Hiện nay vấn đề an toàn thực phẩm vẫn là vấn đề nhức nhối của xã hội, ra chợ mua gì ăn gì vẫn khiến nhiều chị em phải đau đầu, lo lắng. Chính vì vậy, với những người đam mê làm vườn ở thành phố thì việc tận dụng khoảng trống trên sân thượng để trồng rau nhằm cung cấp những bữa cơm có rau sạch, đảm bảo sức khỏe được nhiều người thích thú áp dụng.
Chị Đinh Thị Lan Phương, 44 tuổi, Giảng viên khoa Hóa Môi Trường, Đại học Thủy Lợi đã có kinh nghiệm trồng vườn được chục năm. Chị yêu thích trồng rau vì hồi còn bé sống ở quê, gia đình trồng mấy luống rau trong vườn để ăn, được mẹ và bà giao cho việc tưới rau hàng ngày nên từ lâu đã thích thú với việc làm vườn. Ban đầu khi trồng rau sân thượng, vì không có kinh nghiệm cây chết khá nhiều, sau học hỏi từ các bạn bè nên mấy năm nay chị đã có vườn rau ăn hàng ngày và trồng thêm ít củ quả rất vui mắt.
Chị Đinh Thị Lan Phương, 44 tuổi đam mê làm vườn
Vườn nhà chị Phương rộng 44 m2, nhưng do thiết kế nên chia làm nhiều khu riêng biệt, hiện tại vườn được trồng trên diện tích 30 m2. Mùa hè và mùa thu trồng các loại rau mồng tơi, đay, ngót, muống, mùng, hẹ, đậu đũa, dưa lê, dưa bở..., rau gia vị (lá mơ, húng chó, mùi tàu, tía tô, lá lốt, kinh giới). Mùa thu đông và mùa đông trồng xà lách, xu hào, bắp cải, cải, củ cải, ngô, xúp lơ, đậu cô ve... Ngoài ra trên vườn có 2 cây chanh cho ăn lá và lấy gai khêu ốc.
Vườn nhà chị Phương rất đa dạng các loại rau quả
Theo chị Phương chia sẻ, lý do chị quyết định trồng rau sân thượng là vì cả nhà từng bị ngộ độc thuốc trừ sâu từ rau mua ngoài hàng. Chưa kể chị đọc báo thấy rau bị tồn dư hóa chất từ thuốc trừ sâu khá nhiều nên đã nghĩ đến việc trồng rau sạch vừa giúp thư giãn đầu óc vừa có rau củ sạch cung cấp cho bữa ăn hàng ngày. Trồng sân thượng khác với trồng vườn, ban đầu chưa có kinh nghiệm nên phải phá bỏ nhiều lần. Sau khi học hỏi từ mọi người xung quanh, chị Phương vui vẻ chia sẻ chút ít kinh nghiệm để giúp chị em đỡ vất vả trong quá trình trồng rau trên sân thượng diện tích hẹp.
- Đất: phải tơi xốp, thoát nước tốt, giàu dinh dưỡng, đủ ánh sáng và nước tưới hàng ngày, cây giống và hạt giống chuẩn, trồng theo mùa phù hợp với khí hậu, thời tiết sẽ đảm bảo rau lớn nhanh và ít gặp sâu bệnh.
Đất phù sa sông Hồng + 10% trấu tươi theo thể tích cho tơi xốp, hạn chế dùng trấu hun vì trấu hun thường mặn. Trấu tươi khi hoai mục sẽ cung cấp dinh dưỡng cho đất tốt hơn trấu hun.
- Cây giống: mua ở chợ Hà Đông (chuyên mua hàng một chị uy tín bao năm nay) hoặc đặt mua của các bạn chuyên bán vật tư cây giống. Cây giống ở chợ hoặc các bạn chuyên bán cây giống rất đẹp, mua về chỉ đặt bầu vào chậu giảm được thời gian ươm cây và nhanh thu hoạch. Một số loại hạt giống mua ở vài bạn bán hạt giống chất lượng.
- Phân bón: các loại phân gà, phân dê, phân trùn quế, phân dơi, phân bánh dầu mua từ các bạn bán hàng vật tư rau giống. Gần đây, thường dùng phân trùn quế và phân dơi bón cho rau. Để tạo vị ngọt và đậm vị, phân trứng sữa tự ủ từ trứng gà công nghiệp và sữa cận hoặc quá date, phân trứng sữa chỉ dành cho tưới các loại dưa, xu hào, bắp cải, đậu đũa, đậu cove để tạo ngọt và đậm vị.
