khả năng thanh lọc không khí mạnh mẽ, xua đuổi tà ma và mang đến tài lộc cho gia chủ. Chính vì vậy, loại cây “mạ vàng dát bạc” này đã được nhiều người chọn trồng trong nhà.
Khi nào cây lưỡi hổ ra hoa?
Tin chắc rằng nhiều người không biết lưỡi hổ có hoa, nghĩ đây chỉ là loại cây cảnh ngắm lá. Cũng đúng thôi vì loại cây này rất hiếm khi nở hoa, nên không phải ai cũng được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của loại hoa này.
Thông thường, cây lưỡi hổ có tuổi đời từ 5 năm trở lên mới có khả năng ra hoa, với điều kiện là bạn phải chăm sóc cây đúng cách. Đến lúc đó, cây sẽ ra hoa thường xuyên từ tháng 9 đến tháng 2 hàng năm.
Hoa lưỡi hổ có màu trắng hoặc trắng xanh, trắng vàng. Hoa mọc thành từng cụm theo cành. Hoa gồm có 6 cánh, cánh hoa dài khoảng 3,5cm và có mùi thơm dịu dễ chịu.
Hoa thường nở về tầm chiều, khoảng 4 giờ chiều mới bắt đầu hé cánh chứ không bao giờ nở vào sáng sớm. Thời gian cây ra hoa không dài, khoảng 5-7 ngày là tàn.
Theo phong thủy, cây lưỡi hổ ra hoa là điềm lành, chứng tỏ gia chủ sẽ gặp được nhiều may mắn hơn trong cuộc sống. Không chỉ đường công danh sự nghiệp thuận lợi, ổn định hơn, tiền tài dồi dào mà ngay cả đường tình duyên cũng tốt đẹp. Bởi vậy, nếu ai đang trồng cây lưỡi hổ thì hãy chú ý chăm sóc để cây phát triển tốt, sớm thấy được cây lưỡi hổ ra hoa nhé.
Tưới chút “nước thần” này cây lưỡi hổ cao 1m, hoa nở từng chùm
- Bón phân kali
Sau 5 năm trồng, cây lưỡi hổ bước vào giai đoạn trưởng thành. Giai đoạn này phải đáp ứng đủ chất dinh dưỡng, nhất là phân lân và kali, thì cây mới ra hoa. Bạn có thể dùng phân Huaduoduo 2 hoặc kali dihydrogen phosphate, chúng sẽ thúc đẩy sự phân hóa nụ hoa.
Khi sử dụng, hãy pha loãng với nước theo tỷ lệ 1:1000, mỗi tuần tưới một lần, duy trì 4 lần liên tiếp. Tưới vào gốc và phun lên lá, bằng cách này cây sẽ nhanh chóng ra hoa, hoa nở nhiều.
- Phân trùn quế
Phân trùn quế là một loại phân hữu cơ tự nhiên, giàu phốt pho, kali và các loại axit amin nitrat, có thể đáp ứng nhu cầu sinh trưởng của cây lưỡi hổ. Thậm chí không cần bón thêm các loại phân khác thì lưỡi hổ vẫn có thể phát triển mạnh mẽ và nở hoa. Hơn nữa, loại phân này không cần lên men nên rất tiện lợi.
Để dùng phân trùn quế, bạn có thể trộn với đất trồng hoặc hòa tan vào nước rồi tưới cho cây đều được. Chỉ sau một tháng bón phân trùn quế, bạn sẽ thấy cây có sự khác biệt rõ rệt.
Ngoài ra, nếu muốn lưỡi hổ nở hoa thì bạn cần cho cây phơi nắng thường xuyên. Khi gặp điều kiện ánh sáng phù hợp, cây sẽ phát triển nhanh, đâm nhiều chồi và sớm ra hoa.
Bên cạnh đó, bạn không cần tưới nhiều nước cho cây, tháng tưới 1-2 lần là được. Hãy tuân thủ quy tắc đất khô hẵng tưới, bởi cây lưỡi hổ chịu được hạn, tưới nhiều nước sẽ khiến cây dễ bị thối rễ.