Lưỡi hổ là cây thân thảo mọng nước sống lâu năm, lá cao thẳng tắp, có giá trị làm cảnh cao. Hơn thế nữa, lưỡi hổ còn có tác dụng xua đuổi tà ma, gọi lộc vào nhà nên được nhiều người trồng trước cửa nhà hoặc trong nhà.
Loài cây này rất dễ trồng và dễ chăm sóc, nhưng vào mùa hè nắng gắt, khi nhiệt độ tăng lên thì bạn cần phải nhớ những nguyên tắc bảo dưỡng sau, chỉ có như vậy lá mới xanh tươi, không bị úa vàng.
Không thay đất, thay chậu
Không chỉ lưỡi hổ mà hầu hết các loại cây cảnh đều không thích hợp để thay đất, thay chậu vào mùa hè. Việc thay chậu vào thời điểm này ít nhiều sẽ làm bộ rễ bị tổn thương, nguyên nhân là do mùa hè nhiệt độ cao, có một chút sơ suất trong quá trình thay chậu cũng dễ khiến cây bị chết.
Đương nhiên, có một ngoại lệ. Đó là nếu cây lưỡi hổ bị thối rễ thì bạn cần phải thay đất, cắt bỏ phần rễ bị thối, cải tạo lại đất ngay lập tức. Lưỡi hổ thích đất pha cát, vì vậy bạn hãy dùng cát trộn với đất vườn, mùn, đá trân chậu để trồng lưỡi hổ là thích hợp nhất. Trong trường hợp rễ bị thối nghiêm trọng, bạn hãy cắt lá thành những đoạn nhỏ, giâm xuống đất để trồng cây mới.
Không tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời
Khi mùa hè đến, nhiệt độ dần tăng lên, thời tiết dần trở nên oi bức, lúc này cần bảo dưỡng cây lưỡi hổ trong môi trường thông thoáng. Nếu cây lưỡi hổ ở trong môi trường nóng bức và ngột ngạt thời gian dài thì rất dễ sinh ra nhiều loại vi trùng, sau đó xuất hiện hàng loạt bệnh như thối rễ, thán thư, đốm lá.
Cây lưỡi hổ mặc dù thích môi trường sinh trưởng đầy nắng nhưng lại sợ nắng gắt mùa hè, nên khi nhiệt độ vượt quá 30 độ thì phải chuyển cây từ ban công hướng nam sang ban công hướng bắc hoặc đặt cây ở nơi nửa râm mát để bảo dưỡng. Hoặc đặt cây trong nhà ở nơi có ánh sáng tán xạ, như vậy màu lá sẽ đẹp hơn mà không lo lá cây bị cháy nắng.
Không cần bón phân
Mùa này không cần bón phân cho cây lưỡi hổ, nếu cảm thấy cây thiếu chất dinh dưỡng có thể rắc một ít phân bón tan chậm trên bề mặt đất chậu. Nếu lá dài nhưng mỏng có thể bón thêm một ít đạm pha loãng với nước theo tỷ lệ 1:1500, tỷ lệ càng thấp càng tốt, rồi dùng bình tưới phun lên lá.
Phun theo cách này 2-3 lần, mỗi lần cách nhau khoảng 10 ngày, lá cây trông sẽ giàu sức sống, xanh tươi và bắt mắt hơn. Lưu ý, không nên phun đạm cho cây lưỡi hổ khi nhiệt độ quá cao, thời tiết quá nắng gắt.
Không được để chậu cây tích nước
Cây lưỡi hổ chịu khô hạn rất tốt, vì vậy ngay cả vào mùa hè thì bạn không nên tưới quá nhiều nước. Chỉ nên tưới nước khi đất chậu đã khô, không được để chậu cây tích nước để tránh tình trạng thối rễ.
Nếu không khí quá khô nóng, bạn cũng có thể phun một ít nước xung quanh chậu cây để tăng độ ẩm không khí, giúp cây lưỡi hổ phát triển tốt hơn.