Rau quả tươi tốt không cần dùng thuốc trừ sâu
- Không sử dụng thuốc trừ sâu, chỉ sử dụng một số chế phẩm sinh học: Neem oil chứa tinh dầu cây Neem Ấn Độ, dịch tỏi ớt, Bio vi sinh để phòng trừ nhện đỏ, rệp và sâu xanh. Ngoài ra dùng nấm rễ Tricodenma để chống các bệnh nấm, lở cổ rễ, tuyến trùng… của cây dưa. Ngoài ra cây bị bệnh (dưa, ớt, cà chua, cà tím…) thường nhổ bỏ, phơi đất và luân canh cây trồng ít sâu bệnh: mồng tơi, rau cải, đậu, rau thơm, hành. Sau mỗi vụ, các chậu sẽ được trồng cây khác để luân canh, phòng bệnh cho cây. Một số cây lấy nhiều dinh dưỡng đất như dưa, cà chua thường được trồng luân canh: đậu, rau cải, hành tỏi … sau đó mới trồng lại cây vụ trước.
- Với rau ăn lá: khi cây bén rễ được 1 tuần, thả nắm phân trùn nhỏ hoặc nửa nắm phân dơi xa gốc, bón lại sau một tuần nữa và đợi thu hoạch, sau thu hoạch lại bón tiếp. Một số rau dài ngày như mùng tơi, cải bắp, xu hào mình vùi vỏ tôm cua hoặc 3 quả chuối nẫu lúc cây còn bé. Vùi xa gốc, rắc thìa nấm tricoderma lên và phủ đất. Cách làm này giống với rau ăn củ như xu hào, củ cải.
- Dưa: với dưa chỉ dùng phân trùn quế, phân dơi, rong biển và phân trứng sữa. Khi cây dưa còn bé bón nắm trùn quế và nửa nắm phân dơi xa gốc. Tuần phun một lần rong biển theo hướng dẫn. Giai đoạn cây ra hoa và có quả tưới thêm phân trứng sữa tuần/ lần. Trước thu hoạch 2 tuần dừng tưới phân.
- Phủ gốc: để giữ mát gốc cho một số cây trong ngày nắng nóng thường phủ rơm. Rơm có tác dụng tạo mát cho gốc và tránh trồi rễ khi có mưa lớn. Sau mỗi vụ, rơm và trấu tự mục cung cấp mùn và dinh dưỡng cho đất, tạo độ tơi xốp cho đất.
- Luân canh: các chậu sau trồng dưa, cà chua... mình thường trồng đậu, cải, xu hào, mùng tơi, cây gia vị để phòng tránh bệnh cho cây, không nên trồng lại một loại cây liên tiếp trong 1 chậu.
Chị Phương xem việc làm vườn là lúc giải tỏa căng thẳng và thư giãn tinh thần
Nhìn một vườn rau xanh mướt trên ban công của chị Phương khiến ai cũng xuýt xoa vì ước có 1 khu vườn như thế. Theo chị tiết lộ, công việc khá bận, ngoài thời gian dành cho công việc phải dành thời gian cho gia đình và đưa đón con đi học, ngoài ra tập yoga buổi tối nên chỉ có thời gian chăm vườn vào sáng chủ nhật khoảng 2 tiếng (bón phân, tỉa lá). Hàng ngày, mất khoảng 10-15 phút hái rau và tưới rau. Chị cũng thừa nhận mình ít thời gian chăm vườn, những dịp cả gia đình đi nghỉ mát hoặc về quê nghỉ lễ, cây không được tưới nên thường bị chết ½ vườn khiến chị phải tốn công gầy dựng lại.
“Chi phí trồng rau trên sân thượng không nhiều lắm. Đầu tư ban đầu về chậu, kệ kê, đất, sau chỉ phải mua cây giống, hạt giống cũng khá rẻ. Nhiều hàng gắn mác rau an toàn nhưng rau chưa chắc đã đảm bảo nguồn gốc. Tuy trồng rau mất công, nhưng làm vườn có những khoảng thời gian thư giãn và rèn luyện sức khỏe, rau quả mình trồng hữu cơ, đảm bảo tươi sạch và khi ăn cảm nhận được vị ngon, đậm” – chị Phương tiết lộ.
Nhiều loại củ quả trên sân thượng nhà chị Phương
Với những bí quyết chị Phương chia sẻ có lẽ sẽ giúp rất nhiều người có thêm kinh nghiệm khi bắt tay vào trồng rau sân thượng. Dù công việc có chút tốn công và tốn thời gian nhưng thành quả lại ngọt ngào và thú vị không kém. Những bữa ăn gia đình với rau sạch nhà trồng thì còn gì tuyệt vời hơn, chưa kể cảm giác vun trồng, chăm sóc cây cối cũng giúp tinh thần chúng ta thư thái, nhẹ nhàng hơn rất nhiều sau những ngày làm việc căng thẳng, mệt mỏi.