Vẫn biết cầm cuốc làm vườn không phải là điều dễ dàng, nhưng đó là ước mơ của nhiều người, nhất là với những người sống ở thành thị đất chật người đông, không có diện tích để làm vườn. Đây cũng là lý do mà những khu vườn xanh mướt mắt, những giàn cà chua đỏ chót sai lúc lỉu,… luôn khiến mọi người trầm trồ. Và vườn rau của chị Hoàng Ngân (36 tuổi, sống ở Quảng Nam) là một trong số đó.
Chị Hoàng Ngân bắt đầu trồng rau từ năm 2016.
Mẹ đảm cho biết, chị vốn đam mê làm vườn nhưng tới năm 2016, khi con trai lớn ăn dặm thì chị mới bắt đầu với đam mê này được. Khi mới bắt đầu, chị chỉ trồng vài loại rau lá trong thùng xốp, khay nhựa. Nhưng càng làm vườn chị càng mê nên dần dần mở rộng khu vườn của mình, đến nay tổng diện tích trồng rau đã khoảng 130m2.
Vườn bí xanh quả sai lúc lỉu.
“Thời gian trước mình chỉ trồng rau trong mảnh sân rộng 70m2. May mắn được anh chồng ủng hộ và luôn đồng hành cùng mình nên khu vườn hiện tại đã mở rộng, khoảng 130m2. Mình thấy trồng rau sạch tại nhà cần phải có đam mê đủ lớn, nếu không khó kiên trì lắm.
Về khoản chi phí, theo mình là khá tốn kém, không đỡ hơn so với việc mua rau ở chợ là bao đâu. Vì mình phải đầu tư cho nhà màn che mưa do miền Trung có một mùa mưa dài triền miên, rất khó làm rau. Ngoài ra còn khoản chi phí cải tạo vườn, phân bón, xơ dừa, vỏ trấu, đất trồng,… Nhưng được cái là gia đình có được niềm vui, có sân vui chơi cho các con và cả nhà đều yên tâm vì có thực phẩm sạch để sử dụng”, chị Hoàng Ngân chia sẻ.
Khu vườn ban đầu của gia đình chị Hoàng Ngân. Khu vực này chị chủ yếu trồng các loại cây dây leo như cà chua, mướp đắng (khổ qua), bí,... Bên dưới trồng một số loại rau ít nắng và sen đá.
Để có rau sạch ăn quanh năm, chị trồng rau theo mùa. Ví dụ như mùa hè nắng nhiều chị ưu tiên trồng bầu, bí, mướp, ngô,… Mùa đông lạnh chị thường trồng các loại rau cải, bắp cải, rau diếp, đậu,… “Sau nhiều năm trồng rau, mình rút ra kinh nghiệm ‘mùa nào thức nấy’. Mỗi loại sẽ có mùa thuận nhất định, vì vậy trồng sẽ thành công hơn”, chị Hoàng Ngân chia sẻ.
Ngoài ra khi trồng rau, chị cũng phân chia theo đặc điểm sinh trưởng của từng loại rau. Loại nào ưa nắng thì trồng ở nơi nhiều nắng, loại nào cần ít nắng thì trồng ở nơi mát mẻ.
Theo mẹ đảm, để rau luôn tươi tốt thì giá thể trồng rau ban đầu là nền tảng cốt lõi, đất phải thật tơi xốp, giàu dinh dưỡng. Chị thường trộn giá thể đất trồng rau theo theo tỉ lệ 50% đất thịt, 30% các loại trấu hun, xơ dừa, vỏ đậu phộng, 20% phân hữu cơ như phân bò, phân gà,… Ngoài ra, chị còn tự ủ rác thải nhà bếp để bón cho rau.
Trồng rau hữu cơ thì sâu bệnh là điều khó tránh khỏi, vì vậy chị cho rằng muốn vườn rau xanh tốt thì cần phải dành thời gian để chăm sóc, phát hiện sâu bệnh kịp thời để có biện pháp xử lý.
Nông sản thu hoạch được từ vườn rau nhà chị Hoàng Ngân.
Cho nên, mặc dù công việc rất bận rộn khi kinh doanh nhiều ngành hàng như cửa hàng thực phẩm, xưởng nội thất thì chị Hoàng Ngân vẫn tranh thủ thời gian mỗi ngày khoảng 30 phút – 1 tiếng để tưới rau, bắt sâu, chăm sóc vườn rau xanh của mình.
Khi có thời gian rảnh rỗi hơn, chị thường đưa con ra vườn rau chơi, dạy con một số kỹ năng làm vườn cơ bản. Nhờ đó, con cũng yêu thương cây cỏ hơn, biết rau hữu cơ là gì, hiểu cả quy trình trồng rau và biết tận dụng rác nhà bếp để làm phân hữu cơ. “Làm vườn có hơi vất vả thật nhưng ngoài thực phẩm sạch, lành thì với tôi, vườn rau còn là nơi chữa lành, là không gian để con trẻ vui đùa, trải nghiệm, là không gian cả gia đình quây quần sau một ngày mệt mỏi”, chị Hoàng Ngân chia sẻ.