Hoa trà my thuộc chi chè (Theaceae), có tên khoa học là Camellia Japonica, có nguồn gốc từ các nước Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Đây là cây thân gỗ dạng bụi, cành lá sum suê, lá dày và xanh quanh năm. Hoa thường nở từ cuối tháng 12 đến hết tháng 4 năm sau khi được trồng ở nơi có khí hậu ấm áp như miền Nam. Ở miền Bắc và Trung bộ, hoa thường nở khi thời tiết ấm áp hơn từ tháng 3 đến tháng 5.
Hoa trà my có các cánh xếp lớp uốn cong rất đẹp. Hoa mang nhiều màu sắc khác nhau như đỏ, vàng, tím, hồng, trắng,… và thường tươi hơn 2 tuần mới tàn. Vì mang vẻ đẹp kiêu sa, sắc màu tươi thắm nên hoa trà my được mệnh danh là “nữ hoàng sắc đẹp trong thế giới các loài hoa”.
Không chỉ đẹp, hoa trà my còn tượng trưng cho sự phú quý, tài lộc và sự trường thọ. Ngoài ra, ý nghĩa của hoa còn tùy thuộc vào từng màu sắc cụ thể. Ví dụ như hoa trà my trắng thể hiện sự trong sáng thuần khiết, sự thanh cao trong sạch hay sự thủy chung son sắc một lòng ở người phụ nữ; màu đỏ thể hiện cho tình yêu mãnh liệt, xua đuổi vận rủi và rước phú quý, tài lộc cho gia đình; màu hồng là biểu tượng của tuổi trẻ, tuổi thanh xuân mà ai cũng từng trải qua,...
Mặc dù vừa đẹp vừa mang rất nhiều ý nghĩa cả về mặt đời sống hàng ngày lẫn đời sống tinh thần về phong thủy, nhưng trong những năm gần đây, nhiều người trồng hoa lại đưa hoa trà my vào “danh sách đen”. Có nhiều lý do khiến phải băn khoăn khi trồng hoa trà my, hãy cùng xem đó là gì nhé.
1. Tốc độ tăng trưởng chậm
Những người trồng hoa trà my đều biết, hoa trà phát triển rất chậm. Nếu là cây con nhỏ thì phải vài năm mới nở hoa. Trong quá trình này, chúng ta cần thường xuyên bón thêm phân hỗn hợp để cây hấp thụ tốt hơn. Vì vậy, nếu muốn mua hoa trà my về trồng, khuyên bạn nên mua cây giống lớn, nếu chăm sóc tốt thì cây có thể nở hoa sớm.
2. Cây dễ bị vàng lá
Hoa trà là loài hoa khá dễ bị vàng lá. Nguyên nhân chủ yếu là do cây ưa axit, tưới hoa bằng nước máy lâu ngày dễ khiến lá bị vàng. Ngoài ra, khi cây thiếu sắt cũng rất dễ vàng lá.
Để khắc phục tình trạng này, bạn nên thường xuyên bổ sung một ít sắt sunfat để điều chỉnh tốt độ chua, độ kiềm của đất. Ngoài ra, không nên dùng nước sạch, không hóa chất hoặc clo để tưới cho cây. Nếu sử dụng nước máy, nên để qua đêm cho clo bay hết rồi mới tưới cây. Như vậy sẽ tránh được tình trạng hoa trà my bị vàng lá do thiếu sắt, đồng thời giúp hoa tươi lâu.
3. Việc bảo trì quá rắc rối
Việc chăm sóc hoa trà my rất rắc rối vì đây là loài hoa rất khó tính. Cụ thể, đất trồng phải tơi xốp, thoáng khí, giữ ẩm tốt, thoát nước tốt, đất chua có độ PH trung bình 5.5. Hoa trà my ưa ẩm nên phải luôn giữ cho đất trồng cây có độ ẩm ổn định, không nên tưới quá đẫm mà cũng không nên để đất quá khô. Vào những mùa mát mẻ, có thể tưới 1 lần/ngày và tưới phun sương vào sáng sớm hoặc chiều mát. Khi tiết trời nắng nóng, nên tưới cho cây 2 lần/ngày.
Hoa trà có yêu cầu cao về môi trường, cần khí hậu mát hơn, độ ẩm cao, ánh sáng yếu. Loài hoa này cũng không ưa phân bón hoá học, thích các loại phân bón hữu cơ. Vì vậy khi trồng hoa trà my, nên sử dụng phân chuồng hoai mục đã ủ kỹ hoặc phân hữu cơ.
Tuy nhiên không nên bón nhiều phân, cần sử dụng lượng ít hoặc pha loãng để bón, vì nếu bón phân quá nhiều thì cây có thể bị xót phân dẫn đến bị héo rũ, vàng lá hay thậm chí là chết cây. Tần suất bón phân phù hợp cho hoa trà my là khoảng 2 lần/tháng.
4. Khó nở hoa
Hoa trà tuy đẹp nhưng lại rất khó ra hoa, dù nụ có phát triển nhưng nếu không được chăm sóc đúng cách thì nụ cũng sẽ rụng. Vì vậy nếu trồng hoa trà my thì bạn phải thật cẩn thận trong quá trình bảo dưỡng. Đặt cây ở nơi có ánh sáng yếu, tưới nước đúng và đủ, trước khi cây ra hoa nên bón thêm một ít phân lân và kali để thúc đẩy nụ hoa phát triển.